Đến hẹn lại lên, NATO trăn trở tìm “lời hứa” mới về tư cách thành viên cho Ukraine

Chia sẻ Facebook
24/06/2024 05:57:44

Ngoại trưởng Mỹ không tạo thêm hy vọng nào cho nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky, người vẫn muốn một “con đường tắt” cho đất nước ông vào NATO.


Các thành viên liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương đang tìm cách xây dựng một điều gì đó nhiều hơn là một gói hỗ trợ chính trị cho Ukraine và có thể đưa điều này ra tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington DC vào tháng 7.


Tuy nhiên, một lời mời chính thức trở thành thành viên NATO vẫn khó có thể xảy ra khi các thành viên bị chia rẽ về thời điểm Kiev có thể gia nhập. Ngôn ngữ được sử dụng vẫn là “khi đến thời điểm thích hợp”.


“Tại Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 7, chúng tôi sẽ tiếp tục đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO… để khi đến thời điểm thích hợp, Ukraine có thể tham gia không chậm trễ”, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết vào đầu tuần trước.


Tại Washington, ông Stoltenberg đã gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Anthony Blinken trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh NATO ngày 9-11/7, nơi các thành viên liên minh dự kiến sẽ công bố mục tiêu của họ là gói hỗ trợ sâu rộng cho Ukraine.


Gói này có thể bao gồm một nguồn tài chính đáng kể, dưới hình thức một cam kết chính trị nhằm duy trì khoản hỗ trợ quân sự trị giá 40 tỷ Euro hàng năm hiện nay và củng cố cơ chế điều phối của tất cả các hoạt động cung cấp viện trợ và đào tạo của phương Tây, cả hai đều liên quan đến một “lời hứa” mới về tư cách thành viên.

Đến hẹn lại lên, Ukraine và tư cách thành viên của nước này vẫn sẽ là vấn đề đau đầu tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Washington DC vào tháng 7/2024. Ảnh: CEPA


“Lời hứa” về tư cách thành viên vẫn là một vấn đề nhạy cảm, đặc biệt khi Ukraine vẫn đang chờ phản hồi về đơn xin gia nhập mà nước này đã nộp gần 2 năm trước.


Năm ngoái, khi các nhà lãnh đạo NATO tập trung tại thủ đô Vilnius của Litva, họ chỉ đưa ra một tín hiệu mơ hồ cho Kiev, yêu cầu tư cách thành viên nghĩa là phải chấm dứt chiến sự và đạt được tiến bộ trong cải cách nội bộ, điều mà NATO đang theo dõi.


Năm nay, đến hẹn lại lên, thông cáo chung của Hội nghị Thượng đỉnh NATO một lần nữa rất có thể sẽ loại bỏ bất kỳ hình thức “lời mời” nào, trong khi đây là bước chính thức đầu tiên mở đường để bất kỳ quốc gia nào gia nhập liên minh quân sự, theo các nhà ngoại giao NATO.


“Một số đồng minh NATO muốn có một ngôn ngữ hướng tới tương lai, điều đó sẽ đòi hỏi lời mời trở thành thành viên, trong khi một số khác lại không hào hứng với ý tưởng về lời mời”, một nhà ngoại giao NATO cho biết, lặp lại tình thế tiến thoái lưỡng nan tương tự diễn ra trước Hội nghị Thượng đỉnh năm ngoái.


Mỹ cùng với Đức vẫn nằm trong số các thành viên NATO bất đắc dĩ nhất trong việc đưa ra lời mời Ukraine sớm gia nhập liên minh quân sự.


“Ngôn ngữ sẽ không lặp lại như năm ngoái ở Vilnius mà tiến xa hơn một chút”, một nhà ngoại giao NATO khác tiết lộ với cổng thông tin EurActiv.


“Thứ nhất là khái niệm về cầu nối để trở thành thành viên, rằng toàn bộ gói hỗ trợ, sứ mệnh và mọi thứ chúng tôi cam kết là cầu nối để Kiev trở thành thành viên”, vị này nói. “Yếu tố thứ hai sẽ là quan điểm cho rằng lộ trình hướng tới tư cách thành viên của Ukraine là không thể đảo ngược”.


Phát biểu tại Washington tuần qua, Ngoại trưởng Mỹ Blinken cho biết: “Chúng tôi đang thể hiện sự ủng hộ lâu dài của mình đối với Ukraine và tạo cầu nối vững chắc để Ukraine trở thành thành viên liên minh”.


Nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ không tạo thêm hy vọng nào cho nhà lãnh đạo Ukraine Volodymyr Zelensky, người vẫn muốn một “con đường tắt” cho đất nước ông trở thành thành viên đầy đủ của liên minh này. Thay vào đó, ông Blinken tập trung vào các bước giúp Kiev sẵn sàng gia nhập liên minh “càng sớm càng tốt”, sau khi xung đột Nga -Ukraine kết thúc.


Một số nhà ngoại giao NATO lạc quan rằng sự đồng thuận đang được hình thành xung quanh ngôn ngữ này, và ông Stoltenberg cũng vậy. Người đứng đầu NATO cho biết: “Tôi chắc chắn rằng chúng tôi cũng có ngôn ngữ bày tỏ rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh”.


Tuy nhiên, trên thực tế, ngôn ngữ về “cầu nối” và “không thể đảo ngược” vẫn sẽ không vượt quá khái niệm “con đường trở thành thành viên” đã được hứa hẹn.


Minh Đức (Theo EurActiv)

Chia sẻ Facebook