Đề xuất mở lối thoát nạn khẩn cấp từ phòng ngủ để ngừa hỏa hoạn
Ngày 9-8 UBND TP Hà Nội tổ chức sơ kết triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch trọng tâm về công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) trên địa bàn năm 2023.
Liên quan tới 3 vụ cháy nghiêm trọng gần đây xảy ra tại xã An Khánh (huyện Hoài Đức), ngõ Thổ Quan (quận Đống Đa) và nhà số 24A Thành Công (quận Hà Đông) làm chết nhiều người, Thượng tá Ngô Thanh Lâm, Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC- CNCH, Công an TP Hà Nội cho biết, cả 3 công trình trong các vụ cháy trên đều có lối thoát nạn thứ 2 tại các tầng ra ban công hoặc có cửa ra tum. Các nạn nhân trong vụ cháy đều đã có tham gia tập huấn PCCC, nhưng thời điểm xảy ra cháy đều từ nửa đêm về sáng - thời điểm người dân đang ngủ, nên không phát hiện từ ban đầu. Khi phát hiện thì đã cháy lớn, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội chủ trì hội nghị
Qua 3 vụ cháy trên, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC- CNCH, Công an TP Hà Nội đề xuất công an các quận, huyện, thị xã tuyên truyền vận động để người dân mở các lối thoát nạn khẩn cấp từ các phòng ngủ vì từ thực tế 3 vụ việc nêu trên, phòng ngủ đều có thể mở lối thoát khẩn cấp; đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân các quy định về PCCC, khuyến khích lắp báo cháy tự động với công trình nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Nhiều công trình xây dựng tại Hà Nội chưa đảm bảo các yêu cầu về PCCC
Tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an nêu rõ, mặc dù tình hình cháy nổ trên địa bàn TP Hà Nội đã giảm về các tiêu chí, song vẫn còn xảy ra các vụ cháy nghiêm trọng, gây thiệt hại về người và tài sản. Các công trình chưa nghiệm thu PCCC, chưa đạt tiêu chí PCCC, công trình vi phạm hành lang PCCC, vi phạm lưới điện còn cao.
Bên cạnh đó, công tác liên ngành PCCC vẫn còn có hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Từ những hạn chế trên, Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị TP Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an về PCCC và CNCH với phương châm đặt an ninh con người lên trên hết.
Hà Nội có đặc thù 'ngõ nhỏ, phố nhỏ' nên cần có đánh giá cụ thể để triển khai thực hiện công tác PCCC phù hợp với thực tế; tập trung thực hiện '4 tại chỗ', trong đó, đề cao vai trò của người dân (chỉ đạo trong dân, lực lượng trong dân, phương tiện trong dân, hậu cần trong dân).
Theo Công an TP Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã vận động, hướng dẫn PCCC đến 108.422 hộ gia đình và đã có 102.034 hộ (đạt 94,1%) hộ mở 'lối thoát nạn thứ 2'. Đối với các hộ gia đình nhà ở chưa có lối ra ban công, lô gia, lối lên mái hoặc có nhưng bị chắn, bịt bởi 'chuồng cọp', 'lồng sắt' kiên cố đã vận động và có gần 1,5 triệu hộ (đạt 91,3%) đã mở 'lối thoát nạn thứ 2'.
>> Xem thêm: