ĐHĐCĐ VietinBank: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 1 hơn 197%
Sáng ngày 29/04/2022, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 nhằm báo cáo kết quả kinh doanh năm 2021 và đề ra kế hoạch kinh doanh cùng với kế hoạch tăng vốn trong năm 2022.
BÀI CẬP NHẬT
ĐHĐCĐ VietinBank: Tỷ lệ bao phủ nợ xấu cuối quý 1 hơn 197%
Dự kiến lợi nhuận trước thuế riêng lẻ tăng 15% trong năm 2022
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất qua các năm của CTG . Đvt: Tỷ đồng
Nguồn: VietstockFinance
Năm 2022, VietinBank đặt kế hoạch tăng 15% lợi nhuận trước thuế riêng lẻ, lên hơn 19,389 tỷ đồng, và được điều chỉnh theo phê duyệt của cơ quan Nhà nước.
Cổ tức năm 2022 dự kiến sẽ được chi trả bằng hình thức tiền mặt và cổ phiếu.
VietinBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2022 quy mô tổng tài sản tăng từ 5-10% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng sẽ theo chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước. Nguồn huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng từ 8-10% và sẽ có điều chỉnh phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ kiểm soát dưới 1.8%.
Lợi nhuận trước thuế giảm 28% trong quý 1/2022
Kết thúc quý 1/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của CTG giảm đến 28% so với cùng kỳ năm trước, còn hơn 5,822 tỷ đồng. Nguyên nhân chính là do thu nhập lãi thuần của Ngân hàng giảm 5%, còn gần 10,146 tỷ đồng, cộng thêm trích lập dự phòng rủi ro tín dụng gấp 3.3 lần cùng kỳ, lên gần 4,427 tỷ đồng.
Quy mô tổng tài sản của CTG tính đến cuối quý 1/2022 đạt gần 1.7 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm 2022. Trong đó, cho vay khách hàng đạt hơn 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm và tiền gửi của khách hàng đạt hơn 1.2 triệu tỷ đồng, tăng 4% so với đầu năm.
Tổng nợ xấu tính đến ngày 31/03/2022 tăng 7% so với đầu năm, lên mức 15,322 tỷ đồng. Trong đó, có sự dịch chuyển từ nợ nghi ngờ sang nợ có khả năng mất vốn khiến nợ có khả năng mất vốn tăng đến 36%, lên hơn 7,095 tỷ đồng. Với dư nợ cho vay tăng cao hơn nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm nhẹ từ mức 1.3% đầu năm về mức 1.2%.
Dự kiến phát hành tối đa hơn 569.4 triệu cp trả cổ tức năm 2020
Năm 2022, CTG lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thông qua phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2020.
Cụ thể, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 11.85% số cổ phần lưu hành dự kiến, tương đương phát hành tối đa hơn 569.4 triệu cp, tổng giá trị mệnh giá hơn 5,694 tỷ đồng.
Dự kiến sau khi hoàn tất đợt phát hành này, vốn điều lệ của CTG sẽ tăng từ 48,058 tỷ đồng lên gần 53,752 tỷ đồng.
Vốn điều lệ tăng thêm dự kiến sẽ được dùng toàn bộ để phục vụ kinh doanh cho một số lĩnh vực như: Đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ, phát triển dịch vụ, mở rộng hoạt động tín dụng, đầu tư khác…
Muốn dùng hơn 9,600 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2021, VietinBank dự kiến sẽ dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại sau khi trích lập các quỹ năm 2021 là hơn 9,624 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu. Vốn điều lệ của VietinBank đã được tăng từ 37,234 tỷ đồng lên 48,057 tỷ đồng trong năm 2021 nhờ chia cổ tức bằng cổ phiếu. Nếu thực hiện chia cổ tức xong, vốn điều lệ Ngân hàng sẽ có thể tăng thêm khoảng 20%.
Ngòa ra, Ngân hàng báo cáo tiến độ sử dụng hơn 6,513 tỷ đồng thu được từ chào bán trái phiếu ra công chúng. Theo đó, VietinBank đã sử dụng toàn bộ để cho vay đối với các ngành gồm ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt; ngành công nghiệp chế biến chế tạo và ngành khai khoáng, đảm bảo hiệu quả và an toàn hoạt động trong kinh doanh.
VietinBank cũng trình ĐHĐCĐ thông qua việc niêm yết các trái phiếu phát hành ra công chúng năm 2022 của Ngân hàng trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội ( HNX ) sau khi kết thúc các đợt chào bán.
Thảo luận :
Cuối quý 1/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 197%
Kế hoạch thoái vốn tại các đơn vị thành viên?
Ngân hàng nghiên cứu thoái vốn hoặc trình giữ vốn tại các công ty thành viên nhằm gia tăng thêm hệ sinh thái của VietinBank.
Kế hoạch chuyển đổi số của Ngân hàng?
Là kế hoạch trung hạn của Ngân hàng, khởi động chiến lược từ cuối năm 2021. Chuẩn bị đấu thầu quốc tế tư vấn chuyển đổi số, mục tiêu thuê được tư vấn chuyển đổi số vào tháng 6-7/2022, dự kiến chuyển đổi số kéo dài 4.5 năm.
Kế hoạch trích lập dự phòng, bao phủ nợ xấu trong năm 2022?
Quý 1/2022 có tỷ lệ nợ xấu là 1.25%, Ngân hàng tiếp tục triển khai xếp hàng tín dụng nội bộ, quản lý danh mục, hướng đến khách hàng bán lẻ để giảm thiểu rủi ro.
Trích lập hơn 4,400 tỷ đồng dự phòng rủi ro vào cuối quý 1/2022, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hơn 197%.
Kế hoạch trích lập dự phòng năm 2022?
Năm nay dự kiến trích lập hơn 15,000 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng, mục tiêu đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn.
Chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế
Ngân hàng có kế hoạch phát hành trái phiếu trong và ngoài nước trong năm 2022?
Ngân hàng có kế hoạch phát hành giấy tờ có giá bao gồm trái phiếu chứng chỉ tiền gửi trong năm 2022. Trong đó, trái phiếu thứ cấp (tính vào vốn cấp 2) có tổng mệnh giá là 15,000 tỷ đồng, đồng tiền Việt Nam, lãi suất phù hợp mặt bằng lãi suất theo từng thời kỳ phát hành. Chứng chỉ tiền gửi và trái phiếu thường có tổng mệnh giá tối đa 50,000 tỷ đồng, đồng tiền Việt Nam.
Ngân hàng chưa có kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế.
Kế hoạch cổ tức 2021, 2022 như thế nào?
Ưu tiên dành nguồn lực để tăng vốn, xin ý kiến của Bộ tài chính và NHNN về tỷ lệ chia.
Vì sao thu nhập lãi thuần quý 1/2022 giảm?
NIM năm 2021 là 3%, NIM quý 1 là 2.6%. Nguyên nhân chủ yếu do hỗ trợ khách hàng vượt qua dịch Covid-19.
Kế hoạch lợi nhuận năm 2022 đã tính doanh thu từ hợp tác Manulife chưa?
Năm nay sẽ ghi nhận doanh thu phí trả trước (upfront fee) của Manulife , phân bổ trong 5 năm (từ năm 2022), dự kiến đẩy doanh số bảo hiểm trên 1,000 tỷ đồng trong năm 2022, đóng góp vào hoạt động cốt lõi của Ngân hàng.
Kết thúc Đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua. Đồng thời, Đại hội cũng thông qua việc bầu bổ sung ông Nguyễn Đức Thành - Phó Tổng Giám đốc CTG vào HĐQT nhiệm kỳ 2019-2024.
Khang Di