Đến cả Gucci, Dior cũng mở nhà hàng, quán cafe: Giá cả đắt đỏ, mời toàn đầu bếp "bậc thầy" và luôn kín chỗ
Những năm trở lại đây, các thương hiệu thời trang cao cấp đang có xu hướng "lấn sân" trong lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, quán cafe sang chảnh và đặc biệt nhắm tới giới trẻ châu Á.
"Nở rộ" trào lưu mở nhà hàng, quán cafe
Tháng 6/2015, thương hiệu Dior mở một cửa hàng flagship lớn nhất tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ngoài bày bán trang phục và túi xách, lần này Dior còn dành hẳn tầng 6 dùng để triển lãm tranh và tầng thượng để mở quán cafe do đầu bếp bánh ngọt Pierre Hermé quản lý. Tháng 4/2017, Dior tiếp tục dùng chiến lược này để mở thêm một nhà hàng khác bên trong tòa Ginza SIX cao cấp tại Tokyo.
Mathieu Jutau, Giám đốc Truyền thông của quán cho hay: “Cafe Dior là sự kết hợp của hai thương hiệu bậc thầy. Chúng tôi muốn tạo điểm nhấn ở bữa trưa bởi khách hàng tới đây có thể đến thưởng thức các món mặn bên cạnh món tráng miệng và bánh ngọt tuyệt hảo cho giờ nghỉ trưa. Và chúng tôi còn nhiều lựa chọn khác bao gồm salad và croque-monsieur (một món bánh mì đặc biệt của Pháp) được đầu bếp Hermé phục vụ tại chỗ.”
Thượng Hải được Gucci chọn là thành phố để khai trương tổ hợp thời trang và ăn uống vào năm 2015, có tên là 1921Gucci. Còn tại Hàn Quốc, trên con phố Itaewon sôi động, nhà hàng Gucci Osteria do đầu bếp nhà hàng 3 sao Michelin nấu khiến nhiều thực khách vô cùng tò mò. Tuy mức giá của các món ăn ở đây khá đắt đỏ, chẳng hạn giá một chiếc hamburger là 27.000 won ( 19 USD ), các món khác dao động 120.000-170.000 won nhưng ngày đầu tiên khai trương, số lượng đặt chỗ trước hết sạch trong vòng 4 phút.
Còn ở Gucci Osteria Beverly Hill (Mỹ), thực khách cần phải đặt bàn trước, thậm chí lúc cao điểm, thực khách phải đặt bàn trước 30 ngày. Trong vòng 48 giờ đồng hồ, nhân viên sẽ gọi điện xác nhận và trong trường hợp không đến, thực khách cần đặt cọc 80 USD /người.
Sự kiện mở một cửa hàng flagship mới của Louis Vuitton ở Osaka, Nhật Bản vào tháng 2/2020 đã khiến giới mộ điệu thời trang vô cùng hào hứng bởi đây là lần đầu tiên, thương hiệu cao cấp này đưa trải nghiệm không gian ăn uống tại chỗ tới các khách hàng của mình.
Le Café V và nhà hàng Sugalabo V của Louis Vuitton đều do đầu bếp Yosuke Suga quản lý và điều hành. Với tài năng sử dụng nguyên liệu địa phương cho những món ăn cầu kì và sang trọng của đầu bếp, Sugalabo V là không gian chỉ dành cho một số rất ít khách hàng xa xỉ tới dùng bữa với thực đơn kết hợp giữa văn hóa Nhật Bản và nghệ thuật ẩm thực Pháp.
Tại Seoul, Louis Vuitton đã từng thử nghiệm mở một nhà hàng pop-up (mở trong ngắn hạn) mang tên Pierre Sang trong vòng 1 tháng. Tên tuổi của nhà hàng này thậm chí đã gây sự chú ý lớn khi thành viên J-Hope của nhóm nhạc BTS từng ghé qua để dùng bữa. Bởi vậy, nhà hàng này đã nhanh chóng được đặt kín chỗ những ngày sau đó.
Nhắm đến trải nghiệm khách hàng
“Phong trào "lấn sân" sang lĩnh vực nhà hàng, quán cafe của các thương hiệu thời trang cao cấp cho thấy cách họ đang ưu tiên trải nghiệm người tiêu dùng. Có thể thấy rõ, đây là định hướng thay đổi dài hơi nhằm duy trì mối quan hệ giữa người tiêu dùng với thương hiệu cũng như các concept và giá trị họ mang lại”, ông Georgia Fendley, người sáng lập kiêm Giám đốc Sáng tạo của Construct, một công ty truyền thông làm việc với cả các thương hiệu khách sạn lẫn thời trang chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải thương hiệu thời trang cao cấp sẽ không gặp thất bại. Tiệm Dior Café ở Tokyo hiện đã đóng cửa. 1921Gucci đầu tiên ở Thượng Hải dù nhận được nhiều phản hồi tích cực khi mới mở cửa cũng đã ngừng hoạt động vào năm 2018 bởi chỉ một lượng rất nhỏ khách thượng lưu độc quyền mới có thể trải nghiệm tại đây.
Bất chấp những thất bại trước đó của các thương hiệu thời trang cao cấp khi mở tổ hợp thời trang và ăn uống, vẫn có khá nhiều thương hiệu khác đi theo con đường này để tiếp cận với nhiều khách hàng nhất có thể. Tháng 12/2019, Tiffany & Co. mở cửa hàng boutique lớn nhất ở Trung Quốc, trong đó, tầng 1 đành để trưng bày sản phẩm, còn tầng trên là không gian cafe tuyệt đẹp đầu tiên mang tên Tiffany Blue Box Cafe.
Đầu năm nay, nhà sản xuất đồng hồ cao cấp của Thụy Sĩ Breitling cũng mở thêm không gian ăn uống bên trong cửa hàng giới thiệu sản phẩm của mình. Thương hiệu kính mắt nổi tiếng của Hàn Quốc, Gentle Monster, cũng không nằm ngoài xu hướng.
Với chiến lược kinh doanh này, các thương hiệu thời trang cao cấp tập trung vào trải nghiệm khách hàng hơn là lợi nhuận. Đối với những khách hàng không có đủ hầu bao để chi tiêu cho những bộ cánh đắt giá, họ vẫn có thể tận hưởng sự tinh tế và sang trọng của các thương hiệu thời trang thông qua những món đồ ăn, thức uống. Đặc biệt, trong thế giới mà con người yêu thích những khoảnh khắc sống trên MXH như ngày nay, khách hàng lại cần những trải nghiệm xa xỉ như thế này để có thể chia sẻ và thể hiện bản thân mình.