Di chuyển trên đường cất/hạ cánh, sân đỗ máy bay trái phép bị xử lý thế nào?

Chia sẻ Facebook
15/07/2022 14:42:03

Liên quan đến vụ việc một cô gái nhún nhảy quay TikTok khi máy bay đang di chuyển, nhiều người tỏ ra lo ngại về an toàn, an ninh hàng không tại sân bay. Hành vi như vậy sẽ bị xử lý ra sao?

Những ngày gần đây, dư luận xôn xao trước đoạn clip ghi lại cảnh cô gái trẻ quay clip tạo dáng trên đường băng khi trước mặt là chiếc máy bay đang di chuyển. Thời điểm trên, nữ hành khách này di chuyển từ nhà ga ra máy bay bằng xe cobus (loại xe buýt trung chuyển hành khách tại khu bay). Khi cửa xe vừa mở, cô gái liền chạy ra ngoài để tạo dáng quay clip. Người này chỉ dừng lại khi sắp chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay.

Hành động của cô gái trẻ ngay sau đó đã bị chỉ trích dữ dội từ cộng đồng mạng bởi quá nguy hiểm, uy hiếp an toàn bay cũng như cho chính mình khi máy bay ở gần đang hoạt động.

Với lực hút của động cơ máy bay tạo ra, việc có người tiến gần sẽ rất nguy hiểm, chỉ cần một vật dụng nhỏ trên người bị hút vào động cơ cũng nguy cơ gây hư hỏng bộ phận này, và uy hiếp tính mạng của hành khách.

Theo xác minh của Cục Hàng không, sự việc xảy ra tại sân bay Phú Quốc cách đây khoảng một tháng và hiện Cảng Hàng không Phú Quốc đang tập hợp thêm thông tin báo cáo về sự việc nhằm xử lý theo quy định.

Theo quy định khai thác về an ninh an toàn hàng không khi lên/xuống máy bay, khách phải tuân theo chỉ dẫn và nhắc nhở của nhân viên an ninh, nhân viên phục vụ quan sát tại khu vực chân cầu thang. Sau khi xuống máy bay, khách đi theo đường chỉ dẫn để vào nhà ga, nếu xe buýt đón cần lên thẳng xe.

Di chuyển trong khu vực bay được quản lý nghiêm ngặt nhằm tránh các tai nạn. Tuy nhiên, một số cá nhân bất chấp nguy hiểm thực hiện hành vi ảnh hưởng an toàn bay.

Vậy di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đỗ trái phép bị xử lý thế nào?

gif .

Dù máy bay đang di chuyển, cô gái vẫn thả dáng để quay clip "sống ảo". Ảnh cắt từ clip.

1. Tự ý di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đỗ là hành vi bị nghiêm cấm

Mục 25, điều 3, chương II Quy định an toàn khu bay của Cục Hàng không quy định nghiêm cấm người, phương tiện không có nhiệm vụ tiếp cận tàu bay, trang thiết bị, phương tiện mặt đất và di chuyển trên đường cất, hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay.

Ngoài ra, theo Điều 25, Thông tư 29/2021/TT-BGTVT về Khoảng cách an toàn đối với tàu bay đang di chuyển quy định:

1. Người, phương tiện, trang thiết bị không được di chuyển cắt ngang đường lăn khi có tàu bay đang lăn, phải giữ khoảng cách an toàn tối thiểu là 125m phía sau và 200m phía trước một tàu bay đang lăn.

2. Khi tàu bay lăn hoặc kéo vào hoặc được đẩy lùi ra khỏi vị trí đỗ, tất cả nhân viên, phương tiện, trang thiết bị mặt đất phải di chuyển ra ngoài vạch giới hạn an toàn vị trí đỗ tàu bay, ngoại trừ nhân viên đánh tín hiệu và nhân viên, phương tiện, thiết bị tham gia phục vụ kéo, đẩy tàu bay vào hoặc ra khỏi vị trí đỗ tàu bay.

Tuy chưa chạm vạch đỏ giới hạn an toàn giữa các vị trí đỗ máy bay nhưng hành động của cô gái vẫn rất nguy hiểm vì lực hút của động cơ máy bay tạo ra rất lớn, chỉ cần một vật dụng nhỏ trên người bị hút vào động cơ cũng nguy cơ gây hư hỏng bộ phận này, và uy hiếp tính mạng của hành khách.

Điều 33, Thông tư 29/2021/TT-BGTVT về Hoạt động của người, phương tiện khi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn cũng quy định:

1. Người và phương tiện khi tham gia hoạt động trên đường cất hạ cánh, đường lăn phải được sự đồng ý và tuân thủ nghiêm hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu; đảm bảo liên lạc được thông suốt và liên tục trong quá trình hoạt động.

2. Khi nhận được yêu cầu di chuyển ra khỏi đường cất hạ cánh, đường lăn từ đài kiểm soát tại sân bay, người, phương tiện phải nhanh chóng di chuyển đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định so với tim đường cất hạ cánh, đường lăn.

Song, một số cá nhân vẫn bất chấp nguy hiểm thực hiện hành vi ảnh hưởng an toàn bay. Việc tạo dáng, nhảy múa để quay clip trên đường băng có thể bị xem xét xử lý. Và tuỳ thuộc tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các chế tài phù hợp.

2. Di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đỗ trái phép bị xử lý thế nào?

2.1. Xử phạt vi phạm hành chính

Căn cứ Điều 11 Nghị định 162/2018/NĐ-CP quy định xử phạt quy định về đi lại, điều khiển, vận hành phương tiện, thiết bị hoạt động trong cảng hàng không, sân bay như sau:

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đi lại trên sân đỗ tàu bay không đúng phần đường hoặc đi lại ở những nơi không được phép.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi di chuyển trên đường cất hạ cánh, đường lăn khi không được phép.

Đối với hành vi này, nếu là nhân viên hàng không sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép từ 03 tháng đến 05 tháng.

Như vậy, hành vi di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đỗ sẽ bị xử phạt tiền từ 1 triệu đến 10 triệu đồng.

2.2. Truy cứu trách nhiệm hình sự

Căn cứ Điều 278 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội cản trở giao thông đường không như sau:


* Khung 1:

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi di chuyển trái phép thuộc một trong các trường hợp sau:

- Dẫn đến hậu quả:

Làm chết người;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

- Đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều 278 Bộ luật Hình sự 2015;

- Đã bị kết án về tội cản trở giao thông đường không, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.


* Khung 2:

Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với người có hành vi di chuyển trái phép gây ra hậu quả:

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng;

- Là người có trách nhiệm trực tiếp bảo đảm an toàn giao thông đường không hoặc trực tiếp quản lý thiết bị an toàn giao thông đường không.


* Khung 3:

Phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người có hành vi di chuyển trái phép gây hậu quả:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.


* Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.


* Lưu ý: Cản trở giao thông đường không trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại khung 3 nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Như quy định nêu trên, người có hành vi di chuyển trên đường cất, hạ cánh, sân đổ trái phép nếu bị xem là cản trở giao thông đường không sẽ bị phạt từ 3 triệu đồng đến 15 năm tù. Ngoài ra còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề lên đến 05 năm.

Chia sẻ Facebook