Đêm 30-4, thế giới đón "Mặt Trăng Đen" cực hiếm gặp
"Mặt Trăng Đen" thường vô hình như bất kỳ trăng non bình thường nào khác, nhưng Mặt Trăng Đen cuối tháng 4-2022 sẽ hiện hình nhờ một sự kết hợp đặc biệt.
Theo tờ Space, Mặt Trăng Đen là một thuật ngữ không chính thức, nhằm ám chỉ lần trăng non thứ 2 trong một tháng dương lịch, hoặc trăng non thứ 3 trong một mùa có có 4 trăng non.
Trăng non luôn chìm khuất trong bóng tối, không thể nhìn thấy được từ Trái Đất , nhưng Mặt Trăng Đen của tháng 4-2022 sẽ hiện hình một cách bất ngờ, nhờ nhật thực.
Theo trang Time and Date, nhật thực Mặt Trăng Đen lần này sẽ bắt đầu vào 18 giờ 45 phút giờ GMT ngày 30-4, đạt cực đại vào lúc 20 giờ 41 phút và kết thúc vào lúc 22 giờ 37 phút. Vì vậy, nó trở thành trăng non thứ 2 của tháng 4. Đêm 30-4 dương lịch cũng vô tình trùng với "đêm 30" của tháng 3 âm lịch, làm cho sự xuất hiện trái khoáy của mặt trăng thêm màu huyền ảo.
Do Việt Nam sở hữu múi giờ GMT+7 nên thời điểm nhật thực Mặt Trăng Đen rơi vào 1 giờ 45 phút sáng 1-5, đạt cực đại vào 3 giờ 41 phút và kết thúc lúc 5 giờ 37 phút.
Điều này cũng có nghĩa nơi chúng ta sinh sống và cả nơi kinh tuyến gốc đi qua đều không quan sát được lần nhật thực hiếm thấy này, bởi bạn chỉ có thể chiêm ngưỡng nhật thực ở các quốc gia đang là ban ngày và có vĩ độ phù hợp.
Vùng quan sát được nhật thực Mặt Trăng Đen rõ ràng nhất là mũi cực Bắc của lục địa Nam Cực; ngoài ra nhiều vùng ở Nam Cực, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và các quốc gia ở rìa phía Tây lục địa Nam Mỹ cũng có thể chiêm ngưỡng hiện tượng hiếm gặp.
Ngành học lạ lùng: Xếp hình Lego, nghiên cứu Beatles, "Béo Phì học" và quản lý hoa