Đề xuất lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc

Chia sẻ Facebook
01/07/2022 01:24:49

Lệnh 248; 249 có hiệu lực từ tháng 1/2022 của phía Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu nhiều ngành hàng, trong đó có hạt điều của Việt Nam.

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu điều lớn trên thế giới. Năm 2021, tổng sản lượng hạt điều xuất khẩu ước đạt 580 nghìn tấn với giá trị khoảng 3,6 tỷ USD, có mặt ở trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trọng điểm, đứng thứ 3 trong danh sách các nước nhập khẩu điều của Việt Nam.


Thị trường “dễ tính” đang dần “khó tính”

Hạt điều là một trong những mặt hàng đầu tiên xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trung Quốc luôn được coi là một thị trường trọng điểm tương đối “dễ tính” đối với hạt điều Việt Nam khi hấp thụ đa dạng sản phẩm và đặc tính tiêu dùng phong phú.

Tuy nhiên, gần đây do xu thế hội nhập quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu tham khảo tiêu chuẩn từ các thị trường khác trên thế giới để áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu vào nước này, điển hình là Lệnh 248- 249 tăng cường quản lý an toàn thực phẩm và thực phẩm nhập khẩu của nước này đã phần nào ảnh hưởng rất nhiều tới các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có hạt điều.


Trao đổi với Người Đưa tin , ông Đặng Hoàng Giang, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) cho biết, hai nước có đường biên giới chung dài hơn 1.500 km, đây là thuận lợi đầu tiên cho các hoạt động xuất khẩu hàng hóa, trong đó có hạt điều. Chính vì vậy, đây là một thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), qua đó, ký kết rất nhiều các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương nhằm đẩy mạnh hoạt động giao thương giữa các nước thành viên, đây là thuận lợi thứ hai.

Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS), Đặng Hoàng Giang

Tuy nhiên, kể từ sau năm 2021, theo số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế (ITC) và Hiệp hội, xuất khẩu điều sang thị trường này đã có sự sụt giảm do nhiều nguyên nhân như chính sách “Zero Covid” của nước bạn khiến lưu thông hàng hóa chịu ách tắc, thêm đó, do xu thế hội nhập quốc tế, Trung Quốc đã bắt đầu tham khảo tiêu chuẩn từ các thị trường khác trên thế giới để áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu vào nước này, điển hình là Lệnh 248- 249. Trước đó, hạt điều Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc luôn đạt giá trị kim ngạch cao và thị phần vượt trội.


Ông Bùi Khắc Nhã, Phụ trách kinh doanh xuất nhập khẩu công ty Tanimex Long An chia sẻ với Người Đưa tin , khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu điều sang Trung Quốc hiện nay của doanh nghiệp chủ yếu là các yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm và do chính sách “Zero Covid” khiến cho tình hình thông quan hàng hóa chậm chạp. Doanh nghiệp đã phải có nhiều cải tiến trong phương pháp sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là về hệ thống quản lý.

Các doanh nghiệp cần làm gì để thích ứng với sự thay đổi của thị trường Trung Quốc

Trước đây, xuất khẩu điều sang Trung Quốc chủ yếu là bằng đường bộ nhưng hiện nay đã có sự dịch chuyển sang hình thức xuất khẩu đường biển để hạn chế thiệt hại do tình trạng tắc biên và các quy định chống dịch khắt khe của phía bạn. Theo thống kê của VINACAS, năm 2021 lượng điều xuất khẩu qua đường biển chiếm đến 60% tổng kim ngạch toàn ngành.

Các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều dần chuyển hướng sang đường biển

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ngành điều kịp thời nắm bắt được những thay đổi chính sách nhập khẩu của phía Trung Quốc, ngay từ thời điểm tháng 10/2021, VINACAS đã có nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực cho các thành viên như cập nhật thông tin đến các doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với Trung tâm văn phòng SPS Việt Nam, Cục bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) tổ chức nhiều chiến dịch tuyên truyền rộng rãi, hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đăng ký mã số xuất khẩu vào thị trường trong nước.


“Với sự vào cuộc và giúp đỡ tích cực từ Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương và Văn phòng SPS Việt Nam, chỉ trong vòng 2 tháng (10 đến 12/2021- PV), 100% doanh nghiệp xuất khẩu điều Việt Nam đã được cấp mã số xuất khẩu khiến cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị không chịu nhiều ảnh hưởng”, Tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam, Đặng Hoàng Giang cho Người Đưa tin biết.

Ngoài ra, VINACAS thông qua các kênh truyền thông, báo chí để cung cấp thông tin về các quy định mới trong xuất khẩu điều sang Trung Quốc. Tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị về vấn đề này, coi đó như một lần tập huấn thông tin cho các doanh nghiệp.

“Hiệp hội đang đề xuất cơ chế thành lập một Tổ công tác với thành phần là các chuyên gia, đối tác có kinh nghiệm để hỗ trợ các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc”, ông Giang cho biết thêm.

Về lâu dài, Chủ tịch VINACS cho rằng, cần phải có những quy hoạch mang tính chất chiến lược mang tầm nhìn tổng thể trong việc tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Cụ thể hóa các Hiệp định thương mại đã ký kết giữa hai nước để từ đó tìm ra những vấn đề còn tồn tại và khắc phục.


Kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ trong công tác quy hoạch, cấp mã số vùng trồng giúp chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với yêu cầu, quy định của thị trường nhập khẩu .

Trước đó, tháng 3/2022, đã xảy ra vụ việc hi hữu khi 5 doanh nghiệp hạt điều Việt Nam, thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt, xuất khẩu 74 container sang cảng Genova của Ý. Hợp đồng được thực hiện theo phương thức thanh toán nhờ thu, hay còn gọi là “trả tiền nhận chứng từ D/P”. Tuy nhiên, vấn đề xảy ra khi bộ chứng từ gốc từ Việt Nam chuyển qua châu Âu đã “thất lạc” khiến các doanh nghiệp có nguy cơ mất trắng số hàng nói trên. Rất may, sau đó, nhờ sự vào cuộc can thiệp quyết liệt của Chính phủ, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương Việt Nam, các doanh nghiệp đã giành lại sự kiểm soát với các lô hàng của mình.

Chia sẻ Facebook