Đi du lịch với mục đích “trả thù” – xu hướng mới để cảm thấy mình còn sống chứ không phải chỉ đang tồn tại
Khi ngày càng có nhiều quốc gia mở cửa lại biên giới để phát triển lại du lịch, một cụm từ nghe không mấy dịu dàng đã tràn ngập trên mạng xã hội và trở thành xu hướng: du lịch trả thù.
Cụm từ gây tranh cãi
Thuật ngữ này được dùng để diễn tả những chuyến đi như đoàn tụ với gia đình, những kỳ nghỉ được đầu tư công phu hay chuyến đi để ghé thăm lại những địa điểm ưa thích. Vậy câu hỏi được đặt ra ở đây là: Tại sao lại gọi là "du lịch trả thù"?
"Trả thù" nhìn chung thường mang hàm ý tiêu cực, trái ngược với cảm giác vui vẻ, phấn khích mà nhiều người có khi tận hưởng kỳ nghỉ đầu tiên sau hơn 2 năm đại dịch hoành hành.
Nhưng ý tưởng về "du lịch trả thù" dường như thiên về việc thích đi thì cứ xách vali lên và đi hơn là mong muốn đến một địa điểm cụ thể để thay đổi điều gì đó. Trừ khi Romania đã cướp bạn gái của bạn hoặc Peru đã khiến bạn bị sa thải, nếu không thì việc trả thù một địa điểm nào đó nghe có vẻ lạ lùng.
Có lẽ "du hành trả thù" có thể được hiểu là trả thù đại dịch, chống lại Covid.
Erika Richter, Phó chủ tịch Hiệp hội Cố vấn Du lịch Hoa Kỳ (ASTA), cho biết: ""Du lịch trả thù" là một từ thông dụng ra đời từ năm 2021 khi thế giới bắt đầu mở cửa trở lại và mọi người quyết định bù đắp thời gian đã mất bằng những chuyến đi".
Có một vấn đề là không có cách nào hay ho để diễn tả tâm trạng hiện tại khi đi du lịch khắp thế giới. "Du lịch sau đại dịch" không hoàn toàn chính xác vì đại dịch vẫn chưa kết thúc ở nhiều nơi. Các quốc gia và khu vực khác nhau hoạt động theo các mốc thời gian khác nhau. Có những nơi đã loại bỏ tất cả các rào cản nhập cảnh trong khi những quốc gia khác vẫn bị kiểm soát chặt chẽ, thậm chí đóng cửa đối với du khách nước ngoài.
Richter đồng ý với quan điểm chung đằng sau khái niệm này, ngay cả khi cô không sử dụng thuật ngữ "du lịch trả thù".
"Đó là một cách nói khác để nói: Này, cuộc sống thật ngắn ngủi. Tôi muốn đặt chuyến đi đó. Tôi muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Tôi muốn kết nối với người khác và với thiên nhiên. Tôi muốn khám phá thế giới và tìm kiếm những trải nghiệm khiến tôi cảm thấy mình còn sống chứ không phải chỉ tồn tại."
Cô không phải là người duy nhất trong ngành du lịch đang trăn trở để tìm ra cách nói về "du lịch trả thù" như một xu hướng.
"Tôi không nghĩ tiền tố 'trả thù' thích hợp với những gì nên nói về du lịch," Rory Boland, biên tập viên của tạp chí Which? nói với CNN Travel. Anh gọi "du lịch trả thù" là một "thuật ngữ xấu xí."
Tuy nhiên, anh cũng thừa nhận rằng cụm từ này rõ ràng có sự kết nối với mọi người.
"Tôi nghĩ rằng những gì mà cụm từ này đang cố gắng biểu đạt là mong muốn nhiều người cần phải đi du lịch lại, để thăm thú những địa điểm mới và gặp gỡ những con người mới sau một khoảng thời gian cảm thấy tĩnh lặng và buồn tẻ."
"Bung lụa" sau đại dịch
Cho dù có sử dụng thuật ngữ "du lịch trả thù" hay không, nhiều du khách nói rằng họ đang thực hiện chuyến đi lớn đầu tiên kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Deborah Campagnaro, sống ở British Columbia, Canada, là một trong số đó.
Bà đã nghỉ hưu từ công việc dịch vụ đầu tư của mình hơn 30 năm và mong muốn có một kỳ nghỉ kỷ niệm lớn với chồng mình. Cặp đôi này đã đến Nepal vào năm 2016 để đi bộ đường dài ở Annapurna Circuit. Đây là một chuyến đi đầy thử thách qua một số đỉnh núi cao nhất của đất nước.
Brittney Darcy, cư dân Rhode Island, cũng đang mong chờ một chuyến đi đã bị vỡ kế hoạch bởi đại dịch.
Cô gái 26 tuổi đã mơ ước được đến Paris từ khi còn là một cô bé xem bộ phim yêu thích của mình là "Sabrina". Nhưng chuyến đi dự kiến vào mùa hè năm 2020 với bạn trai của cô đã bị hoãn lại khi Covid bùng phát.
Bây giờ, cuối cùng cô đã có thể lên lịch lại kỳ nghỉ trong mơ của mình nhưng với nhiều điểm dừng hơn và đầu tư hơn. Thay vì năm ngày ở Paris, cô sẽ dành hẳn hai tuần ở Pháp và Ý.
"Tôi đã có một chuyến đi xuyên quốc gia trong suốt thời gian đại dịch Covid, nhưng thế thì vẫn là chưa đủ. Tôi luôn muốn đến Paris và Ý nhưng lại chưa bao giờ đến. Giờ thì tôi nghĩ tại sao lại không chứ, mình còn trẻ mà," cô nói với CNN.
Số tiền cô tiết kiệm được từ việc không đi du lịch trong hai năm đang được dùng để nâng cao chất lượng cho kỳ nghỉ. Thay vì phải nghỉ dừng chân tạm ở Iceland hoặc Ireland, Darcy và bạn trai đã trả nhiều tiền hơn cho một chuyến bay thẳng từ Boston.
Họ yêu thích chuyến đi đến mức đã lên kế hoạch quay trở lại Nepal, lần này theo một hành trình tùy chỉnh cho linh hoạt. Việc đóng cửa liên quan đến đại dịch và những khó khăn về thời tiết khiến họ phải hoãn lại nhiều lần. Cuối cùng, họ đã xác nhận vé và đặt chỗ cho chuyến đi vào tháng 9/2022.
Campagnaro và chồng cô ấy đang tận hưởng thêm thời gian và trải nghiệm thay vì những kỳ nghỉ dưỡng sang trọng. Họ sẽ ở lại Nepal cả tháng và có thêm vài ngày ở thị trấn ven hồ Pokhara như một sự đãi ngộ.
Darcy thừa nhận rằng cô chưa bao giờ nghe đến thuật ngữ "du lịch trả thù", nhưng theo cô thì đó là một thuật ngữ hoàn hảo để áp dụng cho chuyến đi châu Âu của mình.
"Covid đã khiến tôi bớt tằn tiện hơn. Chúng tôi chỉ sống một lần, vì vậy tôi cũng có thể tiêu tiền của mình cho những trải nghiệm."
Công ty đặt phòng du lịch Expedia theo dõi dữ liệu tìm kiếm trực tuyến liên quan đến du lịch và lữ hành. Vào năm 2021, mức tăng cao nhất trong lưu lượng truy cập tìm kiếm du lịch trung bình là 10% vào tháng 5. Đó là tuần tiếp theo sau khi Liên minh châu Âu bỏ phiếu gia hạn hợp đồng với Pfizer và phê duyệt vắc xin sử dụng cho thanh thiếu niên.
Cuộc khảo sát của Expedia cho thấy 60% hành khách có kế hoạch đi du lịch trong nước và 27% muốn đi du lịch quốc tế vào năm 2022.
Và nhiều người trong số những du khách này sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho một kỳ nghỉ so với những gì họ muốn bỏ ra trong quá khứ.