ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Ước tính lợi nhuận quý 1 khoảng 540 tỷ đồng

Chia sẻ Facebook
21/04/2022 06:50:28

Sáng ngày 20/04, CTCP Vĩnh Hoàn (HOSE: VHC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2022 cũng như phương án phân phối lợi nhuận và phương án phát hành cổ phiếu ESOP.

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ Vĩnh Hoàn: Ước tính lợi nhuận quý 1 khoảng 540 tỷ đồng


Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm - Tổng Giám đốc VHC chia sẻ: “Trong năm 2022, Vĩnh Hoàn tập trung vào 2 thương hiệu chính là BASAmaster cho các sản phẩm từ cá ở thị trường nội địa và Sa Giang cho các sản phẩm bánh phồng tôm và các sản phẩm từ gạo cho cả nội địa và xuất khẩu.

BASAmaster là một thương hiệu non trẻ đã có sự đón nhận khá thành công trong năm 2021, cần có sự đầu tư mạnh mẽ cho năm 2022 để gia tăng doanh thu và mang lại lợi nhuận cho Công ty. Ngược lại, Sa Giang là một thương hiệu lâu đời cần có sự tái tạo với giá trị mới phù hợp với thế hệ người tiêu dùng mới”.

Về lợi nhuận quý 1/2022, vị Tổng Giám đốc chia sẻ con số khoảng 540 tỷ đồng (cùng kỳ lợi nhuận sau thuế chỉ đạt gần 132 tỷ đồng).


Thảo luận:

Kế hoạch đầu tư năm 2022?


TGĐ Nguyễn Ngô Vi Tâm: Nhà máy thức ăn thủy sản gần như đã hoàn tất, trong 2-3 tuần nữa sẽ đi vào hoạt động. Trong năm 2022, chúng tôi sẽ tập trung vào nhà máy chế biến thức ăn và mở rộng vùng nuôi, kỳ vọng tăng lên 100ha trong năm nay. Ngoài ra, đối với nhà máy hiện hữu, cũng sẽ cải tạo lắp đặt để gia tăng công suất.

Chia sẻ thêm về Sa Giang?


TGĐ Nguyễn Ngô Vi Tâm: Khi VHC mua Sa Giang, đơn vị này cũng vừa hoàn tất nhà máy số 3 sản xuất các sản phẩm từ gạo tăng công suất gấp đôi. Sản phẩm từ gạo là 6,700 tấn/năm, bánh phồng tôm là 10,000 tấn/năm. Động lực tăng trưởng nữa là Sa Giang sẽ bán thêm các sản phẩm từ gạo như phở, bún khô.

Tiềm năng các thị trường?


TGĐ Nguyễn Ngô Vi Tâm: Thị trường Mỹ có vụ kiện chống bán phá giá cá tra ở Mỹ, đây là lợi thế cạnh tranh lớn của VHC .

Còn về thị trường châu Âu và Trung Quốc, châu Âu có 2 lợi thế chính. Lợi thế thứ nhất là thuế nhập khẩu 5.5% trước đây so với cá minh thái họ không có thuế. Chúng tôi đang trong lộ trình giảm dần xuống 0%. Cơ hội thứ 2 là do chiến tranh Nga-Ukraine nên nhu cầu tăng mạnh từ Châu Âu do cá minh thái bị hạn chế từ Nga, chúng tôi nhận được nhu cầu tăng cao từ khối Châu Âu.


Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh: Thị trường Trung Quốc mức độ tăng trưởng hằng năm không nóng như các năm trước do dịch COVID-19. Tôi nghĩ rằng nhu cầu của thị trường Trung Quốc đối với cá tra luôn luôn có, xu thế là Trung Quốc mua của mình về rồi sau đó mới chế biến, sản xuất.


Riêng thị trường châu Âu, xu thế hàng chế biến sau cùng và lâu dài sẽ chế biến tại đây. Điều kiện chế biến của VHC luôn chuẩn bị sẵn cơ sở hạ tầng để đón đầu cơ hội mới.

Thị trường châu Âu đang khôi phục và thị trường Trung Quốc cũng sẽ có sự duy trì dương nhưng không tăng nóng như các năm rồi.

Làm sao bảo vệ biên lãi gộp trong dài hạn?


TGĐ Nguyễn Ngô Vi Tâm: Khả năng sinh lợi ở 2 góc độ, làm sao tăng lợi nhuận từ mảng cốt lõi và mở rộng ngành sản xuất khác.


Chúng tôi phải làm sao để kiểm soát chi phí với tỷ lệ lớn nhất. Cá nguyên liệu khi VHC tự chủ 70%, điều cốt lõi là làm sao nuôi hiệu quả và kiểm soát tốt chi phí nuôi sẽ hỗ trợ cho biên lợi nhuận.


Qua nhiều năm, chúng tôi đã tích lũy được tay nghề, sòng phẳng với những hộ nuôi nhỏ lẻ nuôi bên ngoài. Cộng thêm yếu tố nữa là cải tiến khâu nuôi con giống. Ngoài ra, con đường mà VHC theo đuổi làm sao tối ưu được mặt phụ phẩm.


Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh: Bằng mọi giá chúng ta phải cắt chi phí sản xuất khi chi phí bao bì tăng, tiền lương tăng. Năm 2022-2023 chúng tôi sẽ tối ưu hóa chi phí sản xuất. Nếu tăng năng suất, giá thành collagen cũng sẽ thấp, chất lượng collagen cũng sẽ tăng lên.

Chia sẻ về phát triển sản phẩm ăn liền ở nhà máy Vĩnh Phước?


Chủ tịch Trương Thị Lệ Khanh: Nhà máy Vĩnh Phước đang sản xuất cá tra, đã đầu tư xong. Nhà máy này có phân xưởng để làm sushi cho thị trường Nhật, công ty đang làm dần để luyện tay nghề. Dự án này không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn nâng cấp trình độ. Vĩnh Hoàn dự kiến trong vòng 3 năm có thể đẩy 100% công suất cho xưởng này, mục tiêu hướng tới sản phẩm ăn liền không chỉ từ cá tra mà từ cá hồi. Ngoài ra, VHC cũng đang tiên phong nghiên cứu để đưa con cá tra lên bàn sushi.

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của VHC diễn ra sáng ngày 20/04/2022

Điều chỉnh tăng kế hoạch lợi nhuận 2022 lên 1,600 tỷ đồng

Trong năm 2022, "nữ hoàng cá tra" lên kế hoạch doanh thu thuần 13,000 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh nghiệp dự kiến đem về 1,600 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022 (tăng 45%) trong khi kế hoạch công bố trong tài liệu đầu tháng 4 là 1,500 tỷ đồng. Đây cũng là kế hoạch cao nhất kể từ khi đơn vị niêm yết (24/12/2007) đến nay.


Đại diện Công ty chia sẻ: “ Chúng tôi rất lạc quan và vui mừng khi thấy nhu cầu tăng trưởng tốt của thị trường do thiếu nguồn cung, đơn hàng về nhà máy khá tốt để phục vụ cho nhu cầu mở cửa trở lại. Bên cạnh đó, khách hàng ở thị trường Châu Âu và Mỹ tiêu thụ khá tốt. Do đó, chúng tôi đã điều chỉnh tăng trưởng lợi nhuận 2022 lên 1,600 tỷ đồng ”.

Tình hình kinh doanh của VHC qua các năm và kế hoạch kinh doanh năm 2022. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance


Theo VHC , năm 2022 được xác định là cột mốc hoàn tất các dự án đầu tư quan trọng đã được khởi động từ năm trước và một số dự án khác để tăng tốc cho chiến lược 5 năm 2021-2025 của Vĩnh Hoàn, với mục tiêu tăng gấp đôi định giá Công ty, đạt mức 1 tỷ USD vào năm 2025.

Công ty lên kế hoạch phát triển mạnh mẽ ngành nghề cốt lõi là nuôi và chế biến cá, vượt mốc 1,000 tấn nguyên liệu/ngày.


VHC cũng đặt mục tiêu giữ vững “thành trì” sản xuất trong năm 2022, nhanh chóng tăng công suất để đáp ứng đầy đủ các đơn hàng. Ngoài ra, khâu nuôi cá của Công ty cũng đạt được những thành tích đáng kể cả về lượng, chi phí nuôi và chất lượng nguyên liệu, sẽ tiếp tục phát huy và tăng sản lượng trong năm 2022, đảm bảo khả năng tự cung 70% trong tình hình thiếu hụt nguyên liệu ở thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp chuyên sản xuất và xuất khẩu cá tra này lên kế hoạch sẽ chi 1,530 tỷ đồng để đầu tư trong năm 2022.

Trong đó, xây dựng nhà máy thức ăn chăn nuôi bổ sung ngân sách 100 tỷ đồng, xây dựng xưởng chế biến bột cá, mỡ cá và cải tạo nhà máy tại Công ty Thanh Bình 350 tỷ đồng, đầu tư thêm 1 dây chuyền sản xuất Collagen, 1 line cho hoạt động R&D và cải tạo nhà máy tại Công ty Vĩnh Hoàn Collagen 150 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ đầu tư nhà máy chế biến trái cây Thành Ngọc 500 tỷ đồng, các khoản đầu tư cho mở rộng vùng nuôi 280 tỷ đồng và các khoản đầu tư cho cải tạo nhà máy Vĩnh Phước, Vĩnh Hoàn, Sa Giang 150 tỷ đồng.

Lên kế hoạch trả cổ tức tỷ lệ 40%

Đại hội đã thông qua kế hoạch trả cổ tức năm 2022 cho cổ đông theo tỷ lệ 40%. Trong đó, 20% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Năm 2021, Công ty đã thực hiện trả cổ tức bằng tiền tỷ lệ 20% (2,000 đồng/cp).


Ngoài ra, VHC cũng dự kiến phát hành cổ phiếu ESOP với giá 10,000 đồng/cp. Số lượng phát hành không quá 2% vốn điều lệ của Công ty tại thời điểm phát hành. Tổng giá trị cổ phần tối đa theo giá phát hành gần 37 tỷ đồng.

Số cổ phần mà CBCNV được sở hữu từ chương trình ESOP sẽ được chuyển nhượng 100% trong vòng 5 năm tức là mỗi năm đủ 12 tháng kể từ thời điểm sở hữu cổ phần sẽ được chuyển nhượng 20%.

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Tiên Tiên

Chia sẻ Facebook