Đề xuất thêm nhiều giải pháp thúc đẩy nhanh xây dựng nhà ở xã hội

Chia sẻ Facebook
03/03/2023 14:47:04

Nhiều doanh nghiệp xây dựng, đầu tư nhà ở xã hội mới đây đã kiến nghị loạt giải pháp với trọng tâm là thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.


Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) thông tin, ngày 2/3, tại Tp.HCM, VNREA đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp về việc thúc đẩy nhanh đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở

Phát biểu tại Hội nghị, theo ông Trương Anh Tuấn, Phó Chủ tịch VNREA, Chủ tịch Công ty cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân, tính đến hiện tại, doanh nghiệp này đã phát triển được 25 dự án nhà ở xã hội. Trong đó, đã hoàn thành 10 dự án với khoảng 10.000 căn. Riêng tại TP.HCM, doanh nghiệp này đã hoàn thành 4.000 căn nhà ở xã hội.

Hoàng Quân cũng đang phát triển 15 dự án, trong đó đã triển khai xây dựng là 12 dự án và 3 dự án còn lại cũng đang xúc tiến hoàn thành xin giấy phép xây dựng, tổng số căn dự kiến là 15.000 căn.

Hưởng ứng mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân giai đoạn từ đây đến năm 2030 sẽ đạt 1 triệu căn, Hoàng Quân đã đăng ký xây dựng 50.000 căn. Trong đó, 15.000 căn đã có quỹ đất và đang triển khai, số còn lại dự kiến đến năm 2030 sẽ làm được.

Tuy nhiên, ông Tuấn cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp gặp phải khi làm nhà ở xã hội là quỹ đất. Tại TP.HCM, quỹ đất công không còn nhiều, nên gây ra khó khăn lớn cho các đơn vị muốn tham gia vào phân khúc này. Bên cạnh quỹ đất, quy định dành 20% quỹ đất làm nhà ở xã hội hiện nay cũng gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cũng trăn trở xoay quanh dòng vốn hỗ trợ. Ông Tuấn cho biết, từ năm 2002 đến 2022, Địa ốc Hoàng Quân chuyển hướng sang mảng nhà ở xã hội và được Chính phủ, một số địa phương vinh danh là đơn vị dẫn đầu trong cả nước, khi có 10 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành, với khoảng 10.000 căn. Tuy nhiên, khi gói tín dụng 30.000 tỷ đồng kết thúc, thị trường đi xuống, doanh nghiệp này đã gặp khá nhiều khó khăn. Sự khó khăn đó phản ánh qua giá cổ phiếu, doanh thu, lợi nhuận những năm qua của công ty.

Về nguồn vốn, hiện nay, ngân hàng đang dành hai gói tín dụng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Cụ thể, Bộ Xây dựng đang đề xuất gói 110 tỷ đồng, gói này chỉ dành để phát triển nhà ở xã hội. Còn Ngân hàng Nhà nước cũng đang đề xuất gói 120 nghìn tỷ. Gói này rộng hơn bao gồm cả nhà ở xã hội và nhà ở thương mại nhưng lãi suất thấp hơn từ 1,5 đến 2% so với thị trường.


Trao đổi với Người Đưa Tin , đại diện Bộ Xây dựng cho biết phía cơ quan quản lý hiện đã có dự thảo nghị quyết trình Thủ tướng Chính phủ về việc tạm dừng gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và ưu tiên triển khai gói 120.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước đề xuất trước.


Sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng chia sẻ sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng


“Tôi ủng hộ ý kiến Bộ xây dựng trình gói 110.000 tỷ, trong đó 55.000 tỷ dành cho chủ đầu tư ”, ông Tuấn nói.

Một vấn đề khác cũng tạo ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp khi phát triển nhà ở xã hội, đó là đối tượng khách hàng. Theo đại diện Địa ốc Hoàng Quân, thống kê cho thấy, cứ 80% người mua nhà ở xã hội sau 2 năm thì đi hết, chỉ còn 20% ở. Tức nhà ở ở xã đang giao cho không đúng đối tượng, điều này làm mất đi ý nghĩa của nhà ở xã hội.

Để quyết liệt giải quyết vấn đề này, Chủ tịch Địa ốc Hoàng Quân cho rằng chính quyền phải vào cuộc mạnh mẽ hơn. Do đó, ông Tuấn kiến nghị chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội cần là người điều hành quản lý chung cư đó suốt đời, chứ không thể thuộc về ban quản trị chung cư như hiện nay.

Ngoài những khó khăn trên, để các doanh nghiệp “mặn mà” hơn trong việc phát triển nhà ở xã hội, ông Tuấn cho rằng cần nới tỷ suất lợi nhuận của chủ đầu tư từ 10-15%. Nhà nước đừng quá lo việc doanh nghiệp thực hiện nhà ở xã hội sẽ lời nhiều, do quy luật cạnh tranh sẽ bù trừ lại.

“Địa ốc Hoàng Quân và các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực mong muốn cơ chế chính sách sớm được tháo gỡ, chính sách mới được ban hành và nhanh đi vào cuộc sống”, ông Tuấn khẳng định.

Ông Dương Long Thành, Chủ tịch Thắng Lợi Group đề xuất, với quỹ đất mà doanh nghiệp đã mua rồi, khi làm dự án nhà ở xã hội, Nhà nước tính toán đưa vào chi phí thực tế của doanh nghiệp, chứ không thể áp dụng theo bảng giá của Nhà nước. Nếu áp dụng theo bảng giá Nhà nước thì doanh nghiệp không thể nào bù được.

Thứ hai, nếu vẫn giữ tỷ suất sinh lời 10% thì Nhà nước cần có chính sách thưởng cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhà ở xã hội sau khi dự án được hoàn thành, ví dụ như thêm 5% lợi nhuận chẳng hạn. Ông nói rằng với những doanh nghiệp chuẩn bị lên sàn như Thắng Lợi Group, việc cho cổ đông thấy được tiềm năng tăng trưởng của Công ty rất quan trọng.

Một khó khăn khác cũng được ông Thành đề cập đến là việc xác định tiêu chí người mua nhà ở hội. Ông giải thích có nhiều trường hợp lúc đăng ký mua thì thuộc diện theo quy định nhưng khi dự án hoàn thành đến giai đoạn cấp sổ hồng thì người mua lại không nằm trong diện quy định. Do đó, ông đề xuất dự thảo cần mở rộng phạm vi cũng như quy định cụ thể về các trường hợp mua nhà ở xã hội và sử dụng dữ liệu quốc gia về dân cư để xem xét, rút ngắn thời gian phải xin xác nhận...

Bốn nhóm vấn đề về phát triển nhà ở xã hội

TS. Nguyễn Văn Khôi, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nêu rõ: Để tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội mà Thủ tướng Chính phủ đã giao đến năm 2030, các nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản, hội viên của VNREA cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn với tầm nhìn vừa chiến lược, bao quát, vừa có giải pháp cụ thể, thiết thực.

Có 4 nhóm vấn đề chung là: Quy hoạch, kế hoạch, khu vực, vị trí cụ thể của đất đai phát triển nhà ở xã hội; nguồn vốn; cơ chế, chính sách; quy trình, thủ tục hành chính.

Về ưu đãi chính sách, cụ thể về thuế VAT, VNREA kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu giữ ở mức 5%; về lợi nhuận cần tăng lên từ 10-15% hoặc thưởng theo thực tế thành tích phát triển nhà ở xã hội hoặc hình thức tương đương để bù đắp chi phí, tạo động lực cho các nhà đầu tư tiếp tục đầu tư, phát triển phân khúc nhà ở xã hội.

Thứ hai là ưu tiên tạo lập quỹ đất. Doanh nghiệp muốn địa phương giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất sạch để đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư.

Thứ ba, quy trình, thủ tục hành chính, đầu tư dự án, chủ trương quy hoạch cần được đơn giản hóa và có hướng dẫn cụ thể bằng các nghị định, thông tư cụ thể.

Nhóm vấn đề tiếp theo tạm gọi là tỉ lệ nhà ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội. Các ý kiến tập trung để đề xuất cần đảm bảo tối thiểu lớn hơn 20% và linh hoạt với từng địa phương, từng dự án, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, người dân. Hiệp hội kiến nghị vấn đề này nên để địa phương quyết định cho phù hợp.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook