ĐHĐCĐ Bidiphar: Kế hoạch doanh thu 1,800 tỷ, phát hành riêng lẻ giá tối thiểu 50,000 đồng/cp
Công ty ước tính huy động được 1,000-1,200 tỷ đồng từ đợt phát hành riêng lẻ, nguồn vốn sẽ bổ sung vốn đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU.
ĐHĐCĐ Bidiphar: Kế hoạch doanh thu 1,800 tỷ, phát hành riêng lẻ giá tối thiểu 50,000 đồng/cp
Công ty ước tính huy động được 1,000-1,200 tỷ đồng từ đợt phát hành riêng lẻ, nguồn vốn sẽ bổ sung vốn đầu tư cho dự án nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP-EU.
Đây là thông tin được HĐQT Công ty cổ phần Dược trang thiết bị y tế Bình Định – Bidiphar (HOSE: DBD) chia tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 ngày 21/4/2023.
Theo tờ trình, DBD dự kiến phát hành riêng lẻ 18.7 triệu cổ phiếu (tương đương 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành) cho 5 nhà đầu tư, giá chào bán tối thiểu 50,000 đồng/cp. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
Tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư là tổ chức trong và/hoặc ngoài nước có tiềm lực tài chính, cam kết đồng hành, hỗ trợ Bidiphar trong ngành dược, hoạt động quản trị và tài chính để phát triển công ty và đảm bảo lợi ích cổ đông.
Thời gian dự kiến phát hành trong năm 2023-2024, sau khi nhận được văn bản chấp thuận của UBCKNN.
Nguồn vốn huy động được bổ sung nguồn vốn phục vụ ưu tiên cho đầu tư xây dựng mới Nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ (thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác) theo tiêu chuẩn GMP-EU. Công suất thiết kế 120 triệu sản phẩm/năm.
Trên thị trường chứng khoán, DBD là doanh nghiệp dược duy nhất sản xuất thuốc ung thư, cũng là 1 trong 3 nhóm sản phẩm chủ lực tạo nên tên tuổi và lợi thế cạnh tranh cho công ty, bên cạnh 2 nhóm khác là thuốc kháng sinh và dung dịch thẩm phân.
Kết quả kinh doanh năm 2022, Bidiphar ghi nhận doanh thu 1,617 tỷ đồng, đạt 95% kế hoạch, trong đó doanh thu hàng sản xuất có sự tăng trưởng đáng kể, đạt mốc 1,500 tỷ đồng, cao hơn 26% so với năm 2021. Tổng sản lượng sản xuất năm 2022 đạt 745.7 triệu sản phẩm, tăng 24% so với tổng sản lượng sản xuất năm 2021. Hầu hết các dây chuyền sản xuất đều tăng sản lượng, trong đó Viên nang vi sinh và Các loại lọ uống tăng hơn gấp 2 lần.
Tổng lợi nhuận trước thuế 299 tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch và tăng trưởng 29% so với năm 2021. Cổ tức tiền mặt 20%.
Trong năm 2022, công ty đã phát triển lượng khách hàng vượt mốc 22,000, tăng trên 250% so với năm 2020. Kênh ETC triển khai mở rộng bán trên kênh dịch vụ, số lượng khách hàng kênh dịch vụ tăng 158% so với kế hoạch.
Kênh OTC tăng số lượng khách hàng mới 7,000 khách hàng đạt 138% so với kế hoạch. Các hoạt động khảo sát Master data tiếp tục được mở rộng ở các địa bàn phía Bắc, giúp công ty mở rộng điểm bán phủ tại địa bàn tỉnh Phú Thọ và tăng doanh thu hơn 10% so với kế hoạch.
Kế hoạch doanh thu 1,800 tỷ đồng
Năm 2023, Bidiphar đặt kế hoạch doanh thu 1.800 tỷ đồng, tăng 11%, lãi trước thuế 300 tỷ đồng, tương đương thực hiện 2022. Cổ tức tiền mặt hoặc cổ phiếu 20%.
Về kế hoạch đầu tư, Bidiphar sẽ khởi công xây dựng nhà máy sản xuất thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo chuẩn GMP EU. Tổng vốn đầu tư cố định dự án 840 tỷ đồng. Dự kiến năm 2027, nhà máy sẽ được vận hành chính thức. Và dự kiến đầu tư 155 tỷ đồng cho việc mua sắm, nâng cấp nhà máy và các dự án triển khai.
Song song đó, Bidiphar cũng sẽ hoàn thiện tục khởi công nhà máy Non-betalactam theo tiêu chuẩn EU-GMP; Hoàn thành đánh giá, cấp chứng nhận GMP WHO dây chuyền thuốc viên ung thư và tái đánh giá tất cả các dây chuyền khác.
Đồng thời, triển khai chuyển giao công nghệ, thẩm định, chuẩn bị hồ sơ đăng ký sản phẩm tại châu Âu và các điều kiện để đánh giá nhà máy sản xuất thuốc ung thư theo GMP-EU đảm bảo chất lượng, hiệu quả. đúng tiến độ trong hợp đồng (LTSA).
ĐHCĐ cũng tiến hành bầu cử bổ sung 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Ngọc Dũng và ông Trương Thanh Liêm cho nhiệm kỳ 2019-2024.
Thảo luận :
Ngành hàng CHC có gì hấp dẫn mà công ty đầu tư?
Ông Tạ Nam Bình, Thành viên HĐQT : CHC là ngành hàng chăm sóc sức khoẻ, là ngành hàng tương đối mới (dù DBD trước đây cũng đã có sản phẩm liên quan tới ngành hàng này).
Giai đoạn 2019-2020, chiến lược của ngành hàng này và kênh OTC là bán điểm chứ không bán phủ. Tổng số lượng nhà thuốc mà giao dịch với công ty khoảng 7.000 nhà thuốc. Với độ phủ thấp như vậy, thì ngành hàng như CHC - gọi đơn thuần là thực phầm chức năng - tương đối tiềm năng.
Thị trường dược phẩm Việt Nam (thuốc kê toa) tổng doanh số 7 tỷ USD, còn ngành CHC (dạng sản phẩm chăm sóc sức khoẻ) có tiềm năng lớn, rộng, doanh số toàn thị trường khoảng 20 tỷ USD giai đoạn hiện nay, là thị trường màu mỡ.
Giai đoạn 2022-2026, trong chiến lược phát triển của Bidiphar thì CHC là một trong những ngành hàng chủ lực. Để làm được ngành này, cần xây dựng hệ thống phân phối mạnh. Trong 2 năm qua, số lượng khách hàng hợp tác với công ty đã tăng mạnh, lên 22.000 nhà thuốc.
Để triển khai ngành hàng CHC thì đòi hỏi hoạt động làm nhãn hiệu cho từng sản phẩm, và cần độ phủ phải 20.000 -30.000 nhà thuốc thì mới làm được. Công ty đặt mục tiêu đến 2025, tổng số lượng nhà thuốc hợp tác với Bidiphar lên 30.000 - đủ đổ phủ để làm branding từng sản phẩm. Trong hoạt động nghiên cứu cũng có phần nghiên cứu sản phẩm CHC.
Bên cạnh đó, công ty đã tái cấu trúc sản phảm, hệ thống phân phối, song song đó là xây dựng nhà máy mới - chủ yếu phục vụ cho kênh bệnh viện ETC. Còn các dây chuyền cũ (chuẩn GMP WHO) thì có thể chuyển đổi phục vụ sản xuất sản phẩm CHC.
Công ty có gia tăng sản phẩm là thực phẩm chức năng không?
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc : Cũng nằm trong rổ hàng CHC, là hướng công ty phát triển tiếp theo. Hiện DBD có mặt hàng này, đã có đóng góp doanh thu và lợi nhuận mà chưa cao, do chưa thành nhóm hàng.
Chi phí quảng cáo cho nhóm này khá lớn, nên cần xác định rõ riêng biệt sản phẩm mình, tránh chuyện người khác có thể lợi dụng truyền thông quảng cáo của mình để bán theo.
Hiện đang trên hệ thống của công ty và tập trung sản phẩm riêng biệt cho DBD
Sản lượng thực phẩm chức năng là có định hướng, hiện tăng trưởng tốt, trên 2 con số, tăng tốt hơn so với thuốc
Hiện xuất khẩu 10 thị trường nhưng giá trị xuất khẩu chỉ 7,000 USD, kế hoạch xuất khẩu 2023?
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc: Trước đây xuất khẩu nhiều sang Lào và Campuchia, những năm dịch bệnh và thay đổi chính thị thì phần xuất khẩu 2 thị trường này giảm. Có thêm thị trường mới ở các nước đang phát triển, nhưng lượng xuất khẩu chưa nhiều - do tiến hành thủ tục đăng ký thuốc, mất từ 1-2 năm, sau đó mới đấu thầu và xuất khẩu được.
Năm 2022 giá trị xuất khẩu đạt trên 1 triệu USD, trong thời gian tới công ty tập trung khai thác thị trường này, đặc biệt dòng thuốc ung thư đang triển khai nhà máy GMP-EU.
Kế hoạch doanh thu tăng 11%, mà lợi nhuận không tăng trưởng, trong khi năm 2022, doanh thu không tăng trưởng nhưng lợi nhuận tăng 30%?
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT: công ty rà soát đánh giá kỹ môi trường bên trong và ngoài, thì đúng năm nay tình hình kinh tế rất khó khăn.
Có vài sản phẩm mới bổ sung vào rổ sảnphảm, thì vẫn phải đầu tư cho quảng cáo.
Sau khi rà soát kỹ thì đánh giá không thể gây áp lực quá cho ban điều hành, mà tập trung cho việc tăng doanh thu, tăng thị phần - đây là thách thức đòi hỏi nỗ lực lớn đối với ban điều hành
Chia sẻ tình hình kinh doanh mảng OTC, ETC trong quý 1?
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc : Kênh ETC chiếm tỷ trọng 60%, OTC là 40%, công ty định hướng sẽ chuyển dịch dần. Không phải là giảm kênh nọ, tăng kênh kia, mà cả 2 kênh sẽ tiếp tục gia tăng thêm thị phần, trong đó kênh OTC có nhiều dư địa và phát triển hơn, tỷ trọng dự kiến tới 2026 thì 55%.
Dự phóng giá nguyên vật liệu năm nay?
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc : Công ty đã chuẩn bị dự trữ nguyên vật liệu cho nhóm hàng chủ lực từ cuối 2022 để tránh ảnh hưởng là thấp nhất, như 2022 dù biến động nhiều, nhờ dự báo và quan hệ tốt với nhà cung cấp, sắp tăng giá thì DBD thì cũng đã có đơn hàng với mức giá cũ, hay sắp khan hàng thì DBD cũng có giải pháp phòng ngừa.
Theo đó, năm nay cũng vậy, biến động là có, nhưng phòng ngừa kỹ thì không quá ảnh hưởng tới Công ty.
Tại sao không chia hết cổ tức cho cổ đông sau khi phân bổ vào các quỹ, giữ lại để làm gì?
Ông Tạ Nam Bình, Thành viên HĐQT : Trong chiến lược 2022-2026 sẽ triển khai 2 nhà máy thuốc vô trùng và non-betalactam. Các nhà máy này tập trung cho các ngành hàng chủ lực công ty trong thời gian tới
Để thực hiện, công ty chuẩn bị nhiều phương án nguồn vốn để đầu tư, thì sử dụng lợi nhuận giữ lại là an toàn nhất, giảm rủi ro áp lực về lãi vay. Hiện lãi suất cũng đang tăng.
Kế hoạch xuất khẩu sản phẩm thuốc ung thư cụ thể như thế nào?
Bà Phạm Thị Thanh Hương, Tổng Giám đốc : Thuốc ung thư là thế mạnh của Bidiphar ở Việt Nam. Năm qua, công ty đón đoàn Bộ Y tế của Yemen, họ đánh giá cao Bidiphar trong việc chấp hành GMP, ấn tượng với dây chuyền thuốc ung thư và có đề nghị công ty gửi hồ sơ đăng ký tham gia các gói thầu của Chính phủ nước họ. Đây cũng là cơ hội của chúng ta.
Nếu làm xong GMP EU thì khả năng xuất khẩu càng lớn, nhưng cũng phải thấy khó khăn nữa là các nước đều đấu thầu, gồm cả các doanh nghiệp Ấn Độ, Trung Quốc… Vấn đề luôn có hai mặt, chúng ta cần nhận diện và đánh giá từng bước, từng bước để có cách làm.
Công ty có kế hoạch phát hành ESOP trong tương lai, dự kiến khi nào?
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT : Nếu muốn làm thì cần thông qua ĐHCĐ. Hiện nay HĐQT chưa có kế hoạch này, nhưng trong quá trình đầu tư 2 nhà máy, nhận thấy cần tạo động lực cho CBCNV thì sẽ xin ý kiến cổ đông.
Về việc phát hành cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, dự kiến khi nào hoàn thành? Công ty và đối tác kỳ vọng gì từ hợp tác này?
Ông Tạ Nam Bình, Thành viên HĐQT : Do tính bảo mật cao trong việc đàm phán nên chưa tiện chia sẻ chi tiết. Nhưng trong chiến lược của công ty là xây dựng 2 nhà máy mới, cần vốn đầu tư 1,600 tỷ đồng cho giai đoạn 2023-2026. Công ty đã xây dựng nhiều phương án nguồn vốn, trong tờ trình có phát hành riêng lẻ khoảng 25% thì có thể thu về 1,000-1,200 tỷ đồng đủ để xây dựng nhà máy.
Tuy nhiên, Công ty không thiếu tiền và không thiếu tổ chức tài chính tài trợ cho dự án mới. Nên việc tìm kiếm đối tác để có nguồn tài trợ không phải là mục tiêu hàng đầu.
Tiêu chí của công ty khi tìm kiếm đối tác chiến lược là phải mang lại giá trị mới cho doanh nghiệp. Hiện công ty vẫn sản xuất và kinh doanh các nhóm sản phẩm cơ bản và nhóm sản phẩm chiến lược.
Tuy nhiên, để đón đầu xu thế mới thì có một số ngành nghề tương đối tiên phong, nên công ty cần tìm kiếm đối tác ở hướng này này. Thứ nhất công ty sẽ tìm kiếm đối tác có thể chuyển giao công nghệ, sản xuất sản phẩm có sự khác biệt, giúp công ty bắt kịp xu hướng, xu thế công nghệ, phát triển sản phẩm trên thế giới.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch HĐQT : Ưu tiên cùng ngành dược, có trình độ công nghệ hơn hẳn Công ty, có thể chuyển giao công nghệ chế tạo, sản xuất và cả công nghệ quản lý - là ưu tiên đầu tiên, tài chính là một phần. Và tối quan trọng là đặt mục tiêu đảm bảo lợi ích của cổ đông.
Phương Châu