ĐHĐCĐ Minh Phú: Vì sao giảm thị phần ở thị trường Mỹ?
Sáng ngày 24/06, CTCP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (UPCoM: MPC) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 nhằm thông qua các nội dung quan trọng như kế hoạch kinh doanh và thay đổi vốn điều lệ.
BÀI CẬP NHẬT
ĐHĐCĐ Minh Phú: Vì sao giảm thị phần ở thị trường Mỹ?
Mục tiêu lợi nhuận sau thuế tăng 93%
Trong năm 2022, HĐQT MPC tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, Minh Phú với tầm nhìn phát triển chuỗi giá trị tôm hướng đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trên nền tảng số.
Để đạt được kế hoạch đó, Công ty xác định mục tiêu hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín từ khâu lai tạo con giống cho đến khâu xuất khẩu, phân phối tại các thị trường.
Cụ thể, MPC sẽ triển khai các dự án lớn nhằm xây dựng các vùng nuôi tập trung như tôm rừng, tôm quảng canh, tôm siêu thâm canh công nghệ cao và tôm lúa theo phương thức liên kết hợp tác với đầy đủ cơ sở hạ tầng cấp, thoát nước, dịch vụ kỹ thuật. Trong đó có khu phức hợp chế biến tôm cùng công nghiệp phụ trợ nằm ở gần vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng tôm nguyên liệu và giảm chi phí muối ướp, vận chuyển cũng như giảm hao hụt sau thu hoạch. Mô hình sản xuất đặc thù và chuyên môn hoá cao, bao gồm tất cả các thành phần của chuỗi như nghiên cứu - phát triển con giống, nuôi trồng, chế biến, xử lý phụ phẩm và thương mại. Đặc biệt, từng mắt xích sẽ được đồng bộ về công suất để đảm bảo cân bằng cung cầu.
Song song đó, Minh Phú cũng đã và đang phối hợp với Vụ Khoa học và Công nghệ của bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cùng các Viện nghiên cứu thủy sản để tập trung gia hóa tôm sú giống kháng bệnh và thích nghi, năng suất cao, giúp tăng thị phần tôm sú từ 20% hiện nay lên đến 50% và cao hơn nữa. Mục tiệu này nhằm làm chủ được nguồn nguyên liệu sạch, đẩy mạnh năng suất chế biến và giảm giá vốn hàng bán.
Với định hướng trên, trong năm 2022, Minh Phú đặt kế hoạch đạt 21,018 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận sau thuế gần 1,267 tỷ đồng. Theo đó, ước tính doanh thu và lợi nhuận năm 2022 sẽ tăng lần lượt 54% và 93% so với thực hiện năm 2021.
Được biết, trước đó Công ty đặt kế hoạch lợi nhuận gần 1,287 tỷ đồng. Như vậy, so với kế hoạch đặt ra ban đầu, Công ty đã hạ kế hoạch lợi nhuận 20 tỷ đồng để trình cổ đông.
Năm 2022 chia cổ tức từ 50-70%
Về phương án chia cổ tức năm 2021, MPC trình cổ đông kế hoạch cổ tức 23% trên mệnh giá, tương đương 2,300 đồng/cp và dự kiến thực hiện chi trả trong năm 2022. Như vậy, so với kế hoạch cổ tức ban đầu dự định chia từ 50 đến 70%, mức cổ tức Công ty trình cổ đông thấp hơn rất nhiều. Bước sang năm 2022, mức cổ tức được dự kiến từ 50 đến 70%.
Ngoài ra, Minh Phú cũng trình cổ đông kế hoạch giảm vốn điều lệ khi thực hiện mua lại 56,350 cp quỹ từ người lao động. Sau khi mua lại, vốn điều lệ của MPC sẽ giảm từ 2,000 tỷ đồng về còn 1,999.4 tỷ đồng, đồng thời số lượng cổ phiếu quỹ sẽ bằng 0.
Một nội dung đáng chú ý đó là, Công ty thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cp sẽ nhận thêm 1 cp mới.
Theo đó, MPC dự kiến phát hành gần 200 triệu cp thưởng. Như vậy, sau khi mua lại cổ phiếu quỹ từ người lao động, nếu phát hành cổ phiếu thưởng thành công, vốn điều lệ của MPC sẽ tăng từ 1,999.4 tỷ đồng lên 3,998.9 tỷ đồng. Thời gian triển khai dự kiến trong năm 2022 sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.
Miễn nhiệm thành viên HĐQT
MPC cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT đối với ông Nagoya Yutaka và ông Tsukahara Keiichi.
Đồng thời đề cử bổ sung hai thành viên thay thế là ông Sasaki Takahiro và ông Hamaya Harutoshi, đại diện cho nhóm cổ đông MPM Investments Pte. Ltd sở hữu 70.2 triệu cp MPC , chiếm 35.1% vốn điều lệ.
Thảo luận :
Cho biết tình hình hoạt động của Công ty trong năm 2022, khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận?
5 tháng đầu năm nay thì tình hình tương đối thuận lợi. Tuy nhiên 6 tháng cuối năm thì tình hình khó khăn do thời tiết mưa nhiều và mưa sớm, chính vì vậy làm cho người nông dân cũng phải thu hoạch tôm sớm, hạn chế thả giống, phát sinh nhiều dịch bệnh nên nuôi tôm thành công kém hơn. Ngoài ra, tình hình lạm phát cao sẽ khiến thị trường 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn.
Nhưng Minh Phú trong năm 2022 có nhiều thuận lợi: Vùng nuôi Minh Phú Lộc An sau khi có sự chấn chỉnh lại hệ thống, cơ sở hạ tầng, cải tiến bộ máy thì năm 2022, nuôi tôm của Minh Phú Lộc An đạt kết quả tương đối tốt. Còn nuôi tôm của Minh Phú Kiên Giang, thì đã đầu tư hệ thống đường nước biển hơn 2 năm rồi nhưng do các thủ tục vẫn chưa xong được, chúng tôi đang đặt ra mục tiêu phải trong tháng 9 thì xong nhưng vẫn còn khó khăn về thủ tục, không phải khó khăn của Minh Phú. Nếu vùng nuôi có đường dẫn nước biển trước tháng 6/2022 thì năm nay Minh Phú Kiên Giang sẽ có lợi nhuận rất tốt. Nếu đường nước biển trong tháng 9 hoàn thành thì cũng có thể đạt được kế hoạch đã đề ra trong năm 2022.
Về sản xuất con giống, MPC đã nâng cấp sửa chữa trại giống từ năm 2006, dự kiến đầu tháng 7 này một phần đưa vào hoạt động, hy vọng rằng năm nay con giống sẽ tốt, cung cấp được cho các vùng nuôi của Minh Phú.
Công ty cũng thay đổi chiến lược kinh doanh, có thể kế hoạch sản lượng và giá trị có thể thấp hơn kế hoạch nhưng kế hoạch lợi nhuận 2022 chắc chắn sẽ đạt.
5 tháng đầu năm 2022, Minh Phú xuất khẩu 20,342 tấn, tăng 8.64% so với cùng kỳ 2021. Còn về giá trị 266 triệu đô la Mỹ, tăng 25.27% so với cùng kỳ. Với kết quả này thì sản lượng không đạt và thị trường Mỹ năm nay có nhiều khó khăn, nên sản lượng hay giá trị có thể đạt hoặc mấp mé đạt. Dù vậy, kế hoạch lợi nhuận 2022 sẽ đạt. Kết quả kinh doanh quý 2 của MPC cũng tương đối tốt.
Đối tác Nhật Mitsui có ý định gia tăng sở hữu tại Minh Phú không? Ngoài Mitsui có đối tác hay quỹ đầu tư nào muốn tham gia vào cơ cấu cổ đông của Công tỷ?
Công ty chưa làm việc với các đối tác cũng như Mitsui về vấn đề này, đầu năm nay Công ty chỉ tập trung cải tạo nâng cấp vùng nuôi để hoàn thiện những cái của mình. Cho nên cũng có nhiều đối tác hỏi và tìm hiểu nhưng Công ty chưa có thời gian để tìm hiểu vấn đề này nên chưa trả lời.
Chia sẻ thông tin về các vùng nuôi và khả năng tự chủ nguyên liệu của Minh Phú đến đâu?
Vùng nuôi MPC Lộc An 300 ha và Kiên Giang 900 ha, tổng cộng là 1,200 ha đất. Dù rằng Minh Phú có nuôi hết cả 2 vùng nuôi này thì khả năng cung cấp nguyên liệu cho các vùng nuôi của Minh Phú cũng chỉ chiếm 10%. Và Minh Phú có nuôi cỡ nào cũng không phải tự chủ nguồn nguyên liệu. Vấn đề mấu chốt của Minh Phú ở đây là chúng ta liên kết với các người nuôi tôm, giúp đỡ người nuôi tôm thành công để cung cấp nguyên liệu cho Minh Phú.
Vì việc nuôi tôm không phải đơn giản, người dân nuôi tôm tốt hơn chúng ta tự nuôi, thì MPC sẽ có kết quả tốt hơn vì đầu tư con người rất phức tạp. Người công nhân nuôi tôm thì tôm không phải là tài sản của họ, không phải là máu thịt của họ cho nên Minh Phú đã dùng rất nhiều biện pháp nhưng đêm thì họ cứ ngủ, còn mưa thì không ra ao, làm chết tôm.
Còn người dân nuôi tôm phải bỏ tiền ra để mua con giống, họ coi như là máu là thịt, như đứa con của họ cho nên tỷ lệ nuôi tôm thành công của họ sẽ tốt hơn là chúng ta tự nuôi. Vì vậy, chúng ta không dại gì làm cái mà mình không tốt, bỏ cái tốt hơn. Chính vì thế, chủ trương của Minh Phú là không phải tự nuôi để chủ động nguồn nguyên liệu mà chúng ta giúp người dân nuôi tôm thành công, nuôi tôm đạt giá thành thấp để chúng ta mua được giá tôm thấp và lợi nhuận của chúng ta sẽ tốt và đủ nguyên liệu để cung cấp nhà máy chế biến của chúng ta. Đó là chủ trương của Minh Phú.
Công ty giống Minh Phú có ý định cung cấp con giống và bán ra thị trường bên ngoài không?
Tất nhiên là Minh Phú cũng sẽ cung cấp con giống cho Minh Phú và cung cấp con giống bán ra thị trường bên ngoài. Dù Minh Phú có sản xuất cỡ nào thì Minh Phú cũng không đủ cung cấp cho các hộ nuôi liên kết của Minh Phú về con giống, cho nên chủ trương của Minh Phú là làm sao giúp cho người sản xuất con giống chất lượng cao, giá thành thấp, nuôi tôm đạt tỷ lệ sống 90% trở lên. Chính vì vậy, Minh Phú mới tài trợ cho tỉnh Ninh Thuận quy hoạch lại vùng sản xuất 245 ha tôm giống chất lượng cao để nuôi tôm thành công. Nuôi con giống phải lấy nước ven bờ nhưng nước đã bị nhiễm hết rồi, cho nên sản xuất con giống không thể đạt chất lượng cao được và coi như là giá thành rất cao vì chi phí xử lý nước cao, chính vì vậy Minh Phú sẽ đầu tư hệ thống xử lý nước biển cách xa bờ 2 km để có nước biển tốt, sẽ sản xuất được con giống chất lượng cao, giá thành giảm.
Mặt khác, sản xuất con giống ở độ mặn là 35/1000, thế nhưng cung cấp cho vùng nuôi thì độ mặn 5-25/1000 vì vậy phải có nước ngọt để thuần hóa con tôm, nên phải có hệ thống nước ngọt nhưng Minh Phú không có, nếu lấy hệ thống cung cấp nước của các Công ty thì giá thành cao, và cũng không sạch, cho nên Minh Phú cũng chủ trương đầu tư hệ thống xử lý nước ngọt để cung cấp giống tại cơ sở sản xuất giống tập trung này.
Minh Phú cũng sẽ đầu tư cung cấp con giời sạch bệnh, tảo khuê cô đặc, chất lượng cao để đảm bảo thức ăn tốt cho tôm giống, đạt chất lượng tốt. Khi có tảo khuê phát triển tốt cho quá trình nuôi tôm thì tôm không bị bệnh, tôm lớn rất nhanh, thịt săn chắc, luộc lên màu đỏ rất đẹp.
Vì sao Đại hội luôn tiến hành trễ so với các công ty khác thông thường vào tháng 3 và tháng 4?
Minh Phú có Công ty MC Food ở Mỹ, chúng ta bán hàng phân phối ở bên đó, Công ty đó bao giờ cũng báo cáo chậm, chưa có báo cáo của họ thì không báo cáo ĐHĐCĐ được. Minh Phú đã thúc giục Công ty MC Food - đối tác, bán hàng cho Minh Phú gửi báo cáo sớm nhưng không được. Cho nên đây là vấn đề trăn trở của Minh Phú.
Minh Phú đang họp hội đồng chuyển Công ty MC Food sang công ty liên kết, không phải công ty con nữa thì sẽ báo cáo đúng thời gian.
Tiến độ đầu tư nhà máy Khánh An, U Minh đến đâu, tiềm năng tương lai và thị trường đầu ra của nhà máy?
Dự kiến bán hàng sẽ rất tốt và lợi nhuận cao nhưng do dịch COVID-19 làm chúng tôi khởi công chậm, chiến tranh Nga – Ukraine làm cho giá vật tư tăng, cho nên dù chúng tôi đã đấu thầu rồi nhưng phải đàm phán làm cho giá đầu tư tăng lên và mất thời gian. Ngoài ra tiến độ đầu tư nhà máy chậm còn do luật đầu tư, thông tư, nghị định thay đổi. Trước kia, chúng ta cứ đầu tư, xong giấy phép, đánh giá tác động môi trường và các giấy phép khác sẽ hoàn thiện sau. Tuy nhiên, có khi nhà máy đưa vào hoạt động rồi thì chúng ta mới làm các thủ tục đó. Tuy nhiên luật đầu tư thay đổi từ tháng 3/2022, quy định tất cả các giấy phép phải hoàn thiện hết mới được đầu tư và hiện giấy phép cũng chưa có.
Vì sao giá cổ phiếu MPC kém hơn nhiều so với các cổ phiếu cùng họ thủy sản?
Do cổ phiếu MPC không thanh khoản, các thành viên của Minh Phú nắm hết rồi, Mitsui nắm 35.1%, còn có 7% là bên ngoài, nhưng mà trong đó CBNV đã sở hữu mấy phần trăm rồi, cho nên tính toàn còn lại chỉ có 2% cổ phiếu bên ngoài nên không thanh khoản thì giá không tốt được. Ngoài ra, MPC còn vướng vùng nuôi, vì vùng nuôi lớn quá, Minh Phú đầu tư đường ống nước biển nhưng tiến độ đầu tư chậm. Theo đó, chúng tôi quyết tâm cải tiến 2 vùng nuôi về con giống để MPC có kết quả lợi nhuận từ các công ty con tốt.
Và điểm nữa là Minh Phú có Công ty MC Food ở Mỹ, phải báo cáo hợp nhất, hàng hóa Minh Phú phải đưa sang Mỹ sớm để bán trong lễ Noel, năm mới, phải đưa hàng sang trước để bán trong mùa xuân nhưng tháng 1-3 trái thời vụ tôm, còn từ tháng 7-10 là tôm nhiều, giá rẻ, phải đưa hàng sang trước để có hàng để bán. Khi đưa hàng sang Mỹ thì bị loại trừ doanh thu và lợi nhuận, và công ty kiểm toán ghi nhận dự phòng giảm giá hàng tồn kho rất cao.
Khoảng 3 năm nay luôn xảy ra căng thẳng về vận tải đường biển, Minh Phú có giải pháp gì để giảm thiểu rủi ro logistic?
Chấp nhận và kinh doanh theo thị trường, khó giải quyết được, giá lên thì chúng ta lên, mà giá xuống thì chúng ta xuống, tất cả người tiêu dùng phải chịu hết. Nhưng chúng ta phải điều tiết như thế nào để chúng ta có tàu, có cont chở hàng mới là vấn đề cần quan tâm.
Hệ thống cảng biển, kho ở Mỹ hiện tại đã quá tải, do đó Minh Phú sẽ thay đổi chiến lược là giảm thị phần ở thị trường Mỹ, đẩy mạnh sang các thị trường khác. Ban đầu xuất khẩu vào thị trường Mỹ thì tính toán giá là có lời, nhưng đến khi bán được hàng thì chi phí lưu kho, lưu bãi đã ngốn hết, còn lỗ thêm.
Thời gian qua tình hình thời tiết khá bất lợi, dịch bệnh trên tôm xuất hiện nhiều nơi, Minh Phú có giải pháp gì và có nguy cơ xảy ra thiếu nguyên liệu như đã xảy ra vào năm 2019 không?
Thời tiết bất lợi, dịch bệnh bùng phát thế nhưng Minh Phú có giải pháp là tảo khuê giúp không phát sinh bệnh trong tôm, thích ứng được khí hậu thời tiết. Ngoài ra Minh Phú có hệ thống đường nước biển, đảm bảo nước luôn luôn mặn 25/1000, giúp tôm phát triển, giá thành tốt, tiếp tục đầu tư đường nước biển khác để cung cấp cho người dân nuôi tôm thành công, giá thành nuôi tôm thấp, Minh Phú mua được giá thấp, đảm bảo đủ nguyên liệu cho Minh Phú chế biến, đồng thời giảm giá thành tôm, có lợi nhuận tốt hơn.
Minh Phú có kế hoạch chuyển sang sàn HOSE không? Nếu có là khi nào?
Chưa có kế hoạch, nhiều việc vẫn còn phải làm trước, việc chuyển sàn HOSE chưa quan trọng trong thời gian hiện tại.
Tình hình mở rộng các ao nuôi tôm siêu thâm canh giúp Minh Phú hiện tại tự chủ được bao nhiêu phần trăm nguyên liệu? Dự kiến mở rộng tự chủ bao nhiêu phần trăm nguyên liệu?
Minh Phú dù có nuôi nhiều cỡ nào đi nữa, có nuôi đến 10,000 ha tôm siêu thâm canh thì tối đa lắm Minh Phú chỉ có thể chủ động được 15% nguyên liệu, không thể tự chủ được. Minh Phú giúp người dân nuôi tôm thành công, giá thành thấp, bán giá thấp, giúp Minh Phú mua giá thấp, lợi nhuận tốt, cần gì phải tự chủ để mất nhiều tiền hơn. Chúng ta đã thay đổi cách suy nghĩ, không phải cứ tự chủ là tốt, Minh Phú làm tốt cái gì thì tập trung làm cái đó, Minh Phú chế biến xuất khẩu là tốt nhất, không làm những cái không phải sở trường.
Tiến độ phát triển vùng nuôi tính đến tháng 6/2022? Sản lượng tôm nuôi 2022 sẽ đạt bao nhiêu tấn?
Sản lượng nuôi 2022 khoảng 15,000 tấn, nuôi hết 2 vùng nuôi cũng được 30,000 tấn trong những năm tiếp theo. Nếu nhà máy Khánh An và nhà máy tẩm bột đưa vào hoạt động thì công suất của Minh Phú sẽ tăng lên gấp đôi, tức là sản xuất hết công suất 100,000 tấn/năm, thì công suất sẽ tăng lên 130,000 tấn sau khi 2 nhà máy đi vào hoạt động.
Tại sao Minh Phú giảm mạnh thị phần ở thị trường Mỹ?
Thuế giảm, nhưng chi phí tại Mỹ tăng hơn nhiều lần, kinh doanh vào Mỹ nhưng không có lợi nhuận thì sẽ không bán nữa, ở đâu có lợi nhuận tốt sẽ đẩy mạnh bán hàng vào đó.
Nguyên liệu đầu vào có cung cấp đủ đến cuối năm nay để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu không?
Hiện tại nguyên liệu về nhà máy Minh Phú rất dồi dào, mỗi nhà máy trên 200 tấn, nhưng Minh Phú thiếu công nhân, nên chỉ sản xuất trên số lượng công nhân hiện có dù đơn hàng rất nhiều. Để giải quyết, Minh Phú nghiên cứu công nghệ, cơ giới hóa, tự động hóa, giảm 40% công nhân, hướng tới robot hóa, đang thử nghiệm cho tốt nhất, tiến tới giảm 90% lao động.
Kết thúc Đại hội, tất cả các tờ trình đều được thông qua.
Khang Di