Đi kiếm củi, người đàn ông vô tình nhặt được "báu vật quý như vàng"

Chia sẻ Facebook
29/05/2023 08:55:35

Trong khi đi kiếm củi, người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam tình cờ tìm thấy một khúc gỗ mục bên đường. Không ngờ khúc gỗ này lại "ẩn giấu" bí mật không ngờ.

Người đàn ông ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc tình cờ tìm thấy một khúc gỗ mục bên đường trong một lần đi kiếm củi. Khúc gỗ này bị vùi một nửa ở trong đất. Sau khi đào nó lên và quan sát kỹ hơn, người đàn ông nhận thấy khúc gỗ dường như có chút ánh xanh ở bên trong và nặng hơn bình thường.

Trở về nhà, sau khi rửa sạch khúc gỗ và xẻ ra, khúc gỗ mục ban đầu lại thay đổi. Nó trông giống như một tảng đá màu xanh ngọc hình khúc gỗ.

Nghi ngờ đây có thể là vật báu, người đàn ông mang khúc gỗ kỳ lạ đến nhờ chuyên gia thẩm định. Chuyên gia nói với anh ta rằng nó không phải là ngọc bích mà gỗ hóa thạch.

Gỗ hóa thạch (Petrified wood), theo đúng nghĩa đen, là gỗ được "hóa đá" - bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp. Trong gỗ hóa thạch, các sợi sinh học và cấu trúc thường xuất hiện trong thân cây sẽ được thay thế bằng các khoáng chất như opal hoặc thạch anh. Điều này làm cho gỗ hóa thạch trở thành một loại hóa thạch độc đáo và vô cùng đẹp mắt, tuy nhiên điều kiện để gỗ có thể hóa thạch cũng vô cùng đặc biệt.

Hóa thạch thường xuất hiện trong đá trầm tích, bởi vì các quá trình tạo ra đá lửa và đá biến chất không thực sự phù hợp để hình thành và bảo quản hóa thạch. Hầu hết các hóa thạch được hình thành từ các bộ phận cứng (như bộ xương) của động vật. Nhưng bản thân các bộ phận của bộ xương đã là khoáng chất - trong khi gỗ thì không.

Thân cây là bộ phận có khả năng bị hóa thạch lớn nhất. Thân cây chứa một số bộ phận khác nhau, nhưng 95% thành phần khô của gỗ là holocellulose và lignin. Holocellulose thường phân hủy chậm, nhưng lignin phân hủy chậm hơn nhiều. Ngoài ra, vi khuẩn chỉ có thể phân hủy lignin nếu có mặt oxy.

Do đó để có thể trở thành hóa thạch, gỗ phải được bảo quản trong môi trường không có oxy. Trong thực tế, gỗ sẽ được bảo quản khỏi sự phân hủy khi nó nhanh chóng được chôn vùi trong bùn hoặc các trầm tích bão hòa nước, hoặc tro núi lửa. Những môi trường này bảo vệ lignin khỏi bị phân hủy và từ đó dần trở thành hóa thạch.

Theo chuyên gia, quá trình gỗ hóa thạch diễn ra trong suốt hàng triệu năm dưới lòng đất và để tạo ra một thân gỗ hóa thạch là rất hiếm, có thể coi là quý như vàng.

Gỗ hóa thạch có nguồn gốc từ những rừng cây nguyên sinh, tồn tại từ thời Triassic và Jurassic, khoảng từ 100 triệu đến 250 triệu năm trước. Loại gỗ hóa thạch lâu đời nhất có tuổi đời tương đương với thực vật thân gỗ, có niên đại từ kỷ Devon, khoảng 390 triệu năm trước, khi thực vật thân gỗ lần đầu tiên xuất hiện trên đất liền. Các nhà khoa học đã tìm thấy gỗ hóa đá có niên đại từ kỷ Devon cho đến cận đại. Tuy nhiên, một số thời kỳ (và địa điểm) cũng tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho sự hình thành gỗ hóa đá.

Ví dụ, khí hậu siêu gió mùa ấm áp (như thời kỳ Carbon-Permi, từ khoảng 360 triệu năm trước đến 300 triệu năm trước) dường như mang lại số lượng lớn gỗ hóa thạch. Tuy nhiên, thứ thực sự thúc đẩy quá trình hình thành gỗ hóa đá là các vụ phun trào núi lửa.

Các vụ phun trào núi lửa, đặc biệt là các loại phun trào tạo ra nhiều tro bụi, sẽ là điều kiện hoàn hảo để hình thành quá trình "gỗ hóa đá".

Các nhà thần học phương Tây cho rằng, nguyên bản là một khúc gỗ mục nát, sau khi trải qua quá trình bị Thạch anh hóa, nó biến thành một loại đá quý, vì thế mà hóa thạch gỗ có đặc tính từ trường bền vững, trường thọ, và vĩnh cửu.

Màu sắc của thân cây hóa thạch cũng đa dạng: màu xám, màu nâu là phổ biến nhất ngoài ra còn có màu đỏ, cam vàng, đen và quý hiếm nhất là màu xanh ngọc bích.

Ngay từ thời các quốc gia cổ đại như Assyria, Babilon và La Mã cổ đại, gỗ hóa thạch đã được dùng như đá mỹ nghệ. Từ gỗ hóa thạch người ta làm ra những chuỗi hạt và các loại trang sức khác. Từ thế kỷ 19, 20 từ gỗ hóa thạch Arizona xuất khẩu đã chế tác thành những chiếc bàn nhỏ, lọ hoa, giá nến.

So với các tấm gỗ thông thường, gỗ hóa thạch có giá trị gấp nhiều lần. Chuyên gia cho biết, khúc gỗ hóa thạch của người đàn ông có niên đại từ khoảng 200 triệu năm trước. Giá trị kinh tế của khúc gỗ rất lớn và giá trị nghiên cứu của nó cũng rất cao.


Minh Hoa (t/h)

Chia sẻ Facebook