ĐHĐCĐ Vietjet: Kế hoạch lãi 1,000 tỷ đồng, phát hành riêng lẻ trái phiếu quốc tế, cổ phần ưu đãi cổ tức
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) đặt kế hoạch lãi sau thuế 1,000 tỷ đồng và lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu quốc tế, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông.
ĐHĐCĐ Vietjet: Kế hoạch lãi 1,000 tỷ đồng, phát hành riêng lẻ trái phiếu quốc tế, cổ phần ưu đãi cổ tức
Trong tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023, CTCP Hàng không Vietjet ( HOSE : VJC ) đặt kế hoạch lãi sau thuế 1,000 tỷ đồng và lên kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu quốc tế, cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông.
Năm 2022 đánh dấu sự hồi phục mạnh mẽ của ngành hàng không thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng sau đại dịch Covid-19. Nền kinh tế xã hội trở lại ổn định và xu hướng “du lịch bù” là động lực cho các hãng hàng không. Trong bối cảnh đó, Vietjet tập trung mở rộng, phát triển mạng bay quốc tế, gần đây nhất là đường bay mới tới Ấn Độ, Kazakhstan và sắp tới là đường bay tới Úc.
Trong năm 2022, vận tải hành khách nội địa tăng trưởng 20% so với 2019. Số lượt khách nội địa trong quý 4/2022 tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2021, cao hơn giai đoạn trước dịch Covid-19.
Bên cạnh các thuận lợi, môi trường kinh doanh năm 2022 gặp không ít khó khăn khi Trung Quốc - thị trường du lịch lớn của hàng không Việt Nam - vẫn tiếp tục chính sách Zero COVID, đồng thời chi phí nhiên liệu tăng mạnh do ảnh hưởng từ giá dầu thế giới và cuộc xung đột Nga – Ukraine đã tác động mạnh lên thị trưởng hàng không.
Năm 2022, Vietjet ghi nhận doanh thu thuần hơn 40 ngàn tỷ đồng, gấp nhiều lần cùng kỳ, nhưng lỗ ròng 2.2 ngàn tỷ đồng. Trong năm, hãng hàng không này đầu tư tài sản mua mới 1 tàu bay A321 NEO từ Airbus và 2 tàu bay A321 từ các đối tác cho thuê tàu bay (Lessor) và 3 động cơ.
Kế hoạch lãi sau thuế 1 ngàn tỷ đồng
Trong năm 2023, Vietjet tiếp tục đặt mục tiêu tăng trưởng cao về doanh thu trên 25% nhờ khách du lịch quốc tế, khi Trung Quốc mở cửa thị trường Trung Quốc từ ngày 15/03/2023 và Vietjet khai thác các đường bay đến Úc từ tháng 04/2023. Ngoài ra, chi phí nhiên liệu bay đang giảm 30% so với năm 2022 sẽ củng cố khả năng tạo lợi nhuận của Vietjet trong năm 2023. Vietjet kỳ vọng lợi nhuận sau thuế đạt 1,000 tỷ đồng trong năm nay.
Theo kế hoạch năm 2023, Công ty dự kiến khai thác đến cuối năm đạt tổng 87 tàu bay, bao gồm đội tàu thân rộng Airbus A330 (từ 7 đến 9 tàu) với gần 26 triệu hành khách trên tổng số 139 ngàn chuyến bay quốc nội và quốc tế.
Vietjet hướng đến trở thành một hãng hàng không đa quốc gia với thị phần lớn nhất tại Việt Nam, phát triển thành hãng hàng không tiêu dùng trên nền tảng công nghệ kinh doanh số tiên tiến, phát triển vận chuyển hàng hoá, hệ thống logistic.
Phát hành riêng lẻ 300 triệu USD trái phiếu quốc tế
Một nội dung cũng đáng chú ý là Vietjet sẽ phát hành riêng lẻ 300 triệu USD trái phiếu quốc tế. Trên thực tế, phương án này đã được thông qua tại đại hội năm 2022 nhưng bị tạm hoãn triển khai.
Tổng giá trị phát hành dự kiến là 300 triệu USD , tương đương 7,089 tỷ đồng. Kỳ hạn của trái phiếu dự kiến 3-5 năm. Trái phiếu này có thể bao gồm quyền chọn về việc thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu VJC .
Người mua trái phiếu có thể yêu cầu mua lại vào cuối năm thứ 2 hoặc 3 kể từ ngày phát hành ở mức giá xác định. Đồng thời, tổ chức phát hành có quyền mua lại trái phiếu từ cuối năm 2 hoặc 3 nếu giá cổ phiếu cao hơn mức đã xác định từ trước.
Với 300 triệu USD này, Vietjet sẽ dùng để đầu tư, thuê mua máy bay, đầu tư và thuê mua động cơ và bổ sung vốn lưu động cho hoạt động kinh doanh.
Dự định chào bán cổ phần ưu đãi cổ tức và cổ phần phổ thông
Bên cạnh đó, hãng hàng không này còn có ý định chào bán riêng lẻ cổ phần ưu đãi cổ tức. Số lượng phát hành sẽ không quá 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Mức ưu đãi cổ tức sẽ do HĐQT quyết định, nhưng sẽ không quá 5%/năm và thời hạn hưởng ưu đãi cổ tức sẽ không quá 5 năm. Lưu ý cổ đông sở hữu cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ không có quyền nhận cổ tức của cổ đông phổ thông (nếu có).
Giá chào bán cổ phần ưu đãi không thấp hơn giá giao dịch trung bình 20 ngày trước thời điểm phát hành.
Ngoài ra, cổ phần ưu đãi cổ tức này còn có quyền chuyển đổi thành cổ phần thường sau 2 năm kể từ ngày phát hành. Tổ chức phát hành có quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ cổ phần ưu đãi sau 12 tháng kể từ ngày phát hành. Lượng cổ phiếu ưu đãi này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm.
Ngoài ra, Vietjet cũng sẽ chào bán riêng lẻ cổ phần phổ thông, với số lượng phát hành không quá 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Giá bán của lượng cổ phần này sẽ không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu VJC .
Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm với nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Cả hai phương án trên dự kiến được triển khai trước khi ĐHĐCĐ thường niên 2024 diễn ra.
Tiếp tục cập nhật...
Trực tuyến
Vũ Hạo