Đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Để các doanh nghiệp sản xuất có thể tăng trưởng đạt mục tiêu kế hoạch trong những tháng cuối năm, nhiều giải pháp đã được đưa ra bàn thảo.
Dù nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm nay, cả nước có hơn 31.000 doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng thành lập mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một tín hiệu tích cực thể hiện sự phát triển về lượng của kinh tế Việt Nam.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp trong khối tư nhân hoạt động hiệu quả, vượt sóng trong cuối năm nay, các chuyên gia cho rằng mở rộng không gian kinh tế mới, hỗ trợ vốn… là điều cấp bách.
Theo các chuyên gia, các doanh nghiệp cũng cần phát triển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đến năm 2025, có ít nhất 20% số doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn vì giải quyết bài toán chủ động nguyên liệu đầu vào.
Song song với việc ổn định sản xuất, các hiệp hội doanh nghiệp cũng cho rằng doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động mở rộng thị trường, hợp tác với doanh nghiệp FDI theo hình thức mới.
Cũng tại diễn đàn, đại diện VCCI chia sẻ hiện tại, đóng góp của khối doanh nghiệp sản xuất tư nhân mới khoảng 9% GDP, VCCI kỳ vọng đến năm 2025 doanh nghiệp tư nhân sẽ đóng góp 15% GDP.