Dệt may “ăn đong” đơn hàng

Chia sẻ Facebook
22/08/2022 13:06:52

Tình trạng ăn đong đơn hàng quay trở lại với các doanh nghiệp dệt may khiến họ phải ngay lập tức lên phương án sản xuất, tìm kiếm đơn hàng mới.


Theo số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất khẩu nửa đầu tháng 8 đạt 15,13 tỷ USD, giảm khoảng 7% tương đương 1,13 tỷ USD so với nửa cuối tháng 7 năm nay. Các mặt hàng vốn là thế mạnh của Việt Nam như gỗ và các sản phẩm từ gỗ, có doanh nghiệp doanh thu và đơn hàng sụt giảm đến 90%.


Dệt may cũng đối mặt với nhiều khó khăn về thị trường khi trong tháng 7, xuất khẩu xơ, sợi dệt các loại giảm 16,4%, còn hàng dệt và may mặc chỉ tăng 0,4%...


Cùng thời điểm này năm trước, những chiếc truyền treo sẽ kín đơn hàng để kịp tiến độ sản xuất xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu, nhưng năm nay, theo chia sẻ của doanh nghiệp, hiện tại họ mới chỉ có đơn hàng sơ mi đến hết tháng 10 và số lượng cũng chỉ đạt 70% năng lực sản xuất.

May hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ và châu Âu tại một công ty may xuất khẩu ở Hà Tĩnh. (Ảnh: TTXVN)


"Bắt đầu từ đầu quý 4 đang có dấu hiệu các khách hàng chững lại và có nguy cơ giảm lượng đặt hàng cho quý 4/2022. Một số khách hàng yêu cầu lùi thời gian giao hàng", ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10, cho biết.


Những biến động khó đoán định trên thế giới, các thị trường chính như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, cũng như lạm phát tại Mỹ và châu Âu tăng cao là 3 thách thức lớn với dệt may hiện nay. Ngay lập tức, các doanh nghiệp đã chủ động kế hoạch sản xuất trong bối cảnh "ăn đong".


"Newzealand và Australia, hai nước này cũng là thị trường công ty nhắm đến. Tuy nhiên trước đây khi chưa có hiệp định, xuất khẩu vào thị trường này giá của mình khó cạnh tranh nhưng khi RCEP có hiệu lực, mình cũng cần cân nhắc lại để mình quay trở lại tìm các đối tác, mở rộng thị trường", bà Nguyễn Thị Liên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Phong Phú, cho hay.

Cần nhiều hợp lực để xuất khẩu dệt may cán mốc 43 tỷ USD


Trong bối cảnh ngành xuất khẩu tỷ USD gặp khó, đại diện hiệp hội, các chuyên gia đã đề xuất các giải pháp cấp bách với doanh nghiệp và Chính phủ để không bị lỡ mục tiêu 43 tỷ USD.


"Sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua còn tương đối hạn chế và lỏng lẻo, do đó tôi mong muốn Chính phủ hãy là cánh tay kết nối cộng đồng doanh nghiệp với nhau để đây không chỉ là đối tác mà còn là bạn hàng liên kết hợp tác. Vì thông qua các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ tìm kiếm được bạn hàng, đối tác ở các nước mà các FDI đang đầu tư vào Việt Nam", ông Mạc Quốc Anh, Viện trưởng Viện Kinh tế và Phát triển Doanh nghiệp, cho hay.

"Đáp ứng đầy đủ nhu cầu về vốn liếng ngoại tệ cho các doanh nghiệp kịp thời. Thứ hai là giúp họ quản lý rủi ro. Các doanh nghiệp cũng cần đề xuất nhu cầu. Ví dụ rủi ro về tỷ giá, lãi suất, khâu thanh toán khi hiện nay đôi khi còn xảy ra cấm vận. Thứ ba là các doanh nghiệp nên có bảo hiểm xuất khẩu giống các nước phát triển", ông Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế Trưởng BIDV, nói.


"Cần nắm bắt thông tin thị trường, thị hiếu, nhu cầu, cơ hội về thuế quan, quy định về quy tắc xuất xứ để chúng ta có thể đáp ứng để tận dụng những cơ hội đó", bà Nguyễn Thị Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhận định.

Dù tình hình sản xuất, kinh doanh của các DN dệt may khá thuận lợi trong 7 tháng đầu năm, nhưng theo dự báo, những tháng cuối năm, toàn ngành sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ Facebook