ĐHĐCĐ DCM: Ước lãi sau thuế quý 1 công ty mẹ gấp 10 lần, đạt hơn 1,500 tỷ đồng

Chia sẻ Facebook
26/04/2022 15:04:31

Sáng ngày 26/04, CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, HOSE: DCM) tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2022 để trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2022 cũng như phương án phân phối lợi nhuận. 

Trực tuyến

ĐHĐCĐ DCM: Ước lãi sau thuế quý 1 công ty mẹ gấp 10 lần, đạt hơn 1,500 tỷ đồng

* Thảo luận:

Chia sẻ về mức cổ tức năm 2021 và 2022?


Tổng Giám đốc (TGĐ) Văn Tiến Thanh: Việc trả cổ tức năm 2021 tỷ lệ 18% là sự nỗ lực rất lớn của Công ty. Ban đầu, chúng tôi chỉ dự kiến trả 17%, nhưng sau đó điều chỉnh lên 18% do cổ đông lớn đề xuất, đây là mức cổ tức rất cao so với các năm trước.


Với DCM , chúng tôi đang thực hiện các dự án gia tăng giá trị của Công ty, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại cơ sở sản xuất, bổ sung thêm mái che, tối ưu hóa, đa dạng hóa nâng cao năng suất nhà máy. Sắp tới, chúng tôi cũng có một số dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ kinh doanh. Ngoài ra, chúng tôi đầu tư hoạt động nghiên cứu phát triển kỹ thuật số, triển khai các ứng dụng để nâng cao hiệu quả hoạt động.

Với những kế hoạch đầu tư như thế, nhu cầu vốn khá lớn, năm 2022, chúng tôi dự kiến đầu tư 920 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ huy động thêm vốn vay.

Do đó, năm 2022, chúng tôi dự kiến chia cổ tức tỷ lệ là 8%, chúng tôi hy vọng đến tháng 4/2023, tỷ lệ cổ tức có thể lên từ 18-20% bằng tiền mặt.

Tìm đối tác chiến lược tạo ra sự phát triển đột phá


DCM đặt kế hoạch tiêu thụ phân bón tự doanh 2022 ở mức cao dựa trên cơ sở nào?

Chúng tôi dựa vào sự phát triển thị trường, thị phần của Công ty. Đã có một sự thay đổi rất lớn giữa năm 2020 và 2021, thị phần ure của chúng tôi đã tăng từ 30% lên 48%. Việc tự doanh chúng tôi đặt ra sản lượng là có cơ sở.

Hơn nữa, hoạt động tự doanh chúng tôi đang có một chiến lược là thay vì đối đầu sẽ chuyển sang hợp tác.

Doanh nghiệp có định hướng gì về kế hoạch đầu tư để tránh tình hình biến động giá ure?

Với độ mở khá lớn của Việt Nam, tìm định chế nào để tránh sự ảnh hưởng là bất khả thi. Chúng ta phải nắm bắt được quy luật đó để có những chính sách linh hoạt.

Chia sẻ về việc tìm đối tác chiến lược?


Sau giai đoạn cổ phần hóa cuối năm 2014, DCM đổi sang CTCP vào năm 2015, Chính phủ vẫn đang tiếp tục có kế hoạch giảm lượng vốn Nhà nước tại DCM .

Chúng tôi dự kiến cuối năm 2022-2023 sẽ có quyết định lớn của Nhà nước.

Đối tác chúng tôi tìm kiếm phải là nhà đầu tư giúp chúng tôi tạo giá trị trong chuỗi sản xuất nông nghiệp. Về nguồn vốn, chúng tôi rất quan tấm đến các nhà đầu tư giúp chúng tôi tạo sự phát triển đột phá hơn.

Dự báo giá phân bón trong 3 quý cuối năm?

Quý 1 vừa qua, khi giá Ure lên đến 1,300 USD/tấn, quyết định về giá của chúng tôi thấp hơn thị trường rất nhiều. Mình không thể bán cao bởi nó vượt quá sức chịu đựng của nông dân.

Quý 1 là thấp điểm tiêu thụ trong nước. Sang quý 2, vụ hè thu yêu cầu phân bón tăng cao. Tuy nhiên, giá phân bón rất cao, có độ vênh giữa người mua và người bán. Khả năng chịu đựng của thị trường không phải chỉ riêng ở Việt Nam mà còn cả các châu lục khác. Tuy nhiên, theo dự báo, giá sẽ có xu hướng giảm dần.

Kết quả quý 1 vượt kế hoạch

Tại sao kết quả quý 1 rất cao, kế hoạch năm 2022 trình cổ đông thấp hơn kết quả quý 1?

Bối cảnh quý 1 là giá phân bón tiếp tục tăng cao, thắt chặt nguồn cung do chiến tranh, giá phân bón tiếp tục đạt đỉnh cao.

Với bối cảnh đó, trong quý 1, thị trường Việt Nam rất thấp điểm, do đó, chúng tôi tận dụng cơ hội thị trường thế giới, tranh thủ các lô hàng xuất khẩu.

Chúng tôi đặt kế hoạch 2022 vào tháng 9/2021 dựa vào giá dầu, giá đầu vào, giá đầu ra.

Đến quý 1, chúng tôi tiếp tục cập nhật kế hoạch đó, chúng tôi thống nhất lấy đó là kế hoạch chính làm cơ sở để triển khai thực hiện. Quý 1/2022, kết quả rất tốt, chúng tôi không thể điều chỉnh kế hoạch theo từng kỳ khi kế hoạch thay đổi. Thông thường, đến khoảng cuối quý 3, chúng tôi sẽ trình lại kế hoạch lần nữa đến các cổ đông phê duyệt. Chúng tôi không thể đoán trước tình hình sẽ như thế nào, chúng ta không thể biết được đến cuối năm 2022 giá dầu sẽ bao nhiêu…

ĐHĐCĐ thường niên 2022 của DCM diễn ra sáng ngày 26/04/2022

Mục tiêu lãi sau thuế 2022 hơn 513 tỷ đồng


Năm 2022, DCM đặt mục tiêu đạt gần 9,060 tỷ đồng doanh thu và hơn 513 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Ngoài ra, DCM dự kiến sản xuất 860,100 tấn ure quy đổi và 80,000 tấn NPK. Dự kiến sản lượng kinh doanh đạt 770,270 tấn ure quy đổi, 80,000 tấn sản phẩm từ gốc ure và 80,000 tấn NPK cùng 202,000 tấn phân bón tự doanh.

Tình hình kinh doanh của DCM qua các năm và kế hoạch 2022. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance


Ban lãnh đạo DCM đánh giá năm 2022, Công ty sẽ tiếp tục đối diện những khó khăn thách thức như: Tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp; căng thẳng giữa Nga và Ukraine tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, giá dầu tăng cao, lạm phát, đứt gãy chuỗi logistic, nguồn cung khan hiếm.


Tuy nhiên, DCM cho biết Công ty được PVN hỗ trợ đảm bảo nguồn cung cấp khí để vận hành ở công suất tối ưu.


Theo chia sẻ của vị TGĐ: “ Chúng tôi đang đặt ra 5 mũi chiến lược chính để giúp DCM trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất kinh doanh phân bón tại Việt Nam và Đông Nam Á. Theo mục tiêu, đến năm 2025, tổng doanh thu dự kiến đạt mức 15,000 tỷ đồng, ROE là 12% ”.

Ước lãi sau thuế quý 1 công ty mẹ gấp 10 lần cùng kỳ

Trong quý đầu năm, Công ty mẹ ước tính khối lượng sản xuất ure quy đổi và NPK lần lượt đạt 236,650 tấn và 26,400 tấn. Về khối lượng tiêu thụ, ure đạt 186,510 tấn, các sản phẩm từ ure đạt 7,690 tấn và NPK đạt 12,280 tấn.


Theo đó, tổng doanh thu quý 1 ước đạt 4,028 tỷ đồng, tăng 111% và lợi nhuận sau thuế đạt 1,515 tỷ đồng, gấp 10 lần cùng kỳ. Với kế hoạch mục tiêu đạt 1,629 tỷ đồng doanh thu và 78.12 tỷ đồng lãi sau thuế, trong quý đầu năm, DCM đã vượt 147% chỉ tiêu doanh thu và gấp 19 lần chỉ tiêu lợi nhuận.


Công ty cho biết kế hoạch quý 1 được xây dựng dựa trên dữ liệu thực hiện hàng năm và các dự báo về giá nguyên liệu đầu vào, giá bán sản phẩm đầu ra. Do đó, Công ty đã đưa ra kế hoạch tương đối thận trọng. Với thực tế diễn biến của thị trường, DCM cũng lo ngại căng thẳng Nga-Ukraine sẽ tác động tiêu cực đến thị trường tài chính toàn cầu, khiến giá dầu và cước vận chuyển tiếp tục tăng, nguồn cung phân bón và nguyên vật liệu khan hiếm...


Quý 2, DCM ước tổng doanh thu đạt 4,847.7 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 748 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 710.67 tỷ đồng.

Dự kiến chi 930 tỷ đồng đầu tư các dự án

Kế hoạch đầu tư xây dựng các dự án của DCM


DCM cũng dự kiến vốn đầu tư cho các dự án năm 2022 với gần 930 tỷ đồng bao gồm: Cải hoán và cung cấp CO2 thô, trung tâm nghiên cứu phát triển, sản xuất phân bón phức hợp từ ure nóng chảy 300,000 tấn/năm.


Đặc biệt, “Dự án kho đầu mối Long An” và “Trụ sở Trạm liên lạc tại TPHCM” là nhiệm vụ trọng tâm trong năm nay của DCM để chứa nguyên liệu, sản phẩm, đảm bảo công tác bán hàng, sản xuất được liên tục.


Công ty cũng đề xuất mức cổ tức năm 2022 là 8%, thấp hơn mức 18%/vốn điều lệ của năm 2021.

Đại hội cũng đã thông qua bổ sung ngành, nghề kinh doanh của Công ty là sản xuất, bán buôn và bán lẻ các chế phẩm sinh học phục vụ nông nghiệp - công nghiệp - môi trường sinh thái, cổng thông tin (thiết lập mạng xã hội).

Đại hội kết thúc với tất cả các tờ trình đều được thông qua.

Tiên Tiên

Chia sẻ Facebook