Đề xuất làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bờ sông Hồng
Lãnh đạo các đơn vị, địa phương đề nghị làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng; vị trí sân bay thứ 2 của Thủ đô... và nhiều nội dung quan trọng khác.
Sáng 30-10, đã diễn ra hội nghị báo cáo, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư đối với Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hội nghị do Văn phòng UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức.
Điểm cầu UBND thành phố Hà Nội.
Quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng
Ông Lê Ngọc Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho biết, trong 22 tháng triển khai nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô, Viện đã tham mưu UBND thành phố tổ chức và chủ trì tổ chức hàng trăm hội thảo, tọa đàm, làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học, đơn vị quản lý. Các sở, ngành, quận, huyện cũng đã rất chủ động phối hợp với Viện và tư vấn đề xuất nội dung thuộc ngành, lĩnh vực, địa phương.
'Nhờ vậy, mặc dù thời gian chưa nhiều, nhưng chúng ta đã có được dự thảo Báo cáo tổng hợp quy hoạch Thủ đô hơn 1.000 trang, gửi xin ý kiến các cơ quan, sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Đây là bước xin ý kiến rộng rãi về quan điểm, định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, các khâu đột phá để phát triển Thủ đô; phương án phát triển của ngành, lĩnh vực; phương án phát triển vùng liên huyện, vùng huyện; danh mục các dự án ưu tiên của ngành, lĩnh vực do đơn vị, địa phương phụ trách', ông Lê Ngọc Anh thông tin.
Ông Lưu Quang Huy, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, đơn vị lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội cũng nhấn mạnh, rất cần sự tham gia góp ý kiến của các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố Hà Nội cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhân dân Thủ đô trên tinh thần lập quy hoạch với sự tham gia của cộng đồng. Hồ sơ tài liệu sẽ được gửi niêm yết công khai tại địa phương, lấy ý kiến nhân dân theo quy định.
Tại hội nghị, đại diện liên danh tư vấn lập Đồ án Quy hoạch Thủ đô Hà Nội và tư vấn lập Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô trình bày những nội dung chủ yếu của 2 dự thảo đồ án quy hoạch, gồm tiềm năng, đặc thù, thực trạng phát triển và định hướng; nội dung cụ thể hóa Đồ án Quy hoạch Thủ đô trong Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô.
Để quy hoạch sát với thực tiễn phát triển
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân, 2 đồ án quy hoạch đã có sự thống nhất. Trong đó, dự thảo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã có phân kỳ các giai đoạn thực hiện từ nay tới năm 2065, tạo điều kiện để xác định các vấn đề liên quan đến nguồn lực đầu tư phát triển, cơ chế chính sách đi theo.
'Với Đồ án Quy hoạch Thủ đô, liên danh tư vấn cần lưu ý dự báo quy mô dân số, trong đó có tính đến dân số vãng lai. Liên quan đến vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2021-2030, con số được xác định hơn 11 triệu tỷ đồng là số vốn rất lớn, cần xem xét về tính khả thi. Ngoài ra, kịch bản tăng trưởng kinh tế Hà Nội 8-8,5% cũng cần được đánh giá kỹ để tới đây có giải pháp, chương trình hành động', ông Lê Anh Quân nêu.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân phát biểu.
Ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, ngày 27-10, báo cáo cuối cùng về rà soát lại Quy hoạch giao thông - vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cùng các kiến nghị về phát triển giao thông vận tải do đơn vị tư vấn thực hiện đã được nộp về Sở. Trên cơ sở đó, trong ngày hôm nay (30-10), Sở sẽ chuyển toàn bộ tài liệu này cho các đơn vị góp phần xây dựng 2 đồ án.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Đỗ Đình Hồng đề xuất đơn vị tư vấn làm rõ hơn nữa về quy hoạch, phát triển hai bên bờ sông Hồng trở thành trung tâm công nghiệp văn hóa và thành phố sáng tạo; đồng thời trong xác định văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới của Thủ đô cần lưu ý các nguồn lực về con người, tài nguyên về di sản văn hóa; thiết chế văn hóa - thể thao và những vị thế đặc biệt của Thủ đô ngàn năm văn hiến...
Tại hội nghị, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị dành diện tích đất phù hợp phát triển hệ thống hạ tầng viễn thông thụ động, như các trạm BTS thế hệ 5G, 6G.
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị rà soát mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa phục vụ cho các đề án phát triển huyện thành quận; đề xuất rõ nội dung về vị trí sân bay thứ 2 của Thủ đô...
Đại diện Bộ Tư lệnh Thủ đô đề nghị tích hợp bản đồ khu quân sự và các hợp phần quy hoạch cụ thể vào các đồ án quy hoạch, phục vụ không gian phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng an ninh; cập nhật chỉ tiêu đất quốc phòng theo quy hoạch ngành quốc gia về sử dụng đất quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ thông qua.
Về phía các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh mong muốn các đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm hướng phát triển thành phố du lịch, văn hóa, lịch sử, nghỉ dưỡng tại vùng văn hóa Sơn Tây - xứ Đoài; lấy Sơn Tây, Phúc Thọ và Ba Vì làm trung tâm, tạo cực mới cho phát triển công nghiệp văn hóa; bổ sung hướng quy hoạch điểm du lịch quốc gia với hồ Đồng Mô, hồ lớn nhất của Hà Nội, cũng như mở rộng hai đầu kết nối đường 416, trục liên kết ngang quan trọng của 3 huyện và thị xã...
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh nhấn mạnh, đến thời điểm hiện nay, hai đồ án quy hoạch đã đi đến bước hoàn thiện phương án cuối cùng báo cáo cấp thẩm quyền. Sở cùng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội nỗ lực bảo đảm tính thống nhất của hai đồ án trong quá trình nghiên cứu.
Trong tháng 11 tới, Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các đơn vị tư vấn sẽ tiếp tục lấy ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Ban Cán sự đảng UBND thành phố và HĐND thành phố.