Deadline vẫn "treo" trên đầu thì sao yên tâm đi ngủ đây

Chia sẻ Facebook
14/06/2023 17:11:45

Nhiều người trẻ hiện nay vì công việc, vì những lo toan, bộn bề trong cuộc sống mà thường xuyên thức khuya. Họ đánh đổi sức khoẻ của mình chỉ vì thói quen độc hại này.

Hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đọc được những cảnh báo về tình trạng ngủ không đủ giấc, ngủ không đúng giờ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào tới sức khoẻ, tới năng suất lao động và học tập. Thế nhưng hiện nay tình trạng thức khuya, thậm chí thức tới sáng hiện nay rất phổ biến trong thế hệ trẻ.

Thức khuya dần trở thành thói quen khó bỏ của đại bộ phận người trẻ hiện nay. (Ảnh minh hoạ: Baidu)


Thức khuya vì công việc và “lướt” mạng xã hội


Lý giải cho tình trạng này, nhiều bạn trẻ tâm sự với CỘT SỐNG GEN Z rằng áp lực cơm áo gạo tiền, rồi việc học tập, thi cử là một trong những lý do khiến thói quen sinh hoạt của họ bị xáo trộn. Deadlines vẫn chưa xong, trong lòng vướng nhiều bộn bề, lo lắng thì làm sao yên tâm đi ngủ đây.

2h sáng, trong tiếng lách cách của chiếc bàn phím và ánh sáng hắt ra từ màn hình máy tính, Quỳnh Trang (26 tuổi) vẫn đang cặm cụi làm nốt bản kế hoạch để 8h sáng kịp nộp lại cho sếp. Đây chẳng phải là lần đầu tiên cô bạn thức khuya như thế mà nó đã trở thành một điều bình thường trong cuộc sống của Trang.

Deadline vẫn còn đó buộc người trẻ trở thành những "cú đêm". (Ảnh minh hoạ: Xiaohongshu)


Một tháng có 30 ngày thì phải tới 25 ngày Trang đi ngủ lúc trời gần sáng. Thậm chí có những ngày Trang chỉ kịp chợp mắt khoảng 2-3 tiếng rồi lại bật dậy sửa soạn đi làm. Chia sẻ với YAN , Quỳnh Trang cho hay: “Từ khi ra trường đến nay, mình trở thành một cú đêm chính hiệu. Mình làm cho một công ty truyền thông, công việc hàng ngày nhiều đến mức mình chẳng có thời gian để thở. Thế nhưng biết sao bây giờ. Tìm được việc trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này đã là kỳ tích rồi. Có vất vả mấy cũng phải chấp nhận”.


Phạm Thái (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình nghĩ không có cái gọi là thói quen khó bỏ mà đặc biệt là việc đi ngủ muộn. Bất cứ ai cũng đều muốn sống một cuộc đời thong dong, ngày đi làm, tối về sớm đi ngủ. Nhưng do tính chất công việc và áp lực cuộc sống đè nặng lên vai người trẻ hiện nay nên mới thức khuya và biến nó thành thói quen mà thôi. Không làm thì lấy gì mà ăn, nhàn hạ chỉ có trong chuyện cổ tích mà thôi”.

Áp lực công việc và những bộn bề khiến người trẻ đảo lộn thói quen sinh hoạt khoa học. (Ảnh: Weibo)


Dù không bận học tập hay công việc nhưng Đức Khải (30 tuổi) cũng thường xuyên thức đêm. Cứ mỗi tối, việc lướt xem các trang mạng xã hội trở thành thói quen của anh chàng. Đức Khải bộc bạch: “Không hiểu sao cứ đến ban đêm là mình lại chẳng muốn ngủ. Mỗi tối, nằm trên giường, cứ cầm vào điện thoại hay máy tính là mình đều không bỏ xuống được. Nhiều hôm, dù đi làm mệt lắm rồi, buồn ngủ lắm rồi nhưng chẳng thể nào bỏ cái điện thoại xuống được”.

Sở thích lướt mạng xã hội trước khi đi ngủ đã khiến nhiều người chẳng bỏ được chiếc điện thoại xuống. (Ảnh: Baidu)


Thói quen độc hại

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, ban đêm là thời gian mà cơ thể nghỉ ngơi phục hồi lại sức khỏe và cân bằng các yếu tố trong cơ thể, nhưng vì một nguyên nhân hoặc thói quen nào đó mà chúng ta thường xuyên thức đêm, ngủ không đủ giấc. Việc thức khuya thường xuyên có ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.

Thức khuya ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ và tâm lý. (Ảnh: Xiaohongshu)

Thế nhưng, những người trẻ luôn nghĩ rằng mình đang sống trong độ tuổi có sắc đẹp, sức khỏe, các cơ quan của cơ thể đang hoạt động tốt nên thường lãng quên lời khuyên của của các bác sĩ, chuyên gia về tác hại của việc thức khuya.

Bạn có lẽ đã từng gặp qua những câu chuyện đau lòng chỉ vì thói quen thức khuya khó bỏ. Trên mạng xã hội đã từng xôn xao về câu chuyện một cô gái từ người hoàn toàn khỏe mạnh, thay vì ăn uống, sinh hoạt theo giờ giấc như người bình thường, cô lại thường thức đêm và ngủ li bì vào ban ngày. Ngay cả việc ăn uống cũng bị đảo lộn. Kèm theo đó, cô bạn còn phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về sức khoẻ như da lão hoá, tiêu hoá rối loạn, đau và trào ngược dạ dày, tâm trạng căng thẳng, cáu gắt, mỏi nhức khắp người... Mọi chuyện thực sự chìm vào bóng tối khi cô nàng bị chẩn đoán mất một bên thính giác mãi mãi chỉ vì thói quen độc hại mà mình duy trì suốt nhiều năm.

Thức khuya còn khiến hiều người cảm thấy mệt mỏi, không tập trung, khiến năng suất lao động gaimr. (Ảnh: Baidu)

Hay một cô gái 27 tuổi, người Trung Quốc được phát hiện qua đời tại giường trong căn nhà của mình. Nhiều người đã tỏ ra bất ngờ và hoang mang, khi biết nguyên nhân mà cô gái này tử vong là do thức trắng đêm để sử dụng điện thoại dẫn đến đột tử.


Ưu tiên sức khỏe của mình

“Không có tiền thì cạp đất mà ăn” chính là câu nói được rất nhiều bạn trẻ nói với nhau. Vì đồng tiền, vì mưu sinh con người dùng chính sức khoẻ của mình để đánh đổi. Thế nhưng để lại được gì khi mỗi ngày trôi qua chúng ta luôn cảm thấy kiệt sức, cảm thấy ngột ngạt, rồi còn khả năng cao dẫn đến các căn bệnh tâm lý.

Đừng để thói quen thức khuya độc hại "ăn mòn" chính bản thân bạn. (Ảnh: Baidu)

Thói quen thức khuya nếu được duy trì trong một thời gian dài cũng sẽ là mối nguy hiểm, nó thậm chí đang dần âm thầm “ăn mòn” chính con người bạn. Đừng để những thói quen độc hại này làm ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ thể.

Hãy cố gắng cân bằng công việc và tập thói quen đi ngủ sớm để có một cơ thể khoẻ mạnh. (Ảnh: Baidu)

Hãy cố gắng cân bằng giữa công việc và thời gian để bản thân nghỉ ngơi, giải lao để đầu óc được thư thái, thoải mái. Vẫn biết chúng ta đang sống trong một thế giới hiện đại, thay đổi không ngừng mỗi giây và người trẻ cũng bị cuốn theo dòng chảy đó. Thế nhưng nó không đồng nghĩa với việc chúng ta buông bỏ sức khỏe. Các bạn trẻ nên nên điều chỉnh lại đồng hồ sinh học và thói quen thức đêm của mình để có một cơ thể thật khỏe mạnh nhé!

Thức khuya là một thói quen tai hại gây ra hàng loạt các bệnh nguy hiểm như tim mạch, béo phì, suy giảm hệ miễn dịch,...và thậm chí còn kéo giảm tuổi thọ của con người. Mỗi người lớn trung bình cần ngủ đủ 8 tiếng/ngày. Nếu chỉ ngủ từ 5 - 7 giờ, thậm chí 2 - 4 giờ, có thể gây ra rất nhiều tác hại. Thiếu ngủ gây ra căng thẳng và các rối loạn sức khỏe tâm lý như: trầm cảm, rối loạn lo âu, đặc biệt là bị rối loạn giấc ngủ.

Vì thế, trong trường hợp bắt buộc phải thức khuya để làm việc, mỗi người cần phải đảm bảo ngủ đủ giấc mới đủ sức để hồi phục, đồng thời cố gắng cải thiện thời gian ngủ để thay đổi nhịp sinh lý sao cho phù hợp.


Cùng tìm hiểu những thông tin thú vị khác TẠI ĐÂY !

Chia sẻ Facebook