Đeo tai nghe 24/7: Thoải mái khi không phải quan tâm đến người khác
Ngày càng nhiều những chàng trai cô gái đi đâu, làm gì cũng đeo tai nghe không rời. Dù vô tình hay cố ý, thói quen này đã tạo ra bức tường vô hình ngăn cách họ với mọi thứ xung quanh.
Trong thời đại công nghệ phát triển, tai nghe đã trở thành vật bất ly thân đối với rất nhiều người. Từ tuyến đường phố, bến xe, quán cà phê, siêu thị hay trong thang máy,... đâu đâu ta cũng có thể bắt gặp hình ảnh các chàng trai cô gái đeo tai nghe và đắm chìm trong thế giới riêng của mình. Đối với nhiều người, đây là thói quen nhưng trong một số trường hợp, hành động này chính là cách để họ thể hiện sự từ chối quan tâm đến vạn vật xung quanh.
Sở thích gắn bó 24/7
Với những ai không thể sống thiếu âm nhạc thì tai nghe đích thị là người bạn thân gắn bó từ ngày đến đêm. Từ khi ở nhà, họ đã bật playlist nhạc yêu thích trước khi chuẩn bị ra đường hòa vào dòng người bắt đầu một ngày mới. Nghe thì hơi ngang ngược nhưng sự thật là có nhạc họ mới tập trung làm việc được. Cứ thế cả ngày dài, nếu không cần giao tiếp với ai thì họ sẽ đeo tai nghe không rời để tự xây một không gian cho riêng mình.
Hoặc không phải lúc nào cũng là âm nhạc, nhiều người lại có sở thích nghe podcast (những tệp âm thanh kỹ thuật số có sẵn trên internet để người dùng tải về nghe trên nhiều thiết bị khác nhau). Chỉ với 1 đôi tai nghe và 1 chiếc điện thoại, họ có thể tự “phiêu” theo những chủ đề họ quan tâm một cách tập trung nhất, hoặc có người chỉ đơn giản là phát podcast chỉ để có tiếng người nói bên cạnh.
“Trốn” thế giới xung quanh
Song, vì đôi tai là một trong những bộ phận quan trọng để con người giao tiếp và kết nối với nhau nên việc đeo tai nghe chẳng khác gì đang đóng cánh cửa thông đến thế giới xung quanh. Thậm chí ngay cả khi không nghe gì, nhiều người vẫn đeo tai nghe như một cách "ngụy trang" rằng mình đang bận rộn, không có nhu cầu tiếp chuyện với người khác.
" Có nhiều ngày đi làm mà mình căng thẳng, mệt mỏi nên chẳng muốn nói chuyện với ai cả. Ngồi ở không gian chung mà không hòa vào cuộc trò chuyện của đồng nghiệp thì cũng kỳ, nên mình lại vờ như đang nghe nhạc với âm lượng lớn để tránh phải tương tác với người khác. Mọi người thấy mình như vậy cũng chẳng hỏi gì đến mình luôn ", Thanh Long (25 tuổi, ở Phú Thọ) chia sẻ.
Cùng chung hoàn cảnh, Minh Hạnh (23 tuổi, ở Hà Nội) giãi bày: " Nhiều lúc mình biết đeo tai nghe nhiều có hại cho tai nhưng nó như kiểu thói quen khó bỏ vậy. Một phần là vì mình cần phải nghe nhạc cho đầu đỡ trống rỗng, phần khác là không muốn phải quan tâm đến mọi người xung quanh ".
Rõ ràng, khi thấy một người đeo tai nghe, ta sẽ có cảm giác người đó không để ý đến mình nên rất ngại hỏi chuyện họ. Thực tế, một số người cảm thấy không thoải mái trong các tình huống giao tiếp xã hội hoặc không muốn bất đắc dĩ phải dây dưa đến những người lạ, nên đeo tai nghe là cách để họ tạo ra một bức tường vô hình ngăn cách với thế giới xung quanh. Họ không hề có ý xấu, đó chỉ là một phần trong tính cách mà thôi.
Minh Hạnh nói thêm: "Mình khá hướng nội nên rất ngại giao tiếp. Ngày thường không tránh được việc va chạm, tiếp xúc với người lạ, nhưng khi đeo tai nghe thì mình có thể giả vờ ngó lơ những gì đang diễn ra xung quanh. Bản thân mình thấy thoải mái khi không cần quan tâm đến người khác. À điều này không có nghĩa là mình mặc kệ mọi người nhé, nếu ai gặp rắc rối mà cần giúp thì mình vẫn giúp thôi ".
Cân bằng giữa thế giới riêng và "thế giới chung"
Mỗi người một tính cách, thói quen cũng như sở thích khác nhau, nên việc ai đó luôn kè kè đôi tai nghe 24/7 là điều rất bình thường, thậm chí là phổ biến trong cuộc sống ngày nay. Việc họ vô tình hay cố ý vạch ra ranh giới với thế giới xung quanh cũng là điều có thể hiểu được và nên được tôn trọng.
Tuy nhiên, nếu bạn cũng là tuýp người như vậy thì nên để ý rằng không phải lúc nào cũng sống trong thế giới riêng được. Tùy trường hợp mà bạn nên mở lòng giao tiếp với mọi người, đặc biệt là trong những khoảnh khắc cùng người thân, bạn bè hay trong công việc. Luôn đeo tai nghe đôi khi sẽ khiến người đối diện khó chịu và cảm thấy thiếu được tôn trọng, bản thân bạn cũng mất đi sự kết nối với mọi người.
Mặt khác, đeo tai nghe liên tục cũng sẽ gây tổn thương cho tai, nhất là khi nghe với âm lượng quá cao sẽ ảnh hưởng xấu đến thính giác. Bên cạnh đó, đeo tai nghe cũng sẽ khiến bạn mất tập trung, làm giảm hiệu suất công việc, học tập hoặc gây nguy hiểm khi tham gia giao thông.
Tóm lại, quan trọng nhất vẫn là cần phải cân bằng giữa việc sống trong thế giới riêng và thế giới chung. Không ai phê phán bạn không quan tâm đến thế giới xung quanh nhưng cũng sẽ thật tuyết nếu bạn gỡ tai nghe ra để kết nối với thế giới xung quanh, trò chuyện với mọi người.
Quan điểm của bạn về vấn đề này như thế nào, hãy để lại bình luận phía bên dưới nhé. Và đừng quên cùng yan.vn cập nhật thêm những tin tức hấp dẫn về đời sống và xã hội!
Việc đeo tai nghe để tránh giao tiếp với người khác, tận hưởng không gian riêng của mình là điều hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng đeo tai nghe 24/7 và thu mình trong thế giới riêng có thể ảnh hưởng đến khả năng xây dựng mối quan hệ, giao tiếp và kỹ năng xã hội của bạn.
Vậy nên hãy cố gắng đừng quá phụ thuộc vào tai nghe, thay vào đó bạn có thể tìm tiếp xúc với nhừng người xung quanh để gia tăng vòng quan hệ cũng như thêm màu cho cuộc sống.
Xem thêm những bài viết tương tự TẠI ĐÂY