Đệm ngôn ngữ nước ngoài trong câu nói: Những biểu hiện lệch chuẩn
Tiếng Việt đang có nhiều vấn đề trong xu hướng hội nhập và hòa nhập. Ngôn ngữ cũng như mọi lĩnh vực khác trong xã hội, khi hòa nhập, sẽ tiếp nhận cả cái hay và cái không hay.
Không nằm ngoài quy luật ấy, ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay cũng đang có biểu hiện lệch chuẩn, khi nói năng hay chêm xen (đệm) thêm tiếng nước ngoài. Đây là một trào lưu đáng lưu ý có thể ảnh hưởng đến sự trong sáng của tiếng Việt.
Giới trẻ ngày nay thường thích đệm từ nước ngoài trong khi trò chuyện. Ảnh: Thúy Hằng
1. Ngôn ngữ là một phương tiện giao tiếp. Mỗi người đều có thể lựa chọn mã ngôn ngữ (codes choice) cho phù hợp với từng hoàn cảnh nói năng cụ thể. Vì thế, ngay trong một cuộc giao tiếp, do nhu cầu, mục đích trao đổi, người nói có thể chọn mã ngôn ngữ này mà không chọn mã ngôn ngữ khác, hoặc chuyển từ mã này sang mã khác, hoặc trộn các mã lại với nhau. Nếu trong một cộng đồng nào đó chỉ sử dụng một ngôn ngữ duy nhất (như nhóm thổ dân trong rừng) thì không có vấn đề gì. Nhưng với những cộng đồng mà các thành viên lại có một ngữ năng đa dạng (biết thêm nhiều ngôn ngữ) thì bắt đầu xảy ra các hiện tượng: Giao tiếp thuần mã (duy trì mã) (codes maintaince), chuyển mã (codes switch-ing), trộn mã (codes mixing). Trong bài này, tôi chỉ bàn về hiện tượng 'đệm từ ngữ nước ngoài' đang xảy ra khá phổ biến trong giới trẻ hiện nay.
Có người gọi hiện tượng này là 'trộn mã”, lại có người gọi là 'đệm ngữ', 'từ chêm xen'. Về bản chất, các cách gọi này đều có thể quy về hiện tượng 'đưa một từ, ngữ, phát ngôn của ngôn ngữ khác vào ngôn ngữ mình đang sử dụng'. Đặc biệt, các ngoại ngữ hiện nay được người Việt sử dụng khá nhiều, nhưng tiếng Anh vẫn phổ biến và giữ vai trò chủ đạo.
2. Trong trào lưu của Vietlish (người Việt sử dụng tiếng Anh) có mấy cách mà giới trẻ ưa thích sử dụng. Đầu tiên là 'đệm nguyên dạng tiếng Anh':
Việc sử dụng một vài từ ngữ nước ngoài khi giao tiếp (cả nói và viết) là bình thường với mọi cộng đồng ngôn ngữ trên thế giới. Ở châu Âu (đa số thuộc ngữ hệ Latin và Anglo-Saxon), chuyện người Pháp, người Ý, người Tây Ban Nha... chêm tiếng Anh (và ngược lại, người Anh chêm các tiếng khác) là khá phổ biến. Thời Sa hoàng, giới quý tộc Nga rất sính dùng chen tiếng Pháp, thành mốt thời thượng. Trong những trường hợp đó, người nói dùng một từ mà ngôn ngữ mình chưa có hoặc có mà không diễn tả đúng nội hàm của từ mượn. Trong tiếng Việt cũng vậy. Có rất nhiều từ mà người nói chêm xen vào vì: 1) Đã quá quen thuộc (gần như quốc tế hóa); 2) Cho phù hợp với ngữ cảnh. Chẳng hạn các từ: World Cup (Cup bóng đá Thế giới), SEA Games (Đại hội thể thao Đông Nam Á), Facebook (mạng xã hội phổ biến hiện nay), festival (liên hoan), laptop (máy tính xách tay), copy (sao chép), delete (xóa), download (tải xuống/tải về), email (thư điện tử), buffet (ăn tự chọn), menu (thực đơn), update (cập nhật), Happy New Year (Chúc mừng năm mới), Happy Birthday (Chúc mừng sinh nhật), Bye! (Tạm biệt)... Chẳng hạn, mấy người cùng ngồi trong phòng máy có thể nói các từ Anh (hiển thị trên máy tính) một cách bình thường (để khỏi nhầm lẫn, mất thời gian):
- Cậu check mail (đọc thư điện tử) rồi download (tải về) cho tớ bài này.
- Đọc inbox (tin nhắn) rồi em nhớ phone (gọi điện) cho nó ngay...
Nhưng, nhiều bạn trẻ đã vô tư dùng chen các từ nước ngoài mà nghe qua, ta thấy ngay là không ổn (vì không cần thiết phải như vậy, dùng lại gây cản trở cho giao tiếp):
- Cả nhóm phải làm nhanh cho kịp deadline (hạn chót). Sắp hết time (thời gian) rồi!
- Sorry (xin lỗi) mày nha, tối qua papa (bố) với mama (mẹ) cắt cơm, money (tiền) hết sạch, chứ không thì tao đi overnight (thâu đêm) với tụi mày rồi. Từ đây tới chiều có chương trình gì, phone (gọi điện) cho tao một tiếng. See you! (Hẹn gặp lại).
- Thôi đi mấy you (bạn). Mấy you dòm lại cái body (cơ thể) của mình coi, có tí sport (dáng khỏe, thể thao) chút nào đâu mà chê người ta. Ăn nhanh rồi go (đi). Stay up late (thức khuya) kiểu này hoài thì skinny (gầy trơ xương) cả đám...
Trong các đoạn đối đáp vừa dẫn, ta thấy các từ tiếng Anh sử dụng là hoàn toàn đúng nghĩa. Nhưng có cần đệm vào nhiều đến thế không? Người nói hoàn toàn có thể dùng các từ Việt thay thế. Trong một chừng mực nào đó, ta có thể dùng một vài từ (như phone, see you, check, interview...) cho 'thêm chút sinh động'. Nhưng lạm dụng tới mức 'pha bừa' tiếng Anh vào một đoạn đối đáp mấy câu làm cho tiếng Việt, tiếng Anh 'lổn nhổn như xôi đỗ” thì chẳng nên tí nào.
3. Một dạng nữa là tiếng Anh bồi và sự sáng tạo 'Việt hóa': 'Bồi' (xuất xứ từ 'boy') trong tiếng Việt vốn là một từ dùng để chỉ 'người đàn ông làm thuê chuyên phục vụ trong khách sạn, nhà hàng hoặc nhà riêng' ('Từ điển tiếng Việt', Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020). Những người này, ngày trước thường làm cho người Pháp và từ đó hình thành nên một ngôn ngữ 'lai', có đặc thù riêng, thường được gọi là 'tiếng bồi' (pidgin). Tiếng bồi (còn được nói vui là 'tiếng giả cầy') là cách viết, cách phát âm từ ngữ mô phỏng âm nguyên ngữ nhưng bị sai lạc đi khá nhiều. Trước đây, ta thường thấy trẻ em ngoặc tay để xem ai thắng cho một cuộc lựa chọn: 'Oẳn tù tì ra cái gì là ra cái này' (one, two, three được phát âm thành 'oẳn, tù, tì”). Bây giờ, người ta vẫn dùng các từ gần âm như vậy để nói:
- Anh chàng đẹp mã này nhưng ứng xử không được rồ-măng-tíc (romantic = lãng mạn) cho lắm!
- Cô em nom xì-tai (style = sành điệu) nhỉ?
- Chà! Lại sắp đến ngày Va-linh-tinh (Valentime = Ngày lễ tình nhân) rồi!
- Họt-gơn (hotgirl = cô gái đang gây sốt) này trình diễn không pờ-rồ (pro = chuyên nghiệp) tí nào!
- Ai-xề (IC = mạch tích hợp) cha này chập rồi. Mau về pho-mẹt (format = định dạng) lại đi thôi!
Đấy là cách Việt hóa cách đọc, tức 'âm tiết' hóa tiếng Việt các từ Anh, miễn sao vẫn giữ được âm 'na ná” để khi đọc nhấn nhá cho vui. Nhưng có những trường hợp giới trẻ 'Việt hóa' theo những cấu trúc lạ lùng hơn nhiều. Sau đây là những ví dụ:
- Chuyện này khỏi lo. No star where! (Không sao đâu) (Ghép mấy từ Anh: no = không, star = sao, ngôi sao, where: đâu, đấy).
- Xì tốp (stop: dừng) lại nhé. No table! (Miễn bàn!) (no = miễn, table = bàn, cái bàn).
- Nó mất dây thần kinh ugly tiger (xấu hổ) (ugly = xấu, tiger = hổ, con hổ) rồi.
- Con gái vào tuổi 'băm' thì không thể no 4 go (vô tư đi) (no = vô, 4 = tư, go = đi) được...
Rất nhiều người mới nghe ban đầu ngơ ngác không hiểu gì. Người không biết tiếng Anh thì chịu rồi. Nhưng ngay cả những người biết tiếng Anh cũng rất khó suy luận để 'giải mã” cho ra điều mà các bạn trẻ định nói là gì (với cách ghép từ vô nguyên tắc như vậy). Có khác nào dẫn người nghe vào một 'mê hồn trận'...
Từ 2 dạng trên, có thể thấy còn khá nhiều kiểu viết, cách nói của giới trẻ bây giờ. Hiện tượng 'trộn mã” trong ngôn ngữ là có. Nhưng, những 'sáng tạo' đệm tiếng Anh qua các kiểu như trên, nếu chỉ một hai trường hợp thôi thì cũng có thể phần nào đem lại sắc thái tếu táo, vui vẻ. Chứ nhiều nam thanh nữ tú chỉ chăm chăm tìm cách diễn đạt theo các mô hình này (cốt để 'lạ hóa', khẳng định cái tôi) thì rồi không biết tiếng Việt hiện đại sẽ đi đâu, về đâu?...