Đến thăm lớp học có "1-0-2" giữa lòng Hà Nội, nơi các bà giáo già truyền lửa đam mê nghề truyền thống cho trẻ em
Làng nghề thêu ren Tây Mỗ vốn nổi tiếng từ thời Pháp thuộc, nhưng theo thời gian, chịu ảnh hưởng của những thay đổi về công nghệ và xu thế chạy theo thị trường nên đang có nguy cơ biến mất.
Chúng tôi thăm lớp học có "một không hai" tại làng Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) do một số tình nguyện viên thông qua fanpage của làng, tổ chức dạy thêu ren miễn phí cho các em học sinh nhỏ tuổi.
Điểm đặc biệt, tại đây kêu gọi được các bà lớn tuổi từng là những nghệ nhân tay nghề giỏi điêu luyện trong lĩnh vực thêu ren từ thời Pháp thuộc, tham gia vào lớp dạy.
Các mẹ được coi là những nhân chứng sống đang thực hành lại tất cả các thao tác thêu thùa và các đường nét rất tinh xảo truyền lại cho các bé nhỏ.
Chị Đỗ Thanh Hương – thành viên sáng lập lớp học miễn phí cho trẻ chia sẻ, làng Tây Mỗ có nghề thêu vẫn còn các bà từ thời chống Pháp. Khi biết hiện nay chỉ còn số ít các bà trong tổ thêu đang hoạt động nên chị Hương cùng các thành viên trong ban quản trị xây dựng chương trình giao lưu tổ thêu.
"Mong muốn của chúng tôi được gặp gỡ trao đổi nghề thêu, nhiều hơn nữa là nghề thêu của làng Tây Mỗ được khôi phục lại và phát triển" -
"Cô năm nay hơn 60 tuổi, lớp học như ký ức của cách đây mấy chục năm, bố mẹ dạy cô thêu, từ lúc chưa lấy chồng. Thời ấy cô khoảng 17 tuổi, ngày nào cũng tham gia tổ thêu vui lắm, toàn là gái chưa chồng. Có những đêm các cô còn tập trung trông khung thêu cả đêm ấy. Tổ chức lại cho các cháu nhỏ lớp học, cô rất vui, ngày nào cô cũng sẵn sàng tham gia dạy cho các cháu",
Trong lớp học hôm nay đa số là các bé gái, mới buổi học thứ 2 nhưng những đường chỉ và nốt kim đã rất mềm mại, sắc nét.
"Con rất vui và hào hứng, con rất muốn học thêu, rất dễ học vì đây là nghề truyền thống của làng và con muốn tiếp bước các bà học nghề này.".
Anh Trần Văn Long, người địa phương chia sẻ, sinh ra và lớn lên ở làng dù đã 40 tuổi nhưng anh không thể quên thời thơ ấu đi ra đường, khắp các con ngõ đều gặp người lớn tay xách khung thêu, tay kia ôm những bó chỉ. Sản phẩm dù phác họa bất cứ hình ảnh nào cũng hoàn toàn được được "dệt" bằng những đôi tay của con người.
"Bây giờ máy móc hiện đại, cái lợi trước mắt là sản phẩm hoàn thiện nhanh, nhưng chắc chắn không thể có hồn và cũng không thể sắc nét bằng thêu tay. Bởi vì các điểm chỉ rất tinh vi phải được thêu từ cái kim và ý muốn của nghệ nhân. Trong khi đó, sản phẩm làm ra từ đôi tay chắc chắn sẽ có giá trị hơn",
"Tây Mỗ có nhiều địa điểm nổi tiếng như đền Am rất là đẹp hay như đình làng Tây Mỗ. Chúng tôi ngồi đình Tây Mỗ thêu rồi, nếu bây giờ được dựng lại kết hợp với du lịch làng nghề thì rất là tốt."
"Từ thời Pháp thuộc chúng tôi đã có nghề này rồi, khi Pháp thuộc rút đi thì nghề thêu ren không còn nữa, năm 1960 hợp tác xã thành lập tổ thêu ren này. Sau một vài năm công nghệ cao lên, sản phẩm không được xuất khẩu nữa, từ đó nghề cũng bị mất đi. Tổ thêu của chúng tôi vẫn duy trì hằng năm gặp nhau thường xuyên để ôn lại nghề".
Những người từng một thời thơ ấu sống bằng nghề thêu ren mong muốn các ban ngành quan tâm bảo tồn làng nghề truyền thống.
Hơn thế nữa, họ mong Tây Mỗ là điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch, khách không chỉ mua các sản phẩm từ tay họ làm ra, mà sẽ trực tiếp chứng kiến các đôi tay mềm dẻo tài hoa của các nghệ nhân đang tạo ra các sản phẩm đẹp đến khó tả.
Theo Minh Ngọc
Trí Thức Trẻ