ĐHĐCĐ bất thường 2023 Eximbank không thể tổ chức

Chia sẻ Facebook
17/01/2023 00:45:08

Sáng ngày 16/01/2023, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HOSE: EIB) tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025) sau khi một số thành viên có đơn từ nhiệm.

Bài cập nhật

ĐHĐCĐ bất thường 2023 Eximbank không thể tổ chức

ĐHĐCĐ bất thường 2023 của Eximbank sáng ngày 16/01/2023

Tính đến 8h21, có 132 cổ đông tham dự, đại diện cho 53.16%, tương đương gần 654 triệu cp. Như vậy, ĐHĐCĐ bất thường 2023 của Eximbank đã không thể tổ chức.

Bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025)

Số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2022 – 2025) dự kiến bầu bổ sung tối đa 3 thành viên, trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập.

Việc bầu thành viên HĐQT phải đảm bảo HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) có tối thiểu ½ tổng số thành viên HĐQT là thành viên độc lập và thành viên không phải là người điều hành Ngân hàng, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập.

Kế hoạch bầu bổ sung thành viên HĐQT được công bố sau khi 2 thành viên HĐQT của Eximbank có đơn từ nhiệm vào ngày 24/10/2022.


Cụ thể, bà Lê Hồng Anh - Thành viên HĐQT và ông Đào Phong Trúc Đại - Thành viên HĐQT độc lập đã có đơn từ nhiệm khỏi HĐQT Eximbank vì lý do cá nhân.


Bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại được bầu vào HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025 của Eximbank tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 15/02/2022. Hai nhân sự này đại diện cho nhóm cổ đông của Tập đoàn Thành Công.

Ngày 14/01 vừa qua Eximbank cũng công bố danh sách 3 thành viên ứng cử bổ sung vào HĐQT đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận gồm bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng.

Thành viên ứng cử bổ sung vào HĐQT Eximbank

Bà Lê Thị Mai Loan và ông Phạm Quang Dũng ứng cử vào vị trí thành viên HĐQT và ông Trần Anh Thắng ứng cử vị trí thành viên HĐQT độc lập Eximbank.

Hé lộ danh sách nhân sự dự kiến bổ sung vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII

Giữ lại bất động sản số 242 Bình Thới, phường 10, quận 11, TPHCM

Theo tờ trình, Eximbank cho biết để có tài sản đầu tư và xây dựng trụ sở giao dịch Eximbank, năm 2012, HĐQT đã phê duyệt việc nhận chuyển nhượng quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất tại số 242 Bình Thới, phường 10, quận 11, TPHCM.

Diện tích khuôn viên đất là 7,205.4 m2, tổng diện tích sử dụng là 11,905.17 m2 gồm 4 tầng có tầng hầm.


Để tránh lãng phí trong việc sử dụng tài sản, đồng thời bảo quản và khai thác tài sản trong thời gian chờ triển khai đầu tư xây dựng dự án, từ tháng 10/2013, Eximbank giao cho Eximbank AMC quản lý khai thác thông qua việc một số doanh nghiệp thuê ngắn hạn nhằm mục đích kinh doanh và làm bãi đậu xe ô tô.

Kết luận thanh tra của Cục II, Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng TPHCM yêu cầu “HĐQT có phương án đầu tư cở sở vật chất đối với bất động sản tại số 242 Bình Thới và trình ĐHĐCĐ xem xét quyết định. Trong thời gian 1 năm kể từ ngày công bố kết luận thanh tra, nếu Eximbank không triển khai đầu tư cơ sở vật chất/xây dựng/sửa chữa làm trụ sở hoạt động đối với bất động sản số 242 Bình Thới, để đảm bảo ngân hàng hoạt động an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định của pháp luật, yêu cầu Eximbank tiến hành thanh lý bất động theo quy định.

Trong trường hợp giá thanh lý cao hơn giá mua, yêu cầu Eximbank nộp vào ngân sách Nhà nước số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi kinh doanh bất động sản theo quy định của Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Trong trường hợp giá thanh lý thấp hơn giá mua, yêu cầu Eximbank quy trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan để thu hồi phần thiệt hại này cho Eximbank”.

Triển khai thực hiện Kết luận thanh tra của Cục II, HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VI (2015 – 2020) đã phê duyệt phương án bán đấu giá tài sản tại số 242 Bình Thới.

Eximbank đã ký hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản với Trung tâm đấu giá tài sản TPHCM để thực hiện bán đấu giá tài sản nhưng qua 6 lần niêm yết không có khách hàng tham gia đấu giá nên việc bán đấu giá tài sản này đến nay chưa thực hiện được.

Hiện nay, nhu cầu sử dụng bất động sản của Eximbank để làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc, cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho hoạt động nghiệp vụ Ngân hàng là rất lớn, cấp thiết, việc tiếp tục tiến hành thanh lý bất động sản tại số 242 Bình THới sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của Eximbank.

Do đó, HĐQT trình ĐHĐCĐ giữ lại tài sản là bất động sản số 242 Bình Thới để triển khai việc đầu tư làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc.

Tranh chấp Hợp đồng thuê tại số 21 Kỳ Đồng và hạch toán giá trị còn lại của công trình vào chi phí năm 2022

Để có trụ sở hoạt động cho chi nhánh Eximbank, vào năm 2021, Eximbank đã ký Hợp đồng thuê quyền sử dụng đất tại số 21 Kỳ Đồng, phường 9, quận 3, THCM và tiến hành đầu tư xây dựng công trình tại địa chỉ này với thời hạn thuê 10 năm kể từ ngày 01/08/2011.

Eximbank đã đầu tư xây dựng công trình trụ sở Eximbank chi nhánh quận 3 với quy mô đầu tư xây dựng là 2 tầng hầm, trệt và 11 tầng lầu và tầng mái, tổng diện tích sàn là 2,877.71 m2, với tổng mức đầu tư hơn 126.4 tỷ đồng.

Công trình đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 02/2021. Giá trị quyết toán công trình là gần 115.4 tỷ đồng.

Thời gian khấu hao công trình là 50 năm. Giá trị còn lại của công trình tính đến tháng 5/2022 là 92.94 tỷ đồng.

Khi hết thời hạn thuê theo thỏa thuận ban đầu, do hai bên không thỏa thuận giải quyết được, bên cho thuê đã khởi kiện Eximbank ra Tòa án có thẩm quyền để đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định pháp luật.

Tại bản án phúc thẩm trước đó, Tòa án Nhân dân TPHCM đã quyết định: “Eximbank có nghĩa vụ thanh toán cho bên cho thuê tiền thuê tài sản tạm tính đến ngày 10/01/2022 là 5 tháng 8 ngày số tiền 1.31 tỷ đồng và phải tiếp tục thanh toán tiền thuê là 250 triệu đồng/tháng kể từ ngày 11/01/2022 cho dến khi bàn giao quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất cho bên cho thuê.

Chấm dứt việc thuê bất động sản đối với nhà đất tại số 21 Kỳ Đồng giữa bên cho thuê và bên thuê là Eximbank theo Hợp đồng thuê bất động sản ngày 31/05/2011.


Bên cho thuê có nghĩa vụ thanh toán cho Eximbank số tiền hơn 30.9 tỷ đồng chưa bao gồm thuế VAT . Sau khi giao đủ số tiền trên thì công trình xây dựng trên đất tại số 21 Kỳ Đồng thuộc quyền sở hữu của bên cho thuê.

Eximbank giao trả cho bên cho thuê toàn bộ quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại số 21 Kỳ Đồng”.

Ngoài số tiền bên cho thuê thanh toán lại cho Eximbank theo Bản án có hiệu lực của Tòa án Nhân dân TPHCM, phát sinh khoản chênh lệc giữa giá trị còn lại của công trình trên sổ sách của Eximbank với số tiền bên cho thuê chuyển trả cho Eximbank là hơn 55 tỷ đồng và Ngân hàng sẽ không thu hồi được số tiền này.

Do đó, để đảm bảo việc trình bày báo cáo tài chính đúng quy định và chuẩn mực kế toán, sau khi vụ việc đã giải quyết bằng Bản án phúc thẩm của Tóa án, khoản chênh lệch giữa giá trị còn lại của công trình trên sổ sách của Eximbank với số tiền bên cho thuê chuyển trả cho Eximbank là hơn 55 tỷ đồng phải được hạch toán vào khoản chi phí phát sinh năm 2022.

HĐQT trình ĐHĐCĐ chấp thuận đưa khoản chi phí đã được hạch toán là khoản tổn thất trong hoạt động Ngân hàng.

Cát Lam

Chia sẻ Facebook