"Đẽo cày giữa đường" như Gen Z: Chuyện gì cũng phải nhờ MXH tư vấn

Chia sẻ Facebook
14/06/2023 15:12:02

Mạng xã hội phát triển, đây không chỉ là nơi cung cấp thông tin nhanh chóng mà còn trở thành địa điểm tư vấn nhiều người tìm đến, điển hình là giới trẻ. Nhiều Gen Z gặp bất cứ khó khăn gì cũng đều lên mạng nhờ người giúp đỡ.


- "Mọi người cho em xin lời khuyên nên tiếp tục làm hay nghỉ việc..."


- "Em đang phân vân chọn giữa công ty A và công ty B..."


- "Có anh chị nào làm ở lĩnh vực A cho em xin lời khuyên, em không thể quyết định..."


- "Chuyện tình cảm của em dạo này không được tốt, nhờ mọi người tư vấn giúp..."

Mạng xã hội ngày càng phát triển, đây không chỉ là nơi tin tức được cập nhật nhanh chóng mà còn là địa điểm tư vấn hàng đầu được nhiều người tìm đến, điển hình là các bạn trẻ. Gen Z vui buồn, khó khăn đều chọn phương án lên mạng xin tư vấn là một trong các biện pháp giúp giải quyết vấn đề. Hàng loạt các hội nhóm, cộng đồng chia sẻ, tâm sự ra đời cũng từ đây.

Nhiều Gen Z lên mạng xã hội nhờ tư vấn khi gặp khó khăn.


"Tổ tư vấn" mạng hoạt động ngày đêm

Nếu thế hệ trước gặp khó khăn chỉ có thể tự mình suy nghĩ cách giải quyết, cần lời khuyên có thể tìm đến người thân, bạn bè, thì Gen Z lại hoàn toàn khác biệt. Internet phát triển vượt bậc, ai cũng có cho mình ít nhất một tài khoản mạng xã hội, có khó khăn, điều gì trăn trở người trẻ sẽ nghĩ ngay tới việc lên mạng nhờ tư vấn. Chỉ cần tìm một hội nhóm phù hợp, đăng tải vấn đề mình đang gặp phải, ngay lập tức chỉ trong thời gian ngắn sẽ có hàng trăm, thậm chí cả ngàn lời khuyên từ các "chuyên gia" sau màn hình đưa ra cho bạn.

"Tổ tư vấn mạng" hoạt động 24/24.


Thảo Chi (20 tuổi) cũng là một Gen Z điển hình thường xuyên lên mạng nhờ tư vấn. Cô nàng cho hay: "Mình tham gia rất nhiều hội nhóm trên Facebook, từ công việc cho đến tâm lý, tình cảm đều có đủ các group như Cột Sống Gen Z , Yêu Là Cưới ,... Gặp chuyện khó nghĩ lên đó đăng bài, mỗi người cho mình một lời khuyên. Chọn lọc các ý kiến mình có thể dễ dàng đưa ra quyết định hơn."

Gen Z mong muốn nhận khuyên từ những người có kinh nghiệm hơn mình.

Nếu dạo một vòng các hội nhóm lớn trên mạng xã hội bạn có thể thấy mỗi ngày có đến hàng chục bài viết được đăng tải, người xin ý kiến, lời khuyên, người kể chuyện giãi bày tâm sự. Gen Z xem đây là nơi trút bầu tâm sự, một hình thức giải tỏa những áp lực căng thẳng mà họ gặp phải. Phỏng vấn nhiều nơi mà vẫn trượt, công ty nhiều việc mà lương lại thấp, chị đồng nghiệp khó tính, mệt mỏi vì thường xuyên phải tăng ca, bạn trai, bạn gái không tâm lý... vấn đề gì các bạn trẻ cũng có thể đem lên mạng xã hội để bàn luận.


9 người 10 ý, không khéo "đẽo cày giữa đường"

Tìm đến sự tư vấn, hỗ trợ từ người khác là chuyện tốt. Khi chúng ta quá bế tắc với vấn đề của mình, những lời khuyên từ người ngoài cuộc đôi khi lại khách quan và bổ ích. Thế nhưng, mỗi người một ý kiến nhiều lúc lại tạo nên "phản ứng ngược", vấn đề đang rối lại càng trở nên rối hơn.

Một vấn đề được đưa ra sẽ có rất nhiều bình luận xung quanh. (Ảnh minh họa: Pinterest)


Gia Huy, một độc giả của YAN chia sẻ rằng bản thân đã từng gặp rắc rối khi lên mạng nhờ mọi người tư vấn: "Thời điểm đó, mình gặp vấn đề trong công việc ở công ty cũ và có mong muốn nghỉ việc qua làm ở công ty mới. Khi đăng bài lên một hội nhóm nhanh chóng có hàng trăm bình luận. Mình đọc hết, có người khuyên hợp tình hợp lý những cũng có người mỉa mai, chê bai mình 'đứng núi này trông núi nọ', mới ra trường chưa lâu mà đòi hỏi công ty, lương phải thế này thế kia,... Đang buồn mà đọc thêm nhiều bình luận càng buồn, hoang mang thêm".

Nhiều lời khuyên cũng có thể khiến cho bạn bị "bội thực".


Không ít bạn trẻ giải quyết vấn đề phụ thuộc vào những lời khuyên trên mạng. Có Gen Z đang gặp vấn đề tình cảm, giận dỗi người yêu cũng lên mạng xin tư vấn. Mỗi người cho một lời khuyên cũng chẳng biết nghe ai. Có cô nàng đang giận bạn trai, lên Facebook giãi bày mà ai cũng khuyên "thôi chia tay đi em" , thế mà chia tay thật. Lại có bạn trẻ đỗ phỏng vấn, trước khi đi làm lên mạng xin "review công ty". Khen tốt thì phấn khởi mà có bình luận chê bai ngay lập tức lung lay, có khi chẳng đến nhận việc, cứ thế mất đi một cơ hội mà bản thân chưa trực tiếp trải nghiệm.

Mọi vấn đề đều có thể lên mạng xin tư vấn.


Giống như câu chuyện Đẽo cày giữa đường, bác nông dân muốn làm một cái cày thật tốt để phụ giúp công việc đồng áng năng suất và đỡ vất vả. Sau khi xin được một cây gỗ tốt nhưng bác chưa làm cày bao giờ nên quyết mang khúc gỗ ra ven đường ngồi đẽo và hỏi ý kiến mọi người. Mỗi người đi qua lại cho một ý kiến, cuối cùng hết ngày hôm đấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ, bác chẳng còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa.

Xin tư vấn là tốt nhưng cần chọn lọc, không phải cái gì cũng nghe theo.

Khi chúng ta đi xin sự tư vấn của nhiều người, ta cũng cần chọn lọc và chỉ xem đó như một sự tham khảo. Làm bất cứ điều gì cũng cần có chính kiến và kiên trì với con đường đã chọn. Chỉ bản thân chúng ta mới hiểu rõ được vấn đề mà mình gặp phải và cũng chỉ ta mới có những quyết định chuẩn xác nhất.

Còn bạn, mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, bạn thường giải quyết chúng như thế nào? Hãy chia sẻ với chúng tôi nhé!

Mạng xã hội phát triển tạo nên một mạng lưới kết nối. Tại đó, con người có thể dễ dàng trao đổi ý kiến với nhau. Gen Z cũng từ đây mà tận dụng để xin tư vấn, tham khảo kinh nghiệm của mọi người để giải quyết trường hợp của mình. Thế nhưng, mỗi lời khuyên đều mang tính chất tham khảo, không nên quá phụ thuộc vào những ý kiến trên mạng. Chỉ chúng ta mới hiểu rõ vấn đề mình đang gặp phải.


Cùng cập nhật những tin tức khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook