ĐHĐCĐ ITC: Kế hoạch lãi giảm mạnh, các dự án tiếp tục bị “khựng” lại vì pháp lý

Chia sẻ Facebook
01/05/2023 10:07:58

Ngày 28/04, ĐHĐCĐ thường niên 2023 của CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà (HOSE: ITC) đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2023 và phương án phân phối lợi nhuận năm 2022.

ĐHĐCĐ ITC: Kế hoạch lãi giảm mạnh, các dự án tiếp tục bị “khựng” lại vì pháp lý


ĐHĐCĐ thường niên 2023 của ITC tổ chức sáng ngày 28/04/2023

Năm 2022, nền kinh tế Việt Nam nói chung và hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản nói riêng bị ảnh hưởng rất lớn từ kinh tế chính trị thế giới, từ các chính sách về đất đai của Nhà nước và đặc biệt là tác động của chính sách tài chính - tiền tệ đến thị trường bất động sản đã làm cho thị trường bất động sản gần như ngưng trệ hoàn toàn, tiến độ triển khai đầu tư các dự án bất động sản của các Doanh nghiệp bất động sản nói chung và Công ty nói riêng hầu như đều bị ảnh hưởng.


Đứng trước tình hình khó khăn chung của nền kinh tế và ngành bất động sản, tại ĐHĐCĐ năm 2023 được tổ chức sáng ngày 28/04, ITC đã đặt mục tiêu tổng doanh thu 700 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 67 tỷ đồng, giảm lần lượt 14% và 55% so với thực hiện năm 2022.


Nguồn: VietstockFinance


Về kế hoạch hoạt động năm 2023, Kế toán trưởng/Phó TGĐ Đoàn Hữu Chí cho biết Công ty sẽ tiếp tục đầu tư và kinh doanh căn hộ của block D1 và D2 tại dự án Terra Flora (Nhơn Trạch – Đồng Nai); Hoàn thiện pháp lý, đầu tư và kinh doanh dự án khu dân cư tại xã Tương Bình Hiệp – Bình Dương; Duy trì sự ổn định và phát triển của hoạt động kinh doanh khu khách sạn, thương mại cao ốc Terra Royal; Tiếp tục hoàn thiện pháp lý và triển khai các dự án như KDC 6A – Bình Chánh, Khu chung cư dự án Long Thới,…


Chia sẻ về việc đặt kế hoạch 2023 có phần thấp hơn so với thực hiện 2022, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mãnh cho biết do việc đình trệ của dự án liên quan đến vấn đề pháp lý chủ yếu do các yếu tố khách quan nên việc các dự án BĐS chưa thể đưa vào khai thác trong năm nay.

Lý do tiếp theo được ông đề cập là do tình hình kinh tế đang khó khăn, sức mua yếu, các dự án của Công ty đang triển khai bán hàng đều tiêu thụ chậm. Nhưng điểm tích cực là Công ty có sự đóng góp từ mảng dịch vụ liên quan nhà hàng khách sạn, cho thuê cao ốc, cũng đã kéo được phần nào doanh thu và lợi nhuận.

Tiến độ của các dự án


Dự án KDC Tương Bình Hiệp (Bình Dương): Tiếp tục hoàn chỉnh các pháp lý liên quan, đầu tư hạ tầng dự án và sớm đưa vào kinh doanh.

Dự án Khu cao ốc Nhơn Trạch - Đồng Nai: Đẩy mạnh chào bán các căn hộ đã đủ điều kiện kinh doanh, tiếp tục thi công các căn hộ của các block còn lại.


Dự án KDC Star Village (Long Thới - Nhơn Đức Nhà Bè): Tiếp tục thi công xây dựng nhà ở cho cư dân trên dự án và đầu tư giai đoạn 2 của dự án.


Dự án KDC Intresco 6A (Bình Chánh - TP. HCM ): Tiếp tục công tác đền bù và thực hiện các pháp lý liên quan.


Chia sẻ thêm về tình hình của các dự án, Tổng Giám đốc kiêm Phó Chủ tịch HĐQT Trương Minh Thuận cho hay, dự án Long Thới (Nhơn Đức, huyện Nhà Bè) hiện còn lại 10ha của giai đoạn 2 (đã đền bù được khoảng 90-95%), trong đó khoảng 6,000m2 chưa thể thực hiện đền bù dù phía Công ty đã tích cực thương lượng nhưng chủ sở hữu vẫn không đồng ý nên khiến dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Công ty cũng đã liên hệ chính quyền địa phương để xin hỗ trợ giải quyết nhưng vẫn chưa thể tháo dỡ khó khăn, thành ra Công ty vẫn chưa thể triển khai được gì trên diện tích 10ha đất này.


Bên cạnh đó, ông Trương Minh Thuận cũng cho biết thêm về những vướng mắc của Dự án Sabinco ( KDC Tương Bình Hiệp – Bình Dương), theo đó dự án này Công ty đã đóng tiền sử dụng đất từ năm 2018, kế hoạch ban đầu sẽ triển khai từ năm 2019 để có tiền trang trải làm các dự án khác, nhưng dự án tiếp tục bị “mắc kẹt” cho đến tận bây giờ. Lý do chính được ông Thuận đưa ra là do dự án có 2ha đất xen cài, ban đầu chính quyền địa phương đồng ý đổi thành đất ở nhưng sau đó thay đổi phương án giải quyết không đồng ý đổi thành đất ở nữa, thay vào đó là đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường. Công ty đã làm thủ tục nhưng tới tận thời điểm này vẫn chưa thể hoàn tất, vì vậy chưa được cấp giấy phép xây dựng. Ông cũng cho biết thêm nếu dự án được đưa vào khai thác sẽ mang lại nguồn thu rất lớn cho Công ty nhưng dự án này vẫn bị “khựng” lại vì vướng đất công dù đã được giao đất, xử lý tiền sử dụng đất.

Không chia cổ tức năm 2022


Căn cứ kế quả kinh doanh năm 2022, doanh thu của ITC đạt 818.7 tỷ đồng, lãi ròng đạt 151.5 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 11.4% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra lần lượt 12.9% và 37.8%.


Dù có kết quả kinh doanh tăng trưởng nhưng ITC quyết định sẽ không chia cổ tức trong năm 2022. Lý do được Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mãnh đưa ra là năm vừa rồi và tiếp tục trong năm nay tình hình kinh tế thế giới, chính trị sẽ còn nhiều bất ổn. Bên cạnh đó, việc các ngân hàng siết lại dòng tiền cũng khiến cho việc vay vốn gặp nhiều khó khăn. Do đó, Công ty sẽ giữ lại một phần lợi nhuận và xin phép chưa chia cổ tức trong năm nay để tập trung nguồn lực thực hiện các dự án sắp tới, đặc biệt là các dự án mà Công ty đã đổ vào rất nhiều tiền trong những năm vừa qua.


Ông Nguyễn Mãnh cũng cho biết thêm, nếu chia cổ tức bằng cổ phiếu cũng sẽ bị vướng, vì ITC còn có cổ đông nhà nước là Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – do Ủy ban Nhân dân TP.HCM quản lý, chính vì vậy mỗi lần tăng vốn điều lệ đều sẽ liên quan đến việc phê duyệt quyết định của phía chủ quản, do đó ảnh hưởng rất nhiều đến việc thay đổi vốn điều lệ.


Kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022 của ITC


Nguồn: ITC


Trả lời thắc mắc của cổ đông về khoản tiền mặt hơn 100 tỷ đồng tại ngày 31/12/2022 trên Báo cáo tài chính. Kế toán trưởng/Phó TGĐ Đoàn Hữu Chí cho hay, khoản tiền này được Công ty gửi tại ngân hàng và nguồn tiền này chủ yếu đến từ các hợp đồng hợp tác kinh doanh ( BCC ), do các khách sạn của Công ty có ký kết hợp đồng BCC với các đối tác bên Nhật Bản để kinh doanh casino tại các khách sạn 5 sao. Nguồn tiền này đều do các casino quản lý và gửi tại ngân hàng.


Ông Đoàn Hữu Chí cũng chia sẻ thêm về các khoản vay của Công ty, “Quý cổ đông có nói là công ty vay nhiều nhưng thật ra mà nói nếu so sánh với các doanh nghiệp BĐS, ITC là một trong những công ty vay ít nhất thị trường.”, ông Chí cho biết thêm “Việc tiếp cận nguồn vốn vay đối với một doanh nghiệp BĐS là rất khó khăn nên trong quá trình đi vay chúng tôi luôn cố gắng tìm những nguồn vốn có lãi suất rẻ, các khoản vay chủ yếu là vay ngân hàng và vay của một vài cá nhân với mức lãi suất giao động từ 11% đến dưới 12%/năm.”


Các vấn đề liên quan đến Dự án 6A cũng được nhiều cổ đông tranh luận sôi nổi trong cuộc họp sáng 28/04, trả lời cho thắc mắc của cổ đông về việc Dự án 6A có tiếp tục được thực hiện hay không, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Mãnh khẳng định “Công ty vẫn đang tiếp tục ổn định, xử lý và vẫn thực hiện dự án 6A bình thường chứ không hề ngưng hay gì cả.”

Chia sẻ Facebook