Để trái vải thực sự là niềm tự hào của nông sản Việt Nam
Ngày 7/6, UBND huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) tổ chức hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết phát huy thế mạnh riêng có của địa phương, thực hiện định hướng chiến lược của tỉnh, từ khoảng 30 năm trở lại đây, huyện Lục Ngạn đã và đang tập trung cho phát triển kinh tế nông - lâm nghiệp, hình thành vùng trồng cây ăn quả hàng hoá tập trung trọng điểm chất lượng cao ở khu vực miền Bắc với các sản phẩm chủ lực là vải thiếu và cây có múi (cam, bưởi)...
Hiện nay, Lục Ngạn là một trong những vùng trồng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích khoảng 28.000 ha, giá trị sản xuất từ cây ăn quả hàng năm đạt khoảng 3.000 - 4.000 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng trong xây dựng phát triển nông nghiệp, nông thôn mang đặc trưng riêng của huyện Lục Ngạn trong phát triển kinh tế.
Trong đó, đặc sản vải thiều Lục Ngạn đã khẳng định được chất lượng, uy tín thương hiệu ở khắp thị trường trong và ngoài nước, đã xuất khẩu đến các nước Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Đông Nam Á..., được người tiêu dùng đánh giả rất cao.
“Chúng tôi khẳng định người nông dân trồng vài thực sự là những nghệ nhân làm vườn chuyên nghiệp; các doanh nghiệp, HTX, thương nhân tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều thực sự là những bạn đồng hành gắn kết thủy chung; sản phẩm Vải thiều Lục Ngạn luôn có chất lượng hương vị và thẩm mỹ vượt trội, đảm bảo an toàn thực phẩm, có nguồn gốc rõ ràng, nên đã nhận được niềm tin và tình cảm yêu mến gắn bó của quý khách hàng”, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn khẳng định.
Năm 2023, với tổng diện tích trên 17.000 ha trồng vải chuyên canh, trong đó có gần 13.500 ha áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP; gần 4.000 ha vải chín sớm; dự kiến sản lượng quả tươi toàn huyện đạt khoảng 98.000 tấn, trong đó vải chín sớm đạt sản lượng khoảng 25.000 tấn; thời vụ thu hoạch bắt đầu từ ngày 25 tháng 5 đến cuối tháng 7 năm 2023. Từ đầu vụ đến nay, toàn huyện Lục Ngạn đã thu hoạch, tiêu thụ được khoảng 6.000 tấn quả tươi vải chín sớm, trong đó 59% sản lượng được tiêu thụ trong nước và khoảng 41% xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Trước những kỳ vọng về một vụ vải mới, ông La Văn Nam cho biết người dân trồng vải Lục Ngạn đã chuẩn bị tốt nhất về chất lượng sản phẩm để sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu thụ của tất cả các doanh nghiệp, thương nhân và người tiêu dùng.
“Huyện Lục Ngạn cam kết đồng hành và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong hoạt động thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều năm 2023 và những năm tiếp theo. Chúng tôi kỳ vọng được đón tiếp nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, thương nhân, du khách ở trong và ngoài nước đến tham quan, thu mua, tiêu thụ vải thiều, các sản phẩm chủ lực và tìm hiểu cơ hội đầu tư kinh doanh tại Thủ phủ vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang”, ông Nam khẳng định.
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cũng mong muốn nhận được sự đồng hành quan tâm giúp đỡ của các bộ, ban ngành, địa phương, các doanh nghiệp, đơn vị xúc tiến thương mại, thương nhân,.. nhằm nâng cao uy tín và lan tỏa sâu rộng hơn nữa thương hiệu đặc sản vải thiều Lục Ngạn, để trái vải thực sự là niềm tự hào của nông sản Việt Nam.
Cam kết đồng hành trong chuỗi liên kết của doanh nghiệp
Tại hội nghị, đại diện nhiều doanh nghiệp, thương nhân, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đã khẳng định cam kết sẽ tiếp tục tìm hiểu, ký kết hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất để bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; tạo mối liên kết bền vững giữa người dân trồng vải với các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu ở trong và ngoài nước.
Bà Nguyễn Thị Thảo - Giám đốc mua hàng cấp cao, Công ty WinCommerce - chuỗi bán lẻ WinMart, WinMart+ cho biết trái vải là một trong những trái cây mùa vụ chủ lực của chuỗi bán lẻ này trên toàn quốc với việc tiêu thụ tới nghìn tấn vải thiều từ các vùng trồng thương hiệu chuyên canh của Việt Nam, trong đó nổi bật là trái vải thiều Lục Ngạn của tỉnh Bắc Giang.
Nhấn mạnh vào quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thảo cho rằng từ nền tảng của chính phủ số, kinh tế số, xã hội số thì đến nay tiêu dùng số không còn là xu hướng mà đã trở thành hiện thực rất sinh động và phát triển tại Việt Nam hiện nay. Để bắt kịp xu hướng trên, doanh nghiệp này đã và đang hợp tác với các đối tác công nghệ hàng đầu thế giới nghiên cứu và thiết kế các nền tảng phân phối, bán lẻ phù hợp đảm bảo tính thân thiện, dễ tiếp cận, an toàn và gia tăng giá trị trải nghiệm với người tiêu dùng.
“Mỗi vùng miền, mỗi địa phương trên khắp dải đất hình chữ S đều có những sản vật quý, có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe con người và đều cần thiết không chỉ với người tiêu dùng Việt Nam mà còn cần với người tiêu dùng thế giới . Do đó, nâng cao giá trị hàng Việt, thương hiệu Việt không chỉ là mục tiêu mà chính là sứ mệnh của các đơn vị trong chuỗi giá trị sản xuất – phân phối – và bán lẻ”, bà Thảo kỳ vọng.
Đồng thời đại diện của chuỗi siêu thị này cũng bày tỏ cam kết hợp tác và đồng hành với địa phương, với các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trồng vải, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của địa phương cũng như ngày càng nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân vùng trồng vải.
Khai thác lợi thế ga đường sắt liên vận quốc tế
Điểm nổi bật trong vụ vải năm nay, ngành đường sắt vừa vận chuyển thử nghiệm các lô vải thiều tươi Lục Ngạn (Bắc Giang) bằng container lạnh trên tàu liên vận quốc tế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Theo ông Trần Thế Hùng - Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải và Thương mại đường sắt (Ratraco), cho biết với việc khai thác tuyến vận chuyển hàng hóa qua đường sắt từ Việt Nam đến ga nội địa Trung Quốc, Mông Cổ, Nga, châu Âu, người dân, doanh nghiệp thu mua vải thiều Lục Ngạn có thể lựa chọn thêm kênh vận chuyển tiêu thụ vải thiều bằng đường sắt thay vì chủ yếu bằng đường bộ như hiện nay.
“Với việc ga Kép được khai thác liên vận quốc tế, cơ quan hải quan vừa thành lập tổ hải quan tại ga Kép sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện các thủ tục hải quan. Hàng hóa nói chung, trong đó có vải thiều thực hiện thông quan tại ga Kép, sau đó xuất khẩu sang Trung Quốc mà không bị ách tắc, thuận lợi tiêu thụ sản phẩm cũng như hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc về Việt Nam.
Đơn vị đủ khả năng cung cấp các dịch vụ như khai báo hải quan; vận chuyển vải thiều từ vườn đến nơi tiêu thụ, bảo đảm phương tiện, bốc xếp, dỡ hàng; thiết bị có thể bảo quản vải thiều tươi 3-4 ngày”, đại diện doanh nghiệp vận tải đường sắt này khẳng định.
Trong khuôn khổ hội nghị cũng đã diễn ra chương trình ký kết hợp tác trong năm 2023 và các năm tiếp theo giữa các doanh nghiệp, các trung tâm thương mại, siêu thị và hợp tác xã, nhóm hộ sản xuất trồng vải về bao tiêu sản phẩm, tạo chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; đồng thời cắt băng xuất hành đưa vải thiều đi tiêu thụ.
Một số hình ảnh tại sự kiện:
Vải thiều Bắc Giang hiện đang vào vụ thu hoạch, thời gian thu hoạch vải thiều từ ngày 25/5 đến 30/7/2023.
Mạnh Quốc - Phạm Tùng.