Đề xuất bỏ quy định dành 20% quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội

Chia sẻ Facebook
12/12/2022 11:53:15

Bộ Xây dựng vừa có văn bản trả lời ý kiến của cử tri liên quan đến quy định bắt buộc chủ đầu tư phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn 5560/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.


“Cử tri đề nghị Chính phủ điều chỉnh Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội theo hướng UBND cấp tỉnh có trách nhiệm xác định quỹ đất có vị trí, quy mô phù hợp để phát triển nhà ở xã hội tập trung”, kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, trong thời gian qua, Bộ này đã nghiên cứu, phân tích, đánh giá một số tồn tại, bất cập trong việc thực hiện các chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó có quy định về việc dành quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội theo Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, làm cơ sở nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 49/2021/NĐ-CP ngày 01/4/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 100/2015/NĐ-CP, nhằm khắc phục một số tồn tại, bất cập của quy định này.

Tuy nhiên, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc trong quy định đã được sửa đổi, bổ sung trong Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì còn có những nội dung tồn tại, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cần được sửa đổi trong Luật Nhà ở năm 2014.


Hiện nay, Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023).

Theo đó, Bộ Xây dựng đã đề xuất các phương án sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội. Một trong những phương án đưa ra theo hướng bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng.


Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh; Khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch chi tiết xây dựng, quy hoạch phát triển khu công nghiệp, quy hoạch xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường, lớp dành cho người khuyết tật, yêu cầu bắt buộc UBND cấp tỉnh căn cứ vào chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương trong từng thời kỳ phải bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội.

Liên quan đến mô hình dự án nhà ở xã hội tập trung (dự án nhà ở xã hội độc lập, quy mô lớn), Bộ Xây dựng xin ghi nhận kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội để tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trong quá trình Dự thảo Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trước đó, liên quan đến quỹ đất nhà ở xã hội 20%, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho rằng, có những dự án nhà ở thương mại phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án, nhưng có nhiều dự án nhà ở thương mại không phù hợp.

Theo đó, HoREA kiến nghị, nếu có cơ chế chuyển giao quỹ nhà ở tương đương giá trị quỹ đất 20% sẽ vừa sát với thực tiễn, vừa có được quỹ nhà ở xã hội nhiều hơn với giá thành hợp lý hơn, phù hợp hơn với khả năng tài chính của đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

HoREA cho rằng, các dự án nhà ở thương mại (khu đô thị, khu nhà ở) rất đa dạng về phân khúc thị trường từ cao cấp đến bình dân; về quy mô diện tích từ dưới 1ha đến vài chục, hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ha. Do vậy, cần có cơ chế phù hợp để chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ dành một phần quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội.

Ngoài ra, việc sử dụng 20% diện tích để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại sẽ làm cho sản phẩm bị phân mảnh. Trong cùng một dự án có hai loại hình chất lượng khác nhau (nhà ở xã hội và nhà ở cao cấp) cũng gây bất lợi cho người sống ở nhà ở xã hội vì dễ dẫn đến cảm giác bị phân biệt đối xử.


Tuệ Minh

Chia sẻ Facebook