ĐHĐCĐ VBB: Sẽ niêm yết lên HOSE vào thời điểm thuận lợi

Chia sẻ Facebook
26/04/2023 20:05:25

Sáng ngày 26/04/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và lộ trình niêm yết cổ phiếu.

BÀI CẬP NHẬT

ĐHĐCĐ VBB: Sẽ niêm yết lên HOSE vào thời điểm thuận lợi

Sáng ngày 26/04/2022, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank, UPCoM: VBB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phân phối lợi nhuận và lộ trình niêm yết cổ phiếu.

ĐHĐCĐ thường niêm năm 2023 được tổ chức sáng ngày 26/04/2023 thông qua hình thức trực tuyến.


Thảo luận :

Không có kế hoạch mở rộng mạng lưới trong năm 2023

Kết quả 2022 không đạt kỳ vọng, kế hoạch 2023 như thế nào, định hướng để hoàn thành kế hoạch?


Ông Nguyễn Hữu Trung – Phó Chủ tịch HĐQT VietBank : Năm 2022 có các sự kiện ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành ngân hàng, đó là dịch COVID bùng phát mạnh, ngân hàng có yêu cầu điều chỉnh lại hoạt động, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp theo yêu cầu của NHNN, chúng tôi đã nghiêm túc thực thi. Ngoài ra, biến cố lớn xảy ra trong tháng cuối năm 2022 trên thị trường tài chính, ảnh hưởng đến chiến lược đầu tư chứng khoán của ngân hàng, khiến kết quả 2022 của Ngân hàng không đạt kỳ vọng.

Tổng tài sản đạt 125 ngàn tỷ đồng, LNTT đạt 960 tỷ đồng, tổng chi phí hoạt động kiểm soát ở mức 1,525 tỷ đồng. Chúng tôi đưa ra chiến lược rõ ràng để đạt kế hoạch đề ra là bảo toàn danh mục khách hàng hiện hữu, gia tăng lợi ích, khai thác tối đa hiệu quả của khách hàng mang lại, dịch chuyển mô hình kinh doanh theo định hướng bán lẻ, giảm thiểu sử dụng vốn trong các ngành có rủi ro đa dạng, gia tăng nguồn thu phi tín dụng, giảm thiểu tài sản có rủi ro, kết nối và mở rộng với các đối tác có hệ sinh thái.

Với tình hình bất động sản như hiện nay thì chính sách tín dụng của Vietbank đối với lĩnh vực bất động sản như thế nào?

Bà Ngô Trần Đoan Trinh – Phó Tổng Giám đốc phụ trách khối tín dụng: Đây là lĩnh vực rủi ro trong bối cảnh hiện nay, định hướng tín dụng 2023 của Vietbank là đặt mục tiêu kiểm soát chặt chẽ đối với cho vay bất động sản, giảm dần dư nợ cho vay bất động sản. Đối với dự án mới, chúng tôi chỉ xem xét cho vay đối với các dự án có đầy đủ pháp lý và dự án có hiệu quả. Ngoài ra trong định hướng tín dụng 2023, chúng tôi cũng tập trung cho vay vào sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhỏ lẻ, lĩnh vực ưu tiên theo định hướng của Chính phủ.

Khả năng thanh khoản của Vietbank như thế nào để đảm bảo thanh khoản cho ngân hàng?

Ông Đỗ Khoa Hiệp, Phụ trách khối tài chính: Trong công tác quản trị điều hành Ngân hàng luôn tuân thủ các quy định của NHNN về các chỉ số an toàn thanh khoản. Về kế hoạch kinh doanh thì thông thường hàng năm Ngân hàng luôn điều hành có đủ nguồn vốn để đáp ứng hoạt động kinh doanh bình thường, bên cạnh đó luôn có kế hoạch dự phòng thanh khoản để đảm bảo cho những tình huống về căng thẳng thanh khoản, đặc biệt trong môi trường hiện nay trên thế giới và Việt Nam có những khó khăn về tình hình vĩ mô tài chính, công tác đảm bảo an toàn thanh khoản càng được chú trọng và là trọng tâm trong quản trị của Ngân hàng.

Với kết quả kinh doanh quý 1/2023 đạt hơn 197 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, Ngân hàng đánh giá khả năng hoàn thành kế hoạch 2023 đạt 960 tỷ đồng?

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc phụ trách các khối kinh doanh: Trong 2023, nền kinh tế Việt Nam và tài chính gặp nhiều khó khăn và thách thức, tuy nhiên chúng tôi đạt hơn 197 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất, tăng 74.34% so với cùng kỳ, nhờ Ngân hàng tập trung thu hồi khoản nợ xấu, tái cơ cấu COVID, tái cấu trúc danh mục khách hàng hiện hữu, tập trung bán chéo sản phẩm, thu phí.

Với mục tiêu 960 tỷ đồng lợi nhuận, chúng tôi hoàn toàn tự tin đạt được kế hoạch thông qua cấu trúc lại khách hàng có margin cao, tập trung vào khách hàng nhỏ lẻ và bán lẻ, gia tăng khách hàng cá nhân có thu nhập cao, tập trung nhóm khách hàng SME, tăng trưởng tỷ lệ cho vay nợ theo định hướng của NHNN là 7.6% đến ngày 30/06/2023, và cuối năm là tăng 12%.

Kế hoạch mở rộng mạng lưới 2023 của Vietbank như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Sỹ, Phó Tổng Giám đốc: Năm 2023, Ngân hàng không có kế hoạch mở mới, thay vào đó Ngân hàng tập trung rà soát, quy hoạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tiến hệ thống kênh phân phối, tối ưu hóa hiệu quả của các trung tâm kinh doanh hiện hữu.

Ngoài ra, Ngân hàng cũng sẽ di dời 6 trung tâm kinh doanh và tái ký hợp đồng với 37 địa điểm.

Lãi trước thuế 2023 dự kiến tăng 46%

VietBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 tăng trưởng 12% tổng tài sản so với đầu năm, lên 125,000 tỷ đồng. Huy động từ khách hàng (gồm giấy tờ có giá) tăng 17% lên 95,000 tỷ đồng.

Tổng dư nợ vay tăng trưởng 12% lên 75,600 tỷ đồng và sẽ được điều chỉnh theo kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2.5%.

Nguồn: VietstockFinance

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2023 được VietBank đề ra là 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.

Năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của VietBank gần 523 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau thuế và trích các quỹ bắt buộc hơn 444 tỷ đồng. Ngân hàng sẽ không chia cổ tức và giữ lại 426 tỷ đồng để phục vụ hoạt động kinh doanh.

Sẽ thực hiện niêm yết trên HOSE vào thời điểm thuận lợi

ĐHĐCĐ 2022 của VietBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 1,003 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và đã được NHNN chấp thuận.

VietBank tiếp tục quá trình chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

Tuy nhiên, tình hình thị trường tài chính trong nước giai đoạn cuối năm 2022 và kéo dài qua các tháng đầu năm 2023 có nhiều biến động lớn, lãi suất có xu hướng tăng cao và thanh khoản toàn thị trường có những thời điểm căng thẳng nhất định. Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nhà đầu tư và cổ đông.

Bên cạnh đó, theo tính toán, kế hoạch vốn mục tiêu tối thiểu giai đoạn 2023-2026 đáp ứng ICAAP. HĐQT đã xây dựng phương án tăng vốn cấp 2 trong các năm để đảm bảo vừa có thể phát triển kinh doanh và vừa đảm bảo các tiêu chuẩn vốn theo quy định. Vì vậy, việc chưa triển khai tăng vốn điều lệ trong năm 2022 không ảnh hưởng nhiều đến phát triển kinh doanh.

Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ 2023 và được thông qua việc tiếp tục triển khai thực hiện tăng vốn điều lệ theo phương án đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua.

Trước đó, ĐHĐCĐ 2022 đã thông qua phương án phát hành 100.3 triệu cp cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cp sẽ được mua thêm 21 cp mới). Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 4,777 tỷ đồng lên 5,780 tỷ đồng.

Nguồn: VietstockFinance

Đại hội cũng thông qua việc tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của VietBank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.

Khang Di

Chia sẻ Facebook