Dệt may tăng tốc xuất khẩu
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trong tháng 8 đã đạt mốc 4 tỷ USD. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu dệt may đạt được con số này trong 1 tháng,...
Có thể nói đây là con số rất ấn tượng của ngành dệt may trước những biến động về thị trường, lạm phát trên thế giới khiến chững đơn hàng, nhu cầu chi tiêu giảm ở nhiều thị trường.
Những chiếc áo khoác sẵn sàng lên kệ tại Mỹ trong vài ngày tới. Từ quý 3 năm nay, các đơn đặt hàng sản phẩm may dệt thoi như: áo mùa đông, áo sơ mi, quần âu… đã tăng đến 15 - 20%. Đây cũng là mặt hàng sở trường của Tổng công ty may Tuyên Quang LGG, sau thời gian dài phải chuyển đổi sang các mặt hàng như áo phông, đồ ngủ mặc trong nhà.
"Trước kia 1 mặt hàng sẽ là sở trường của từng tổ may. Tuy nhiên do thị trường khó khăn, nhà máy sẽ cố gắng hoàn thiện xây dựng hệ thống chất lượng, đảm bảo sản phẩm dệt kim và dệt thoi nhà máy đều thích ứng là làm được", ông Nguyễn Văn Thư, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tổng công ty may Tuyên Quang LGG, cho biết.
Xuất khẩu dệt may trong 3 tháng trở lại đây đều tăng tốt, lập đỉnh liên tiếp và lần đầu tiên xuất khẩu đạt mốc 4 tỷ USD vào tháng 8.
Còn tính chung trong 8 tháng qua, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đã đạt hơn 26 tỷ USD, tăng hơn 24% so với cùng kỳ. Một số thị trường chủ lực của Việt Nam đều có mức tăng trên 20% là Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản…
"Quý 3 là một quý có nhiều hàng. Đặc biệt là các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, với các dòng áo khoác nên các doanh nghiệp dệt kim thiếu hàng vẫn nỗ lực xoay sang sản xuất các hàng áo khoác để đảm bảo mục tiêu kinh doanh trong quý 3", ông Lưu Tiến Chung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho hay.
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm nay có thể đạt từ 43 - 45 tỷ USD, tăng khoảng 10% so với năm 2021. Tuy nhiên hiện chuỗi cung ứng thay đổi nhanh, khó dự báo hơn để lên kế hoạch dài hạn từ 1 - 2 năm như trước. Vì vậy các nhà máy cần phải thích ứng, chuyển đổi mô hình sản xuất, tay nghề của người lao động, công nghệ thích ứng với mặt hàng mới thị trường mới.
Nhìn chung tính cả tháng 8, mức tăng kỷ lục về trị giá xuất khẩu điện thoại, máy tính, hàng dệt may, máy móc... đã góp phần vào kết quả xuất khẩu 8 tháng đạt trên 252 tỷ USD, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước.