Đi làm để lấy tiền khởi nghiệp: Nghèo hơn, bấp bênh hơn, sao vẫn làm?
Lấy hết thu nhập để đầu tư vào khởi nghiệp, được lợi gì?
Chuyện người trẻ vừa đi làm để lấy tiền khởi nghiệp không phải chuyện hiếm, nhưng con số thành công từ khởi nghiệp thì chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Người than thở không có thu nhập suốt 3 tháng, người đổ hết 80% lương vào khởi nghiệp
“Lương chưa về nhưng đã nhẵn túi” là câu nói mà Vân (23 tuổi, TP.HCM) than thở mỗi kì lương về. Hiện tại, cô đang làm việc cho một trung tâm dạy tiếng anh khá nổi tiếng, nhưng cũng đồng thời ấp ủ một giấc mơ riêng. “Mình muốn tự mở một trung tâm học Tiếng Anh online nho nhỏ, vì vậy mình dồn sức khá nhiều để tự xây dựng website, kênh truyền thông riêng. Hầu như thu nhập mà mình nhận được đều đổ vào việc duy trì kênh và website, bên cạnh đó còn thuê nhân sự ngoài vì mình chưa biết nhiều.” - Vân tâm sự.
Khi được hỏi về việc làm cách nào để quản lý chi tiêu khi vừa đi làm vừa khởi nghiệp, cô bạn cười trừ: “Mình đổ hết 80-90% thu nhập vào việc này rồi (khởi nghiệp), 10% còn lại thì mình để đổ xăng đi lại, hên là mình có bố mẹ sống tại thành phố, không thì cũng không đủ chi mất.”
Đồng cảm với Vân, Minh (24 tuổi, vừa là nhân viên Marketing tại một agency ở Hà Nội, vừa là chủ một nhãn hiệu quần áo local brand) chia sẻ: “Mình vừa làm giờ hành chính tại công ty vừa điều hành cửa hàng riêng, cửa hàng đã vận hành được 3 tháng rồi. Mình đổ dồn tiền tiết kiệm và tiền lương để thuê nhân viên, thuê mặt bằng và chi phí sản xuất nữa, khá là tốn kém đó. Mình cũng xác định là sẽ không có lời trong 6 tháng tới vì tiền cũng đổ vào các hoạt động Marketing và sản xuất.”
Ảnh minh họa
Còn Tuấn (25 tuổi, lập trình viên) cho biết anh chàng đã đổ hết thu nhập từ các dự án đang làm cho công ty nước ngoài vào việc xây dựng đội ngũ và vận hành một ứng dụng game. Tuấn than thở: “3 tháng rồi mình không còn dư đồng nào trong túi, ăn uống cũng đạm bạc hơn, hồi trước chỉ thuê nhà ở một mình nhưng nay cũng phải cho ở ghép để tiết kiệm từng đồng.”
Khi được hỏi lý do vì sao vẫn đổ tiền vào khởi nghiệp khi thu nhập bị hao hụt, thậm chí không đủ chi tiêu trong khi tương lai vẫn còn bỏ ngỏ, cả ba bạn trẻ đều cười lớn. Vân cho rằng việc khởi nghiệp đối với cô là một cuộc thử nghiệm lớn xem bản thân đi xa được bao lâu, bởi vì không ai muốn làm việc mình không thích cả. “Mình nghĩ việc đổ tiền vào khởi nghiệp giống như đầu tư vào bản thân vậy, mình sẽ học được nhiều điều hơn để phát triển bản thân, chứ tiền không đầu tư là tiền chết.”
Còn theo Minh, anh bạn cho rằng việc khởi nghiệp tuy lúc đầu có hơi gian nan, nhưng không phải là một ván cờ may rủi. “Tiền hết thì mình làm việc thêm để dồn tiền vào, mình nghĩ việc tụi mình dồn tiền vào khởi nghiệp như một cách khẳng định cái tôi và thương hiệu bản thân, không có gì là sai cả.”
Đối với Tuấn, việc lấy hết thu nhập của bản thân vào khởi nghiệp cũng giống như việc đầu tư dài hạn. “Lấy tiền đầu tư cho việc khởi nghiệp cũng giống như đầu tư cho bất động sản vậy. Bạn phải thấy tiềm năng thì mới dám bỏ tiền ra đầu tư, đúng không? Dù biết dự án của mình là một dự án dài hơi, tuy nhiên mình tin rằng sản phẩm sẽ thành công và mang lại tiền trong thời gian tới.”
Tuấn cho rằng, trước khi có ý định khởi nghiệp, các bạn trẻ cần xác định được mục tiêu và hoạch định tài chính rõ ràng. “Các bạn cần ghi rõ 2 cột, một là thu nhập, hai là cột chi phí, trong đó cột chi phí chia làm 2 phần là chi phí cố định (thuê nhà, phí sinh hoạt, chi phí thuê mặt bằng,...) và chi phí biến đổi (chi phí sản xuất, thuê nhân sự ngoài,…), nếu thu nhập và tiền tiết kiệm lớn hơn tổng các chi phí cộng lại thì đừng ngần ngại.” - Tuấn chia sẻ.
Còn Vân thì cho biết, để không nghèo khi khởi nghiệp, hãy biết cách phân chia nguồn thu nhập đúng đắn: “Vì mình ở với bố mẹ, được lo ăn uống miễn phí nên dành 80% thu nhập để đầu tư cho khởi nghiệp, còn nếu các bạn đang sống tự túc thì nên phân phối 50% thu nhập cho chi tiêu cơ bản và 40% còn lại cho dự án cá nhân, 10% để dành tiết kiệm phòng trường hợp khẩn cấp.”
Còn Minh thì khuyên nên biết thương lượng đúng cách: “Mình hay áp dụng phương pháp dĩ hòa vi quý để deal lương và thương lượng giá với mọi người, ví dụ đối với bạn có kinh nghiệm và làm thời gian lâu có thể deal lương với sếp để tăng mức thu nhập, còn các chi phí có thể thương lượng với chủ nhà để giảm giá mặt bằng, giảm chi phí sản xuất,...”
Cuối cùng, cả ba bạn trẻ đều cho rằng trước khi quyết định làm cùng lúc 2 công việc và lấy thu nhập để bù vào phí khởi nghiệp, mỗi bạn trẻ cần suy nghĩ thật kĩ, hoạch định kế hoạch rõ ràng và phân bố thu nhập và chi tiêu phù hợp.
Theo Q.N
Trí Thức Trẻ