ĐHĐCĐ BIDV: Năm 2023, dự kiến trích dự phòng khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng
Sáng ngày 28/04, Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ và thay đổi địa chỉ trụ...
ĐHĐCĐ BIDV: Năm 2023, dự kiến trích dự phòng khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng
Sáng 28/04, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, HOSE: BID) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, tăng vốn điều lệ, bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027, niêm yết trái phiếu phát hành ra công chúng…
Thảo luận :
Năm 2023, trích dự phòng khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng
Kết quả kinh doanh quý 1?
Ông Lê Ngọc Lâm – Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc: Quý 1, tổng tài sản đạt trên 2 triệu tỷ đồng; dư nợ tín dụng đạt trên 1.57 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 5%; Huy động vốn đạt trên 1.65 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 2.3%; Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1.4% theo định hướng; Lợi nhuận trước thuế đạt trên 6,600 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ.
BIDV đánh giá như thế nào về rủi ro tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới, BIDV dự kiến trích lập dự phòng năm 2023 bao nhiêu?
Chủ tịch Phan Đức Tú: Thời gian qua, tình hình kinh tế thế giới có nhiều vấn đề làm cho chính sách của nhiều nước thận trọng hơn. Dự kiến cuối năm nền kinh tế sẽ dần ổn định lại, nhưng cũng gặp một số vấn đề doanh nghiệp thiếu đơn hàng, tổng cầu thấp trong nước và thế giới, tỷ lệ đòn bẩy của các doanh nghiệp lớn, áp lực dòng tiền lớn lên.. NHNN buộc có Thông tư 02 để hỗ trợ các doanh nghiệp và ngân hàng.
Xu hướng nợ xấu năm 2023 có khả năng tăng hơn năm ngoái. Kế hoạch của BIDV là giữ tỷ lệ nợ xấu dưới 1.4% (năm ngoái là 0.96%), và trích dự phòng dự kiến khoảng 20,000-21,000 tỷ đồng. Mức trích lập thấp hơn năm ngoài vì năm 2022 ngân hàng đã trích và xử lý tương đối cho các khoản nợ tồn đọng.
Năm 2023 dự kiến mức chi phí tăng gần 14%
Thông tư 02 của NHNN trao quyền chủ động cho các Ngân hàng trong việc xem xét, đánh giá khó khăn của khách hàng để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ vay của khách hàng. BIDV có bộ tiêu chí nào trong việc tái cơ cấu nợ, phần nợ dự định tái cơ cấu là bao nhiêu?
Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT: Thông tư 02 là một trong những hoạt động cho thấy quyết tâm hỗ trợ doanh nghiệp của NHNN.
Thứ nhất, doanh nghiệp giảm áp lực tài chính, áp lực trả nợ. Thứ hai, doanh nghiệp tiếp tục tiếp cận được tín dụng mới để duy trì, mở rộng sản xuất kinh doanh. Thứ ba, ngân hàng giảm áp lực về nợ xấu, áp lực dự phòng rủi ro. Những điều này sẽ hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn.
Đối với BIDV, ngân hàng sẽ theo dõi chặt chẽ, phân loại, các điều kiện cơ cấu (nguyên nhân khách hàng ko trả được nợ).
Chúng tôi đã hướng dẫn các chi nhánh, thực hiện các điều kiện phân cấp phân quyền thực hiện đúng quy định của Thông tư 02
Tỷ lệ CIR của BIDV trong thời gian qua như thế nào? Kế hoạch chi phí hoạt động của BIDV trong năm 2023?
Chủ tịch Phan Đức Tú: Trong năm 2021 CIR ở mức 30.3% và năm 2022 ở mức 32.42% - luôn duy trì ở mức hợp lý, đảm bảo hiệu quả kinh doanh, tương đồng với 4 ngân hàng thương mại lớn. Trong năm 2023 dự kiến mức chi phí tăng gần 14% so với năm trước, CIR nhỏ hơn 36% thấp hơn nhiều so với thông lệ (35-40%).
TRƯỚC ĐẠI HỘI
Tăng vốn điều lệ lên hơn 61,557 tỷ đồng
Ban lãnh đạo cho biết nhằm đảm bảo an toàn vốn đáp ứng quy định của NHNN và hướng dần tới thông lệ, Ngân hàng cần tiếp tục gia tăng vốn tự có, trong đó tăng vốn điều lệ là một trong những nguồn tăng giữ vai trò nền tảng nâng cao chất lượng vốn cũng như tạo điều kiện cho các nguồn tăng thứ cấp khác.
Theo đó, BIDV dự kiến tăng vốn điều lệ từ 50,585 tỷ đồng lên hơn 61,557 tỷ đồng thông qua 2 phương án.
Phương án 1 , phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021. Ngân hàng dự kiến phát hành gần 642 triệu cp cho cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ 12.69% với mệnh giá 10,000 đồng/cp. Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận còn lại năm 2021 sau trích lập các quỹ hơn 6,419 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023, ủy quyền cho HĐQT quyết định thời điểm phát hành cụ thể sau khi được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Phương án 2 , tiếp tục thực hiện phương án đã được ĐHĐCĐ thường niên 2022 phê duyệt ngày 29/04/2022, Ngân hàng sẽ phát hành thêm hơn 455 triệu cp thông qua hình thức chào bán ra công chúng hoặc chào bán riêng lẻ.
Vốn điều lệ dự kiến tăng thêm gần 11 ngàn tỷ đồng sẽ được Ngân hàng dùng toàn bộ để bổ sung vốn kinh doanh, và được phân bổ sử dụng vào các lĩnh vực hoạt động của BIDV với cơ cấu hợp lý và đảm bảo sử dụng vốn hiệu quả, an toàn, tối đa hóa lợi ích cho các cổ đông.
Tiến độ sử dụng vốn điều lệ tăng thêm để bổ sung vốn hoạt động kinh doanh phù hợp theo tiến độ tăng vốn điều lệ và tình hình thị trường, do HĐQT (hoặc cấp HĐQT phân cấp, ủy quyền), xem xét, quyết định phù hợp với pháp luật và của BIDV.
Vốn điều lệ giai đoạn 2015-2022 và kế hoạch tăng vốn 2023 của BIDV
Nguồn: VietstockFinance
Mục tiêu lợi nhuận 2023 tăng 10-15%
Dựa trên vốn điều lệ tăng thêm, BIDV đặt mục tiêu năm 2023 tăng trưởng dư nợ tín dụng đảm bảo tuân thủ giới hạn tín dụng do NHNN giao; huy động vốn phù hợp với tốc độ tăng trưởng tín dụng, đảm bảo an toàn, hiệu quả. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới mức 1.4%.
Một số chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2023 của BIDV
Nguồn: BIDV
Lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm 2023 dự kiến tăng trưởng 10-15% so với mức 23,009 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, kế hoạch lãi trước thuế 2023 dự kiến dao động từ 25-26,000 tỷ đồng.
Chia cổ tức 2022 bằng cổ phiếu tỷ lệ 23%
Lợi nhuận sau thuế TNDN năm 2022 của BIDV gần 18,064 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ là hơn 12,571 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại trước chi trả cổ tức hơn 12,161 tỷ đồng.
Ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ mức chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 23%, tương đương lợi nhuận dùng để chia cổ tức gần 11,635 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại gần 527 tỷ đồng.
Sang năm 2023, BIDV dự kiến trích quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tối đa 5% lợi nhuân sau thuế; quỹ dự phòng tài chính tối đa 10%; quỹ khen thưởng phúc lợi tối đa 3 tháng tiền lương người lao động và 1.5 tháng tiền lương người quản lý.
Niêm yết các trái phiếu BIDV phát hành ra công chúng
Trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về phát hành và niêm yết trái phiếu cũng như đảm bảo tiến độ và kế hoạch phát hành, niêm yết trái phiếu của BIDV, HĐQT trình cổ đông thông qua việc niêm yết các trái phiếu không phải là trái phiếu chuyển đổi, trái phiếu kèm chứng quyền BIDV phát hành ra công chúng trong khoảng thời gian từ ngày hoàn hành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2023 đến ngày hoàn thành tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024.
Đồng thời giao cho HĐQT tổ chức chỉ đạo thực hiện và quyết định các vấn đề cần thiết để thực hiện việc nêm yết trái phiếu theo quy định nội dung đã được ĐHĐCĐ phê duyệt và đảm bảo quy định pháp luật.
Trước đó, phương án phát hành trái phiếu đã được HĐQT phê duyệt trong năm 2022, BIDV đã triển khai phát hành trái phiếu ra công chúng theo phương thức phát hành trực tiếp thông qua các chi nhánh, phòng giao dịch, trụ sở chính BIDV với tổng khối lượng hơn 2,209 tỷ đồng và đã hoàn thành niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) ngày 12/05/2022.
Bầu bổ sung 1 thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027
Trên cơ sở từ ngày 01/11/2022, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Thành viên HDQT (đại diện 30% vốn nhà nước tại BIDV) đã nghỉ hưu để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Đến nay, HĐQT BIDV nhiệm kỳ 2022-2027 còn 9 thành viên, do đó, trình cổ đông thông qua việc bầu bổ sung ông Đặng Văn Tuyên, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ thộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giữ chức Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2022-2027 thay thế bà Hương để đại diện 30% vốn Nhà nước tại Ngân hàng.
...Tiếp tục cập nhật
Trực tuyến
Thế Mạnh