'Đen' hơn cả Mark Zuckerberg, Elon Musk trở thành tỷ phú mất nhiều tiền nhất năm, có ngày 'bay' tới 8,6 tỷ USD
Chỉ sau 1 năm, tài sản Elon Musk mất tổng cộng 100,5 tỷ USD, nhiều hơn bất kỳ ai trong giới tỷ phú, sau khi đạt đỉnh 340 tỷ USD hồi năm 2021, theo Bloomberg.
Tesla, công ty đóng góp phần lớn vào tài sản của Elon Musk đang phải vật lộn với các lệnh hạn chế liên quan đến dịch COVID-19 tại Trung Quốc - thị trường lớn nhất của hãng bên ngoài nước Mỹ. Công ty có trụ sở tại Austin, Texas mới đây còn thông báo thu hồi hơn 300.000 mẫu xe do lỗi đèn hậu, đồng thời đối mặt với những khó khăn trong chuỗi cung ứng và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Mới đây nhất, vụ việc xe Tesla đâm chết người trên sắp được đưa ra xét xử tại Hàn Quốc cũng một lần nữa dấy lên câu hỏi lớn về tính an toàn của Tesla trong bối cảnh hãng này đang đối mặt với một loạt vụ kiện và bị các cơ quan quản lý siết chặt giám sát.
“Tesla chưa cung cấp cụ thể các dữ liệu chẩn đoán. Mọi biện pháp kiểm tra an toàn chỉ được thực hiện bằng mắt thường. Đây là phương pháp kiểm tra rất lạc hậu, đặc biệt khi ta biết về những sáng chế mà Tesla sở hữu”, ông Park Sang-hyuk, Nghị sĩ Hàn Quốc, nói.
Cổ phiếu hãng xe điện này đã giảm 6,8% xuống còn 167,87 USD/cổ phiếu trong phiên giao dịch vừa qua, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2020. Như vậy trong năm nay, cổ phiếu Tesla bốc hơi 52% giá trị, lớn hơn nhiều so với mức giảm 29% của Chỉ số Nasdaq 100 thiên về công nghệ.
Trong báo cáo thu nhập hàng quý được công bố hôm 19/10, doanh thu Tesla chỉ ở dưới mức kỳ vọng của giới phân tích, đạt 21,45 tỷ USD, thấp hơn ước tính 21,96 tỷ USD của các chuyên gia kinh tế.
Nguyên nhân một phần đến từ tình trạng lạm phát dai dẳng sau quyết định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed): mạnh tay tăng lãi suất. Điều này bào mòn sức hút của các tài sản rủi ro, trong đó có những cổ phiếu tăng trưởng mạnh. Trước đó, nhiều cổ phiếu công nghệ đã đi lên thần tốc trong thời kỳ đại dịch, khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế chống chịu với dịch bệnh.
“Musk bán những chiếc xe đắt đỏ. Vì vậy, một cuộc suy thoái kinh tế không phải tin tốt”, Forbes dẫn lời ông Matt Maley, Giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak + Co, cho biết.
Musk, 51 tuổi, hiện đang dồn sự chú ý về Twitter, nền tảng mạng xã hội ông mua lại vào tháng trước với giá 44 tỷ USD. Công ty này đã mất khoảng 60% lực lượng lao động kể từ khi Musk tiếp quản, sau khi đợt sa thải mới nhất diễn ra vào Chủ nhật. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra, rằng liệu vị tỷ phú này có đang dàn trải quá mức cho các dự án kinh doanh nổi tiếng của mình.
Theo Bloomberg, sự phụ thuộc của Tesla vào Musk được xem là một trong những yếu tố rủi ro đối với hãng, nhấn mạnh rằng “dù Musk dành thời gian đáng kể cho Tesla và rất tích cực trong công việc quản lý, song lại không thực sự quan tâm hãng xe điện này”.
Trước đó, quyết định mua Twitter được giới chuyên gia đánh giá là ý tưởng tồi tệ nhất mà Musk từng có. Người dùng bất mãn sẽ tẩy chay và công khai bỏ rác các dự án khác của ông, bao gồm cả Tesla và SpaceX. Thậm chí, nhiều người còn đưa ra kết luận đanh thép rằng không thể tồn tại bất kỳ kịch bản nào Elon Musk thành công với cả Twitter, Tesla và cả SpaceX.
“Không thể để một CEO điều hành 4 hoặc 5 công ty và cho hiệu quả như nhau. Đó không phải là kỳ vọng mà chúng ta nên có”, David Yoffie, giáo sư tại Harvard, người đã nghiên cứu về Musk và các doanh nghiệp phát biểu về Musk.
Musk sau đó bắt đầu được so sánh với ông vua xe hơi Henry Ford - người có công giúp nước Mỹ xóa sổ xe ngựa và dần chuyển sang kỷ nguyên ô tô. Đây không phải một lời khen, bởi nếu Musk tiếp tục sa đà vào vào những thứ nhỏ nhặt, thì Tesla, công ty giúp Musk làm nên tên tuổi, sẽ sớm mất ngôi vương giống như Ford Motor Company những năm 1920.
Theo: Bloomberg
Vũ Anh