Đến Đài Loan nhưng không uống trà sữa là phí cả cuộc đời!
Đài Loan (Trung Quốc) nổi tiếng với biệt danh vùng đất của trà sữa. Hương vị trà sữa Đài Loan nổi tiếng khắp thế giới.
Cụm từ "Taiwanese milk tea" (trà sữa Đài Loan ) trên Google cho ra hơn 10,3 triệu kết quả. Nếu Việt Nam có cà phê, Ấn Độ có trà chai thì thức uống quốc dân của vùng lãnh thổ Đài Loan là trà sữa. Đối với khách du lịch, trà sữa là thứ đặc sản nhất định phải thử khi đến thăm nơi này.
Trà sữa Đài Loan, còn được gọi là trà sữa trân châu hay boba tea, xuất hiện ở Đài Loan vào khoảng những năm 80 của thế kỷ trước. Sơ nguyên của nó xuất phát từ những quán trà nhỏ. Các quán này nằm cạnh trường tiểu học và trở thành thức uống quen thuộc của giới học sinh.
Thời điểm trước dịch, Đài Loan là điểm đến quen thuộc của khách du lịch Việt Nam. Trong năm 2019, vùng lãnh thổ đón gần 800.000 khách Việt đến thăm. Ảnh: Dy Khoa.
Chính sách thị thực du lịch cho khách Việt Nam được vùng lãnh thổ nới lỏng. Có thời điểm, người sở hữu visa các nước phát triển đã có thể đến Đài Loan. Ảnh: Dy Khoa.
Đến nay, trà sữa Đài Loan đã xuất hiện gần như khắp thế giới. Các thương hiệu trà sữa đình đám của vùng lãnh thổ chiếm lĩnh thị trường trà sữa trân châu từ Đông Nam Á, Nam Á, Châu Âu, Châu Đại Dương, Bắc Mỹ... Trong một báo cáo triển vọng kinh doanh, thị trường trà sữa Đài Loan được đánh giá rất tốt. Năm 2019, thị trường này có giá trị 2,4 tỷ USD. Đến năm 2027 có thể vươn lên 4,3 tỷ USD và hơn thế. Kỳ vọng tăng trưởng mỗi năm là 7,8-8,9%.
Theo một thống kê không đầy đủ, Đài Loan hiện có khoảng 20.000 quán boba tea. Lãnh thổ này rộng hơn 36.000 km2. Điều đó đồng nghĩa cứ ra đường là thấy quán trà sữa, hít không khí cũng ngửi được mùi trà sữa. Mật độ quán còn dày đặc hơn ở các thành phố đô thị chính như Đài Bắc, Đài Trung, Đài Nam, Cao Hùng. Kéo theo đó, lực lượng lao động trong chuỗi cung ứng liên quan đến trà sữa cũng đông đảo, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành nghề.
Ngược về lịch sử một chút, boba tea được "phát minh" ở Đài Trung tại cửa hàng Chen Shui Tan, người chủ mang tên Liu Han-chien. Ông Liu Han-chien ban đầu bán trà oolong thu hoạch từ núi cao. Liu muốn thay đổi cách người ta uống trà và thế là ông đã biến hóa. Người lớn thì cho rằng đó là thức uống kỳ dị nhưng lại đạt được sự yêu thích của giới trẻ. Cứ như vậy, trà sữa trân châu tiếp tục phát triển đến kinh ngạc, trở thành phương cách kiếm tiền tỷ đô cho các ông chủ sở hữu thương hiệu lớn.
Tại Mỹ, giá nhượng quyền thương hiệu một cửa hàng boba tea vào khoảng 75.000 đến 500.000 USD. Ở Việt Nam, giá nhượng quyền tùy thuộc vào nhiều yếu tố như vị trí quán, khu vực, kiểu loại cửa hàng, dao động từ 800 triệu đồng đến hai tỷ đồng - số liệu dẫn theo website của một thương hiệu trà sữa nổi tiếng đang có mặt tại thị trường trong nước.
Đến Đài Loan uống trà sữa ở đâu?
Nói dông dài nãy giờ, giờ đã đến phần quan trọng cho các tín đồ trà sữa rồi đây. Dưới đây là các quán trà sữa Đài Loan nên thử khi du lịch đến vùng lãnh thổ. Những gợi ý này dựa trên trải nghiệm của người viết, có sự tư vấn của người dân địa phương. Tuy nhiên, vì số lượng quán trà sữa ở Đài Loan rất lớn nên chúng tôi khuyến khích khách du lịch nên thử nhiều hơn để có trải nghiệm của riêng mình.
Đầu tiên chắc chắn phải kể đến "ông tổ" trà sữa trân châu Chun Shui Tang . Chun Shui Tang hiệu trà sữa nổi tiếng, lần đầu tiên mở cửa vào năm 1983. Hàng trà này ở đường Zhongzheng, cách tòa nhà văn phòng chính quyền lãnh thổ ("Presidential Office Building") chưa đầy một km. Chun Shui Tang sở hữu vị trà trân châu ngọt ngào, đậm đà với hương vị truyền thống. Theo truyền thông địa phương, danh trà tự hào những người pha trà đều là các "sư phụ" và chuyên gia được đào tạo nghiêm ngặt để cho chất lượng trà phục vụ tốt nhất. Bên cạnh sự nổi tiếng, Chun Shui Tang còn kéo thực khách quay lại bởi cung cách phục vụ nhanh chóng, thân thiện.
50 Lan có khoảng 50 cửa hàng tại thành phố Đài Bắc. Thương hiệu này phát triển từ những cửa hàng khiêm tốn, từ năm 1994. 50 Lan thu hút bởi màu sắc tươi mới, bắt mắt. Thương hiệu trà màu minion này có menu đa dạng, tạm chia thành 5 nhóm latte, trà sữa, trà thạch, trà nước trái cây và trà truyền thống.
Ten Ren's, Sharetea là các thương hiệu trà sữa Đài Loan đã được nhượng quyền về Việt Nam. Nếu đã thử nó ở Việt Nam thì bạn càng nên thử nó tại chính Đài Loan để cảm nhận xem có khác biệt gì hay không. Như tôi, dù Starbucks là thương hiệu toàn cầu nhưng ở mỗi quốc gia tôi đều thử nó. Quả thật vị có khác tại mỗi nơi đến. Ten Ren's thì nên chọn loại không đường để cảm nhận trọn vẹn mùi thơm và vị đặc trưng của thức uống.
Theo Dy Khoa
Nhịp Sống Kinh tế