Để yêu được môn Văn trong trường phổ thông

Chia sẻ Facebook
13/09/2023 04:22:08

“Làm thế nào để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu với môn Văn cho học sinh một cách sớm nhất?”, là điều nhiều người đang trăn trở.

Ở bài “ Lại nói về văn học trong nhà trường phổ thông ”, đăng trên nguoiduatin.vn ngày 9/9/2023, tôi đã nhắc đến danh sách các câu hỏi để chuẩn bị trước cho chương trình “ Đối thoại mở trực tiếp ” của VOV6 vào hạ tuần tháng 9 năm 2023, chủ đề “ Dạy và học môn Văn trong nhà trường phổ thông hiện nay, những chuyện cần bàn ”. Toàn là những vấn đề hóc búa đối với kẻ ngoại ngạch giáo dục như tôi, mà nếu có trả lời, thì cũng là liều lĩnh trả lời theo cái biết lõm bõm của mình, bằng những trải nghiệm học văn và văn học đầy cảm tính của mình mà thôi.


Ví như câu hỏi “ Làm thế nào để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu với môn Văn cho học sinh một cách sớm nhất? ”. Câu hỏi này, tôi nghĩ, chuyển tới các thầy cô giáo đã hoặc đang dạy môn Văn ở cấp phổ thông thì mới thực là hợp cách. Bởi vì, các thầy cô giáo dạy Văn chính là những người chịu phần lớn trách nhiệm về việc học sinh yêu hay ghét môn Văn, nếu có yêu thì yêu đến đâu, lâu dài bền bỉ hay sớm nở tối tàn? Và điều ấy lại phụ thuộc vào một câu chuyện tối hậu: bản thân các thầy cô giáo dạy Văn có yêu văn chương và có niềm khao khát gieo mầm tình yêu ấy vào tâm hồn học sinh của mình hay không, qua các giờ lên lớp, và ngoài các giờ lên lớp?

Cần hình thành thói quen đọc và xây dựng một “văn hóa sách” cho học sinh từ sớm, càng sớm càng tốt.


Tôi nêu vấn đề này bởi lẽ, trong thực tế, có không ít các tác giả văn chương thành danh đã bộc lộ niềm tri ân với thầy giáo hay cô giáo dạy Văn hồi học phổ thông của mình. Những thầy cô đã giúp họ cảm nhận được vẻ đẹp ngôn từ và ánh sáng nhân văn trong các tác phẩm được giảng dạy trên lớp, đã truyền cho họ niềm yêu thích đầu đời với văn chương nói chung, để sau này, dù có thế nào đi chăng nữa, họ vẫn luôn ấp ủ tình yêu ấy trong mình, như giữ những hòn than đỏ dưới lớp tro tàn (“ Than đỏ dưới tro tàn ”, tên một tập tản văn của nhà văn Đỗ Bích Thúy).

Nhưng cũng không hiếm trường hợp chính các thầy cô giáo dạy Văn đã khiến cho môn Văn, trong ký ức của nhiều người, nếu không phải là môn học lòng thòng, dai nhanh nhách, rặt những chép bài và ủ ê ngáp vặt, thì cũng chẳng có gì đáng nhớ. Khi ấy, không thể nói khác, những công chức dạy Văn ở bậc phổ thông đã biến văn chương thành một thất bại vĩ đại đối với học sinh của mình. Bởi lẽ, họ đã dạy một môn học mà bản thân không hề yêu thích, dạy như những cái máy dạy, dạy như làm cho xong một việc, truyền đạt những kiến thức đóng hộp, trơ ỳ, và đúng một cách rất đáng ngờ.


Và không thể không nói đến sách, sách văn chương và sách nói chung, khi ta muốn trả lời câu hỏi “ Làm thế nào để nuôi dưỡng và phát triển tình yêu với môn Văn cho học sinh một cách sớm nhất? ”. Bởi vì sách thậm chí còn quan trọng hơn cả một người thầy. (Và khi ấy, câu chuyện không chỉ dừng lại ở tình yêu với môn Văn nữa, mà nó là văn hóa, là tri thức, là thứ nhu cầu tinh thần khiến con người là loại động vật duy nhất không ngừng khẳng định và tự phủ định chính mình). Sách có thể do nhà trường cung cấp hoặc do thầy cô giáo chỉ dẫn cho học sinh tìm đọc. Sách có thể do cha mẹ lựa chọn mua về và khuyến khích con cái mình đọc, hình thành thói quen đọc và xây dựng một “văn hóa sách” cho học sinh từ sớm, càng sớm càng tốt. (Nhà văn Nguyên Ngọc từng xác quyết: nếu đến năm hai mươi tuổi mà chưa có thói quen đọc sách, chưa đọc sách theo một nhu cầu tự nhiên như cơm ăn nước uống hàng ngày, thì... quên đi, không còn trông mong gì nữa cái sự đọc, và học, nơi những cá nhân ấy).


Nhưng ở đây, trong nhiều trường hợp, vẫn tồn tại những ngẫu nhiên không thể đoán định trước về sự giao hội giữa con người với sách, giống như trò xảo trá của số phận vậy. Ông Sạc (Jean Paul Sartre) lớn lên trong cái thư viện mênh mông bạt ngàn toàn sách với sách của ông ngoại, ông đọc ngốn ngấu, và cuối cùng ông trở thành một trong những triết gia có tầm ảnh hưởng rất lớn ở châu Âu và trên toàn thế giới trong thế kỷ XX. Nhưng trong cuốn tiểu thuyết vật vã “ 2666 ”, nhà văn Roberto Bolano lại có câu chuyện kể về một thư viện lớn của một gia đình quý tộc ở nước Đức, nơi mà qua hàng thế kỷ, các chủ nhân cứ mua sách về, toàn sách quý, chất kín các tủ các kệ nhưng chẳng ai thèm mở ra đọc lấy một lần, và rồi thư viện ấy cũng biến mất cùng với sự biến mất của dòng họ này qua hai cuộc đại thế chiến.


*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

Chia sẻ Facebook