Đề xuất sớm giải quyết rủi ro TPDN, nhất là nhóm doanh nghiệp BĐS
Đây là một trong những kiến nghị được TS. Cấn Văn Lực nêu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 nhằm ổn định nền kinh tế.
Ngày 17/12, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 với chủ đề "Kinh tế Việt Nam 2023: Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, vững vàng vượt qua thách thức" đã diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV đã có bài tham luận với chủ đề "Lành mạnh hóa thị trường tài chính Việt Nam để phát triển kinh tế bền vững - Thực tiễn năm 2022 và những vấn đề đặt ra năm 2023".
Đánh giá chung về tình hình kinh tế thế giới, TS. Cấn Văn Lực cho biết, trong 2 tháng đầu năm 2022, kinh tế thế giới đã phục hồi tốt sau khi dịch bệnh được kiểm soát và hầu hết các nước dần mở cửa nền kinh tế.
Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi khủng hoảng nổ ra tại Ukraine. Từ đó, tác động tiêu cực đến sức cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng, giá cả hàng hóa và lạm phát, thị trường tài chính – tiền tệ, tăng rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh tại hầu hết các nước, buộc NHTW các nước liên tục tăng lãi suất nhanh và mạnh; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng nhanh; giảm mạnh sức cầu thương mại, đầu tư , tiêu dùng, tăng rủi ro tài chính, rủi ro nợ tại nhiều quốc gia, nguy cơ suy thoái hiện hữu.
8 kết quả tích cực, 6 khó khăn của kinh tế Việt Nam
Trước bối cảnh đó, TS. Cấn Văn Lực nhận định, kinh tế Việt Nam được dưới nỗ lực của Đảng và Nhà nước, doanh nghiệp và người dân đã đạt được 8 kết quả tích cực. Theo đó, dịch bệnh về cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện thuận lợi để hồi phục mọi hoạt động kinh tế xã hội từ tháng 3/2022.
Bên cạnh đó, kinh tế phục hồi mạnh mẽ với sản xuất công nghiệp (IIP) dự báo cả năng tăng khoảng 10% so với năm trước; tiêu dùng phục hồi nhanh với doanh thu bán lẻ tăng khoảng 15-16%.
Ngoài ra, TS. Cấn Văn Lực chia sẻ, xuất nhập khẩu tăng trưởng tích cực, trong đó, xuất khẩu năm 2022 ước đạt 380-384 tỷ USD, tăng khoảng 14%, cán cân thương mại thặng dư (khoảng 10 tỷ USD), góp phần hỗ trợ ổn định tỷ giá và các cân đối vĩ mô khác. Giải ngân FDI tiếp tục khả quan, ước đạt 21-22 tỷ USD, tăng 13% so với năm trước.
Thu chi ngân sách đạt kết quả tích cực nhờ kinh tế phục hồi; trong đó ước thu ngân sách cả năm 2022 vượt 14% kế hoạch đề ra và tăng mạnh 20% so với cùng kỳ năm 2021, giúp ngân sách Nhà nước (NSNN) thặng dư (một phần là do chi đầu tư phát triển còn ở mức thấp so với kế hoạch).
Đồng thời, lãi suất và tỷ giá tăng mạnh song vẫn trong tầm kiểm soát; dự báo tỷ giá năm 2022 tăng khoảng 8-9% so với đầu năm (trong bối cảnh đồng USD tăng giá (chỉ số DXY) đã tăng khoảng 12% so với đầu năm).
Hoạt động doanh nghiệp phục hồi mạnh, nhờ các hoạt động kinh tế - xã hội được mở rộng; dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức khi lãi suất, tỷ giá tăng, khả năng tiếp cận vốn khó khăn hơn và nhu cầu bên ngoài suy giảm.
Tăng trưởng GDP năm 2022 ước đạt khoảng 8%; lạm phát được kiểm soát tốt, với CPI bình quân dự báo tăng khoảng 3,3%.
Bên cạnh những thành quả tích cực trên, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt với 6 khó khăn, thách thức chính.
Đầu tiên, môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Ngoài ra, công tác giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm; áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023".
Thách thức tiếp theo được ông Cấn Văn Lực đề cập là áp lực đến từ nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới; rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt; thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
Đề xuất cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính
Trước bối cảnh trên, TS Cấn Văn Lực đã đưa ra 9 kiến nghị đối với Quốc hội và Chính phủ.
Đầu tiên, ông Lực cho rằng cần tiếp tục kiên định ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tiếp tục đẩy nhanh các cấu phần trong Chương trình phục kinh tế - xã hội 2022- 2023, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân đầu tư công.
Song song với đó, Chính phủ có đề án, kế hoạch cụ thể về giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp, hộ gia đình vừa đảm bảo phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống tài chính – bất động sản; trong đó, cần sớm giải quyết rủi ro trái phiếu doanh nghiệp, nhất là nhóm doanh nghiệp bất động sản.
TS. Cấn Văn Lực đề xuất hoàn thiện thể chế, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao tính minh bạch, chuyên nghiệp và hiệu quả cho thị trường tài chính, quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính; tăng cường củng cố niềm tin của nhà đầu tư, tăng cường giáo dục tài chính.
Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình sửa đổi các Luật liên quan đến lĩnh vực bất động sản (như Luật đất đai, Luật Nhà ở, Luật kinh doanh BĐS), lĩnh vực tài chính như Luật Chứng khoán, luật các tổ chức tín dụng, luật DN và đấu giá, đấu thầu.
Đối với NHNN, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan, TS. Cấn Văn Lực kiến nghị đẩy nhanh tiến độ ban hành, tháo gỡ vướng mắc văn bản pháp lý hỗ trợ chuyển đổi số, Fintech và giải ngân gói hỗ trợ lãi suất 2% thuộc Chương trình phục hồi.
Cùng với đó, đẩy nhanh tiến độ cơ cấu lại các tổ chức tài chính và thị trường tài chính (theo các đề án đã ban hành); lưu ý đảm bảo thanh khoản hệ thống TCTD, an toàn của các công ty chứng khoán, hạn chế tối đa tác động lan truyền, sửa các quy định về trái phiếu doanh nghiệp.
Cuối cùng, ông Cấn Văn Lực cho rằng Bộ Tài chính, UBCKNN cần sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên chỉ số cố phiếu khác, hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn,... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục hạn chế của HĐ tương lai chỉ số VN30 hiện tại, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.