Dệt may: EU nâng cao tiêu chuẩn hàng nhập từ thị trường Việt Nam
Là thị trường lớn thứ hai của Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) đang chuẩn bị áp dụng thêm nhiều quy định mới với sản phẩm dệt may, trong đó yêu cầu cao về nguồn gốc vật liệu sản xuất và các tiêu chuẩn về khí thải. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam giảm 16,7% so với cùng kỳ.
Theo ước tính của Bộ Công thương, lũy kế 7 tháng đầu năm 2023, giá trị xuất khẩu toàn ngành dệt may giảm 16,7% so với cùng kỳ, đạt mức 21,5 tỷ USD.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam cho biết xuất khẩu tất cả các mặt hàng của ngành đều giảm sâu, như: Hàng may mặc đạt 17,8 tỷ USD giảm 13,2%; vải đạt 1,37tỷ USD giảm 18%; xơ sợi đạt 2,5 tỷ USD giảm 20,7%; nguyên phụ liệu đạt 700 triệu giảm 17%, vải không dệt giảm 25%, theo báo Công thương.
Cho dù 2 tháng gần đây xuất khẩu của ngành có cải thiện, tỷ lệ giảm giá trị thấp dần. Trong đó, tháng 6 xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, 7 tháng giảm còn khoảng 14,7%, tháng 7 xuất khẩu đạt 4 tỷ USD.
Tuy nhiên, ông Cẩm cho rằng con số này chưa phản ánh đúng hiện trạng của doanh nghiệp. Bên cạnh thiếu đơn hàng đang là vấn đề nổi cộm, đơn giá cũng rất thấp. Doanh nghiệp phải nhận cả đơn hàng không phải thế mạnh để sản xuất, hậu quả năng suất thấp, không có hiệu quả.
Dệt may Việt Nam là ngành có 85% sản xuất dành cho xuất khẩu. Những biến động trên thị trường thế giới sẽ ngay lập tức ảnh hưởng. “Do đó, chúng tôi rất cần thông tin thị trường, chính sách thương mại, đối thủ cạnh tranh. Đặc biệt là những chính sách mới tại thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản… để ứng phó kịp thời”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.
Tại thị trường EU (giá trị xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam sau Mỹ), khối này đã đề ra chiến lược mới cho ngành dệt may bằng cách đưa ra các biện pháp pháp lý mới để tăng tính tuần hoàn, bao gồm các chỉ thị mới liên quan đến độ bền sản phẩm và quyền sửa chữa, ông Trần Ngọc Quân – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, báo Tin Tức đưa tin.
Hàng dệt may xuất khẩu vào EU phải hướng tới mục tiêu cuối cùng không phải chôn lấp mà là tái chế.
Do đó, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU lo ngại, khi EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) cũng như các quy định khác được áp dụng, điều đáng lo ngại là doanh nghiệp dệt may Việt Nam khó có thể xuất khẩu sản phẩm bằng chính thương hiệu của mình.
Nguyên nhân là do EU yêu cầu các thương hiệu phải xây dựng được chuỗi cửa hàng thu mua, sửa chữa sản phẩm. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam hiện chủ yếu gia công cho các nhãn hàng của EU, doanh nghiệp EU chịu trách nhiệm với các hoạt động liên quan đến EPR.
Trọng Minh
Riêng quý 2/2023, hơn 217.800 lao động Việt Nam mất việc làm Riêng quý 2/2023, đã có 217.800 người lao động mất việc, trong đó Bình Dương và TP.HCM có số người mất việc nhiều nhất cả nước.