Đề xuất nâng mức tối đa được vay vốn ngân hàng qua tín chấp

Chia sẻ Facebook
20/09/2022 19:48:11

Theo quy định hiện hành, cá nhân, hộ gia đình được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp…

Cử tri tỉnh Bình Thuận vừa có kiến nghị ngành ngân hàng nghiên cứu lại việc quy định mức tối đa được vay vốn ngân hàng qua tín chấp của các tổ chức đoàn thể ở mức 200 triệu đồng/hộ là quá thấp, các hộ gia đình ở những khu vực nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn với mức vay này không đủ để đầu tư vào sản xuất.

Về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, theo quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các quy định hiện hành về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng, TCTD căn cứ vào phương án sử dụng vốn, khả năng tài chính của khách hàng, các giới hạn cấp tín dụng đối với khách hàng và khả năng nguồn vốn của TCTD để thỏa thuận với khách hàng về mức cho vay, hình thức cho vay.

Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để phù hợp với thực tế nhu cầu vốn phục vụ sản xuất nông nghiệp, NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, theo đó đã nâng mức cho vay tối đa không có tài sản đảm bảo của một số đối tượng khách hàng lên gấp 02 lần mức cho vay tối đa cũ.

Như vậy, theo quy định hiện hành, cá nhân, hộ gia đình được tổ chức tín dụng cho vay không có tài sản bảo đảm theo các mức sau: tối đa 100 triệu đồng (nâng từ mức 50 triệu đồng) đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Tối đa 200 triệu đồng (nâng từ mức 100 triệu đồng) đối với cá nhân, hộ gia đình cư trú tại địa bàn nông thôn; Tối đa 200 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình đầu tư cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm; Tối đa 500 triệu đồng đối với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp.

Cập nhật thêm thông tin, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 7/2022, dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP đạt 2.836.626 tỷ đồng, tăng 8,42% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng 25% so với dư nợ toàn nền kinh tế; trong đó, dư nợ cho vay không có tài sản bảo đảm đạt 616.941 tỷ đồng, tăng khoảng 4,87% so với cuối năm 2021, chiếm 21,7% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh việc tiếp cận vốn vay không có tài sản bảo đảm tại các tổ chức tín dụng nêu trên, các cá nhân, hộ gia đình có thể vay vốn tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Hiện nay, NHCSXH đang triển khai 23 chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh, tiêu dùng chính đáng và trang trải chi phí sinh hoạt, chi phí việc làm với lãi suất ưu đãi, chỉ từ 3,3%-6,6%, thấp hơn so với lãi suất cho vay thương mại của các NHTM, công ty tài chính và không cần tài sản bảo đảm; 3 chương trình tín dụng chính sách mới theo Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Kết quả, đến cuối tháng 7/2022, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 273.458 tỷ đồng, tăng 10,28% so với cuối năm 2021, với hơn 6,4 triệu khách hàng còn dư nợ. Đối với các chính sách tín dụng được giao tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đến 15/8/2022, NHCSXH đã thực hiện giải ngân đạt 9.706 tỷ đồng.

Chia sẻ Facebook