Đi làm gần chục năm vẫn chẳng tiết kiệm được chục triệu
Dù ngày nào cũng chấm công đều đặn, nhận lương chẳng sót đồng nào nhưng tiền tiết kiệm vẫn chẳng thấy tăng. Thậm chí suốt 10 năm con số cũng chẳng lên nổi chục triệu.
Có nhiều người lạ lắm, tháng nào cũng chấm công, nhận lương đầy đủ nhưng chẳng hiểu sao tiền trong tài khoản vẫn chẳng chạm nổi mốc chục triệu. Thậm chí, cứ đến gần cuối tháng là lại kẹt ví, chẳng dám tiêu sài hay gửi tiền về cho gia đình. Tình trạng này tưởng hiếm nhưng thật ra lại xuất hiện ở khá nhiều người trẻ hiện nay. Đến chính họ cũng không biết tiền mình kiếm được đã đi đâu, cứ nhận lương rồi lại bay mất.
Làm gần chục năm, tiền tiết kiệm vẫn không chịu tăng
M.P (29 tuổi, 1 nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cũng đang gặp tình cảnh tương tự như trên. Cô nàng cho biết bản thân gia nhập thị trường lao động từ khi còn đang ngồi trên ghế nhà trường, mức lương trên chục triệu, đủ tiêu sài mỗi tháng. Thế nhưng đến nay, sau gần 7 năm đi làm, tài khoản tiết kiệm của cô vẫn chưa nổi 8 con số.
Cô nói: " Mọi người cứ thấy lương hơn chục triệu là cao, nhưng mình cảm giác chỉ vừa đủ sống thôi ấy. Riêng tiền thuê nhà thôi đã khoảng 4-5 triệu. Tính thêm tiền điện nước, ăn uống rồi dịch vụ, đồ dùng sinh hoạt cũng phải mất thêm ít nhất 2 triệu nữa. Còn chi phí đi lại, tiền cà phê, đi chơi cùng bạn bè, đồng nghiệp để giữ mối quan hệ là mất tầm 3 triệu nữa. Tính qua cũng đã thấy bay khoảng chục triệu rồi.
Tháng nào không shopping thì chắc giữ được 2, 3 triệu, nhưng thường con gái độc thân mấy ai kìm nổi lòng trước đồ đẹp đâu. Dịp nào lễ Tết, đám cưới, sinh nhật thì coi như bay hết lương. Tiền biếu bố mẹ còn chẳng có chứ nói gì đến tiết kiệm. Đấy là mình còn lương chục triệu, chứ lương thấp chắc còn thêm cả nợ ấy chứ".
Không chỉ riêng M.P, nhiều bạn trẻ khác cũng vậy. Cả tháng chăm chỉ đi làm chờ lương, đến khi có tiền lại bay nhanh ngỡ ngàng. Thậm chí có nhiều người còn không hiểu tại sao tiền mình kiếm được lại nhanh hết đến vậy. Bản thân họ làm gì cũng nghĩ sẽ phải tiết kiệm, nhưng cuối cùng vẫn mất chục triệu mỗi tháng.
Cậu bạn Q.T (26 tuổi, sống tại Hà Nội) cho biết: "Mình cũng không chi tiêu gì nhiều, quần áo, đồ trang điểm chẳng mất tí nào, thế mà vẫn hết tiền như thường. Mình toàn mua đồ rẻ chứ không chơi sang, ăn uống cũng tự nấu, cuối tháng ngồi nghĩ xem tiêu gì để cộng lại cũng chẳng hết chục triệu, chẳng hiểu sao lương về tài khoản vẫn cạn đáy."
Không chi tiêu thông minh, mãi cũng chẳng thể giàu!
Lương thấp, khó tiết kiệm còn có thể hiểu. Nhưng lương 8 con số, 10 năm đi làm vẫn không có khoản tích cóp nào thì lại là chuyện cần xem xét. Khác với các thế hệ trước, người trẻ hiện nay không quá đặt nặng việc tiết kiệm tiền. Họ thích đầu tư, sinh lời hơn là giữ tiền cho tương lai. Nhưng đó chỉ là số ít. Còn phần lớn người trẻ không tiết kiệm tiền là bởi họ không thể. Vì chi tiêu không có kế hoạch nên tiền lương chỉ đủ cho họ sinh hoạt, vui chơi giải trí.
Để tránh trường hợp "tiền tiết kiệm luôn dậm chân tại chỗ", người trẻ cần phải quản lý tài chính một cách thông minh. Đầu tiên phải xác định một con số mà bản thân có thể tiết kiệm (dựa trên thu nhập hàng tháng). Đây sẽ là mục tiêu để mọi người phấn đấu đạt được, đồng thời phân bổ kế hoạch chi tiêu của mình hợp lý hơn.
Melanie Lockert - người sáng lập Dear Debt cũng đã đưa ra lời khuyên về điều này. Ông chia sẻ với Entrepreneur: " Kiểm tra số dư tài khoản của bạn hàng ngày và xem tiền của bạn thực sự đi đâu. Điều này cũng có thể giúp bạn biết khi nào số tiền của bạn đang còn quá ít và bạn cần hạn chế chi tiêu trước khi số dư trong tài khoản cạn kiệt. Tôi cũng khuyên mọi người nên theo dõi tất cả các giao dịch mua trong 30 ngày".
10 năm vẫn một mức lương, "khéo co" vẫn "không ấm"
Ngoài việc quản lý chi tiêu, mọi người cũng nên tính đến chuyện nâng cao mức thu nhập của bản thân. Có thể ở thời điểm này, tiền lương bạn kiếm được vừa đủ để chi tiêu. Nhưng 5,10 năm nữa, khi vật giá leo thang, số tiền bạn có chưa chắc sẽ đủ dùng. Vì vậy cách tốt nhất là tạo thêm tiền trong ví.
Hiện nay có rất nhiều người trẻ quyết định mang tiền đi đầu tư, sinh lời. Nhưng nếu không muốn đổ tiền vào các khoản mạo hiểm, mọi người hãy đầu tư vào chính bản thân nhằm nâng cao giá trị của mình. Từ đó giúp cho số tiền kiếm được mỗi tháng ngày một nhiều hơn, vừa có thể chi tiêu thoải mái vừa dễ dàng tiết kiệm được một khoản kha khá.
Mỗi người lại có cách chi tiêu và tiết kiệm khác nhau. Dù vậy mọi người vẫn nên đặt ra mục tiêu và kế hoạch phù hợp cho bản thân, chỉ khi đó tiền trong tài khoản mới ngày một tăng cao.
Cùng cập nhật những tin tức khác tại YAN !
Để chi tiêu thông minh hơn, mọi người nên chia nhỏ các khoản tiền. Đầu tiên là các khoản sinh hoạt cần thiết như ăn uống, mua sắm... Tất cả nên gói gọn trong 55% thu nhập. 10% tiếp theo dành cho tiết kiệm dài hạn, phòng những nhu cầu cấp bách trong tương lai như đau ốm, bệnh tật hay mua nhà, xe...
10% nữa dùng để đầu tư vào học tập, nâng cao giá trị và mức thu nhập cá nhân. Nếu muốn, bạn có thể dùng thêm 10% cho các hoạt động "bồi dưỡng tinh thần" như đi du lịch, trải nghiệm điều mới. Một số người trẻ hiện nay còn dành 10% tiền lương để đầu tư tài chính, tìm cách sinh lời... 5% còn lại họ sẽ dùng để giúp đỡ gia đình, bạn bè hoặc làm từ thiện.
Đây chỉ là một bảng kế hoạch chung, mọi người có thể thoải mái thay đổi sao cho phù hợp với bản thân nhất.
Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !