Đi lại dịp Quốc khánh 2/9: Xả trạm thu phí tự động nếu ùn tắc
Theo Tổng Công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày, lượng phương tiện qua các tuyến cao tốc cửa ngõ Hà Nội và TPHCM tăng 40-50% so với ngày thường. Đây sẽ là phép thử cho hệ thống thu phí tự động mới được đưa vào vận hành. Các đơn vị quản lý trạm thu phí đã được yêu cầu phải xả trạm nếu xảy ra ùn tắc.
Đợt thử nghiệm lớn với thu phí tự động
Lượng phương tiện tham gia lưu thông tăng cao dịp 2/9 so với ngày thường sẽ là “phép thử” với hệ thống thu phí đường bộ tự động không dừng khi thu phí tự động mới chỉ bắt đầu từ ngày 1/8.
Đại diện Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết, lượng phương tiện trên tuyến cao tốc này sẽ tăng khoảng 20% so với ngày thường. Ngày cao điểm nhất dự kiến có khoảng 70.000 lượt phương tiện.
Hiện tại, tuyến cao tốc này thu phí tự động hoàn toàn, nếu không xảy ra các sự cố kỹ thuật, về cơ bản sẽ không xảy ra ùn tắc khi phương tiện qua trạm nhanh hơn. Đơn vị khai thác tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cũng lên phương án xử lý khi hệ thống thu phí tự động gặp sự cố về đường truyền, nguồn điện, lỗi với xe qua trạm (không đọc được thẻ, tài khoản giao thông không đủ tiền, thẻ hỏng...).
“Bình thường các lỗi này vẫn xảy ra, nhưng lưu lượng phương tiện không quá cao sẽ dễ xử lý, cao điểm nghỉ lễ nếu hệ thống thu phí tự động có lỗi sẽ rất dễ xảy ra ùn tắc”, đại diện đơn vị quản lý cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nói.
VEC cho biết, với các tuyến cao tốc lớn vào Hà Nội và TPHCM, đơn vị đang khai thác, dự kiến lưu lượng phương tiện ngày cao điểm sẽ tăng 40-50% so với ngày thường. Cao điểm sẽ rơi vào chiều tối 31/8, ngày 1/9 và chiều tối ngày 4/9. Thời gian này có thể xảy ra ùn cục bộ trên tuyến cao tốc và tại các trạm thu phí. Cụ thể như tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, ngày cao điểm nhất lưu lượng phương tiện có thể lên tới 90.000 - 100.000 lượt phương tiện/ngày đêm.
Với lưu lượng xe lưu thông trên cao tốc tăng cao, trong khi hệ thống thu phí tự động vẫn còn xảy ra lỗi, dẫn tới phải xử lý thủ công, đối soát, ảnh hưởng tới hoạt động thu phí sẽ gây ra ùn tắc. Tại các trạm thu phí ở những tuyến cao tốc của VEC, đặc biệt là trạm thu phí đầu mối lớn, nhân sự được huy động 100% để đảm bảo giao thông được thông suốt, sẵn sàng xử lý sự cố và điều tiết khi ùn tắc...
Xả trạm thu phí khi ùn tắc kéo dài
Để đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, tạo thuận lợi cho người dân đi lại trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ cũng vừa chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ, sở GTVT các địa phương sẵn sàng phương án.
Với đường bộ, Tổng cục Đường bộ được giao chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra các công trình giao thông để xử lý sự cố, đặc biệt là với các vị trí nguy cơ cao về tai nạn giao thông, ùn tắc, các cửa ngõ Hà Nội và TPHCM; kiểm tra, chỉ đạo các trạm thu phí đường bộ tổ chức phân luồng giao thông hợp lý, kịp thời xử lý, giải tỏa phương tiện, không để xảy ra ùn tắc tại các trạm thu phí.
Ông Thọ chỉ đạo các trạm thu phí phải chủ động xả trạm để giải tỏa phương tiện khi xảy ra ùn tắc kéo dài. Các địa phương, đơn vị vận tải đường bộ, nhất là vận tải khách phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, ổn định cước phí, bố trí phương tiện dự phòng, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tăng cường giám sát dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để xử lý các chủ phương tiện kinh doanh vi phạm.
Với hàng không, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không chỉ đạo đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về an toàn, an ninh hàng không, xử lý nghiêm vi phạm; hạn chế số người đón, tiễn tại các sân bay, chú trọng ở sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất để giảm ùn tắc, quá tải.
Các hãng hàng không được yêu cầu xây dựng phương án bay tăng cường phục vụ nhu cầu đi lại của người dân dự kiến tăng cao vào dịp này; hạn chế tối đa việc chậm chuyến, hủy chuyến; không tăng giá vé trái quy định... Các yêu cầu tương tự cũng được đưa ra với đơn vị liên quan lĩnh vực vận tải khác như đường sắt, đường thủy nội địa, hàng hải…
Với địa phương, Bộ GTVT đề nghị sở GTVT các tỉnh, thành phố vận động người dân đã uống rượu bia không lái xe; tham gia tổ chức giao thông hợp lý tại các cửa ngõ lớn, nhất là tại Hà Nội và TPHCM; tăng cường các điều kiện để bảo đảm cứu hộ, cứu nạn khi xảy ra sự cố, tai nạn. Các đơn vị liên quan cũng được yêu cầu công bố công khai số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý kịp thời phản ánh của người dân liên quan tới việc đi lại, trật tự an toàn giao thông...