Đề xuất ‘nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ’ bị Bộ GD&ĐT bác bỏ

Chia sẻ Facebook
08/03/2023 09:17:07

Bộ GD&ĐT vừa có phản hồi về đề xuất “xin cơ chế đặc thù cho giảng viên có danh hiệu NSƯT, NSND tương tương học vị thạc sĩ, tiến sĩ” từ Trường Đại học Sân khấu điện ảnh.

TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) trong buổi tọa đàm “Đề xuất và triển khai mô hình đào tạo, bồi dưỡng khắc phục vấn đề thiếu giáo viên mầm non”, hồi tháng 4/2021. (Ảnh: cdsptw.edu.vn)

Không thể quy đổi được


Báo chí nhà nước hôm 7/2 dẫn lời TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), nói “điều này hoàn toàn không thể xảy ra”.


Theo ông Nghệ, tiêu chí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ so với tiêu chí đánh giá NSƯT, NSND là “khác nhau hoàn toàn, không thể quy đổi được”.

NSND là danh hiệu được trao tặng cho những diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ… có nhiều đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật và xã hội.

Trong khi, tiến sĩ là bằng cấp được các trường đại học cấp sau khi nghiên cứu sinh hoàn thành chương trình học, có công trình nghiên cứu và được phản biện/bảo vệ bởi hội đồng khoa học.


Hơn nữa, ông Nghệ cho biết hiện trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học đều “chưa có quy định về quy đổi tương đương giữa trình độ tiến sĩ và NSND”.

Trường Đại học Sân khấu điện ảnh nói gì?


Chiều ngày 7/2, lên tiếng về việc trên, ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường, nói “đã có những hiểu nhầm trong việc đề xuất của nhà trường”.

Ông Nguyễn Đình Thi, Hiệu trưởng trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội. (Ảnh: skda.edu.vn)

Theo ông Thi, đề xuất của trường muốn được tính tương đương, chứ không phải “phiên ngang”, rằng NSƯT/NSND là có học vị thạc sĩ/tiến sĩ.

Theo ông Thi, nhà trường cũng không đề xuất tất cả NSND được tính tương đương tiến sĩ, mà chỉ đề xuất cho NSND giảng dạy ở Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, để nhằm đáp ứng quy định mỗi ngành học phải có 5 tiến sĩ.


“Chúng tôi hoàn toàn hiểu rất rõ học vị khác với danh hiệu ra sao và cũng không hề có ý xin một học vị cho các NSƯT, NSND. Để có được học vị thạc sĩ, tiến sĩ phải qua quá trình đào tạo bài bản, bảo vệ luận văn… còn danh hiệu NSƯT, NSND là ghi nhận sự cống hiến.


Đề xuất đó chỉ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới (yêu cầu phải có 5 tiến sĩ) đối với các ngành nghệ thuật. Chứ hoàn toàn không có ý thay thế trong công tác đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Bởi đào tạo sau đại học, tiến sĩ phải theo quy chế chung của Bộ GD&ĐT” , ông Thi nói.

Cũng theo ông Thi, đề nghị tính tương đương là để các NSND được tham gia vào quá trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Chứ hoàn toàn không có nghĩa NSND được hưởng các chế độ như tiến sĩ về lương bổng…


“Đề xuất không hề có ý định tranh thủ việc đạt được học vị tiến sĩ bằng danh hiệu NSND” , ông Thi khẳng định.

Ông Thi cho biết thêm thực tế đề xuất này không mới và từng được đưa ra hơn cách đây hơn một năm, khi trường cùng Bộ VH-TT&DL xây dựng dự thảo nghị định quy định về đào tạo chuyên sâu đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, trong đó có nhà trường.

Hiện Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đã và đang đào tạo được 7 khóa tiến sĩ, với 2 chuyên ngành: Lý luận và lịch sử nghệ thuật sân khấu và Lý luận lịch sử phê bình nghệ thuật điện ảnh – truyền hình. Tính đến nay, trường có 3 khóa tiến sĩ đã tốt nghiệp.


Trước đó, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội đề xuất “xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu NSƯT, NSND được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ” để phù hợp ngành nghề đào tạo, đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.


Minh Long

Xem thêm Bộ máy UBND TP. Hà Nội có hơn 13.000 tiến sĩ, thạc sĩ Theo thống kê, tính đến năm 2022, Hà Nội có gần 130.000 công chức, viên chức.

Chia sẻ Facebook