ĐHĐCĐ Sacombank: Năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu

Chia sẻ Facebook
25/04/2023 10:45:54

Sáng ngày 25/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận.

Trực tuyến

ĐHĐCĐ Sacombank: Năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu

Sáng ngày 25/04, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank, HOSE: STB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh và phân phối lợi nhuận.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của Sacombank được tổ chức sáng ngày 25/04.


Thảo luận :

Năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu

Lợi nhuận tăng cao, giá trị cổ phiếu tăng, nhưng tại sao không chia cổ tức năm nay?


Ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT : Lúc tôi vào nhận TV HĐQT, thị trường chứng khoán tốt, nhưng giá cổ phiếu STB thấp. Trong khi hiện tại thị trường chứng khoán không tốt, nhưng giá cổ phiếu STB tăng cao.

Hiện tại, do STB đang tái cơ cấu, hiện nay, đã cơ bản xử lý nợ xấu, còn khoản duy nhất của ông Trầm Bê. STB đã trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bán đấu giá, khi bán xong khoản này mới khôi phục lại vốn.

Chúng tôi phấn đấu trong năm nay giải quyết xong việc này, và sau đó mới chia cổ tức.

Tôi là cổ đông lớn nhất của Sacombank, tôi cũng muốn được chia cổ tức, tâm trạng của tôi cũng như các cổ đông khác.

Xác định năm 2023 là năm cuối cùng trong quá trình tái cơ cấu, sang năm cổ đông không phải nghe chất vấn về việc chia cổ tức nữa. Sacombank đã trình phương án chia cổ tức để tăng vốn điều lệ và đang chờ phê duyệt của NHNN.

Thu hồi xử lý 15,886 tỷ đồng nợ xấu trong năm 2022

Trong năm 2022, Sacombank trích đến 8,838 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 2.5 lần năm trước, nhưng Ngân hàng vẫn lãi trước thuế 6,339 tỷ đồng, tăng 44%.

So với kế hoạch 5,280 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm, Sacombank đã vượt 20% mục tiêu.

Tính đến cuối năm 2022, quy mô tổng tài sản của Sacombank mở rộng 14% so với đầu năm, lên mức 591,908 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 13% (438,627 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng 6% (454,740 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay giảm mạnh từ 1.47% xuống còn 0.98%.

Năm 2022, Sacombank thu hồi xử lý 15,886 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng, trong đó 12,010 tỷ đồng là các khoản thuộc Đề án, kéo giảm tỷ trọng trong tổng tài sản xuống còn 4.3%.

Đặc biệt, Sacombank đã hoàn tất xử lý toàn bộ 21,576 tỷ đồng lãi dự thu được khoanh thuộc Đề án và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định.

Tổng số dư dự phòng rủi ro đạt 22,742 tỷ đồng, tăng 41% so với đầu năm. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) đạt 131%, tăng 12.4%.

ĐHĐCĐ thường niên 2023 của STB

Mục tiêu lãi trước thuế 2023 đạt 9,500 tỷ đồng, tăng 50%

Sacombank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023, tổng tài sản tăng trưởng 11% so với đầu năm, lên mức 657,800 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn huy động đạt 574,600 tỷ đồng, tăng 11%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 491,600 tỷ đồng, tăng 12%. HĐQT sẽ điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng huy động và cho vay phù hợp với hạn mức tăng trưởng tín dụng phân bổ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.

Lợi nhuận trước thuế được Sacombank đề ra cho năm 2023 là 9,500 tỷ đồng, tăng 50% so với kết quả năm 2022.

Nguồn: VietstockFinance. Đvt: Tỷ đồng

Tiếp tục không chia cổ tức, giữ lại 12,672 tỷ đồng lợi nhuận lũy kế

Lợi nhuận trước thuế 2022 trên BCTC hợp nhất của Sacombank là 6,339 tỷ đồng. Lợi nhuận sử dụng để phân phối gần 4,705 tỷ đồng.

Lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại 3,741 tỷ đồng. Cộng với 8,930 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank còn 12,672 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại lũy kế.

Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2023, Sacombank dự kiến trích 5% lợi nhuận sau thuế cho quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ, 10% sau trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ cho quỹ dự phòng tài chính, 7% cho quỹ khen thưởng và 7% cho quỹ phúc lợi.

Tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài là 30%

Trong những tháng đầu năm 2023, thông tin liên quan tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được nhà đầu tư quan tâm nhiều.

HĐQT cho biết kể từ ngày 14/03/2014 đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB đã được ĐHĐCĐ Sacombank thống nhất là 30%. Tuy nhiên, sau khi Sacombank phát hành 400 triệu cp STB để sáp nhập Ngân hàng TMCP Phương Nam vào Sacombank, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) đã điều chỉnh đưa tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB về mức 23.63468% đến ngày 31/05/2021 VSD lại điều chỉnh đưa tỷ lệ này về mức 30%.

Vào ngày 10/03/2023 vừa qua, VSD đã gửi cho Sacombank Công văn số 1917/VSD – ĐK.NV, theo đó VSD ghi nhận thiếu sót đối với việc điều chỉnh như trên.

Sacombank là công ty đại chúng, kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, cổ phiếu STB luôn là cổ  phiếu có tính thanh khoản cao, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, vì vậy chủ trương của Sacombank muốn cơ cấu cổ đông đa dạng để tạo động lực phát triển, vì vậy Ngân hàng ghi nhận tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu STB ở thời điệm hiện tại vẫn ở mức 30% vốn điều lệ.


...Tiếp tục cập nhật

Cát Lam

Chia sẻ Facebook