Đi bộ 7.000 bước mỗi ngày giúp giảm 70% nguy cơ tử vong sớm, kéo dài thêm tuổi thọ
Đi bộ là một trong những cách đơn giản và rẻ tiền nhất để kéo dài tuổi thọ.
Một nghiên cứu do tiến sĩ Amanda Paluch của Đại học Massachusetts phụ trách được công bố trên tạp chí JAMA đã cho thấy mối liên hệ giữa tuổi thọ và việc đi bộ hằng ngày.
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã theo dõi hơn 2.000 người tuổi từ 38 - 50 trong thời gian trung bình gần 11 năm. 1.205 người trong số họ là phụ nữ và 888 người là người da đen. Trong thời gian theo dõi, 72 (3,4%) người tham gia nghiên cứu đã tử vong trong thời gian nghiên cứu.
Từ năm 2005 đến 2006, những người tham gia đã đeo một thiết bị đặc biệt để đếm số bước đi trung bình của họ. Những người này chỉ tháo thiết bị ra khi ngủ và họ được chia thành 3 nhóm tùy theo số bước đi bộ mỗi ngày như sau:
Thấp: Dưới 7.000 bước mỗi ngày
Trung bình: 7.000–9.999 bước mỗi ngày
Cao: 10.000 bước trở lên mỗi ngày
Kết quả phát hiện ra rằng những người đi bộ 7.000 bước mỗi ngày sẽ giảm 50-70% nguy cơ tử vong sớm trong vòng 10 năm tới so với người đi bộ ít hơn. Trong khi đó, nhóm những người đi trên 10.000 bước mỗi ngày không có sự suy giảm đáng kể trong tỷ lệ tử vong so với nhóm đi hơn 7.000 bước. Những người đi ít bước hơn có chỉ số BMI cao hơn, sức khỏe kém hơn và tỷ lệ mắc bệnh cao huyết áp cao hơn.
Đặc biệt, nghiên cứu còn cho thấy tỷ lệ tử vong ở những người da màu và da trắng tham gia cũng khác nhau, lần lượt giảm 63% với người da đen và 70% với người da trắng so với những người ít vận động.
Tiến sĩ Amanda Paluch cho biết kết quả nghiên cứu không phụ thuộc vào tốc độ đi bộ của con người. Tuy nhiên, cũng theo chuyên gia này, 7.000 bước một ngày có thể là mục tiêu quá cao đối với nhiều người. Trước kết quả của nhóm nguyên cứu, Tiến sĩ Guy Mintz, giám đốc sức khỏe tim mạch tại Bệnh viện tim Sandra Atlas Bass, nhận xét: "Đây là một nghiên cứu rất hay với thông điệp tuyệt vời 'Muốn sống thọ, chỉ cần đi bộ'.
2 lưu ý khi đi bộ ai cũng cần ghi nhớ để việc tập luyện hiệu quả hơn
1. Bổ sung nước kịp thời
Không bổ sung nước kịp thời sẽ khiến cơ thể luôn trong tình trạng thiếu nước cực độ, tăng áp lực và gánh nặng cho cơ thể, ảnh hưởng đến hiệu quả đi bộ. Khi đi bộ, bạn nên mang theo nước bên mình và uống một lượng nhỏ đều đặn để giữ đủ nước và tránh khó chịu do uống quá nhiều cùng một lúc.
2. Nên khởi động nhẹ nhàng trước khi đi bộ
Trước khi đi bộ, việc thực hiện một số động tác nhẹ nhàng để khởi động là điều rất cần thiết nhằm chắc chắn rằng cơ, khớp đã sẵn sàng cho việc chuyển động. Hãy dành ra 5 phút khởi động nhẹ nhàng và nên đi chậm khi mới bắt đầu để giảm các chấn thương có thể xảy ra. Ngoài ra, bạn cũng nên đi chậm lại và khi kết thúc chặng đường đi bộ trong thời gian khoảng 5 phút.
(Theo medicalnewstoday.com;dailymail.co.uk)