Đề thi vào lớp 10 môn Văn làm thế nào để đạt điểm cao nhất?
Cuộc đua giành vé vào trường THPT công lập tại Hà Nội chưa bao giờ bớt “nóng”, trong giai đoạn nước rút, học sinh lớp 9 cần chuẩn bị tâm lý và kiến thức vững vàng để tự tin bước vào kỳ thi.
Liên quan đến một số bí quyết ôn tập và làm bài thi điểm cao môn Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, PV Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng cô giáo Nguyễn Phương Thanh - Tổ phó Tổ Văn, trường THCS Giảng Võ (Hà Nội).
Hiện nay, nhiều sĩ tử có tâm lí “cuống” khi mua 1 loạt những sách tham khảo, sách nâng cao để ôn luyện vào lớp 10. Theo cô việc này có cần thiết không? Đặc biệt với môn Văn, sĩ tử nên tập trung vào ôn thi thế nào để có kết quả tốt nhất?
Đúng là tâm lí lo lắng khiến nhiều bậc phụ huynh và cả các em học sinh tìm mua nhiều loại sách tham khảo khác nhau (có một số bố mẹ còn photo cho con từ 3-5 bộ tài liệu khác nhau cho cùng một môn học), tôi cho rằng điều đó là không cần thiết.
Bởi lẽ, ngoại trừ các bạn học sinh có năng khiếu đặc biệt về môn Văn và có nguyện vọng ôn tập nâng cao để chuẩn bị cho kì thi vào lớp 10 chuyên Văn cần chú ý đọc mở rộng các cuốn sách tham khảo dành cho học sinh giỏi, còn lại, học sinh chỉ cần học kĩ, nắm chắc tài liệu cơ bản mà các thầy, cô giáo ở trường đã cung cấp và hướng dẫn.
Cho đến thời điểm hiện tại còn khoảng 1,5 tháng nữa các em sẽ tham gia kì thi vào lớp 10 phổ thông trung học. Bước vào giai đoạn nước rút, các em cần có một kế hoạch ôn tập khoa học.
Ví dụ tuần này cần ôn lại kiến thức những văn bản nào, luyện tập thêm các dạng bài nghị luận xã hội về những chủ đề nào, cần ôn lại kiến thức Tiếng Việt nào đã học?...
Thường thì các thầy cô đều có những kế hoạch và hướng dẫn rất chi tiết, cụ thể, các em chỉ cần nghiêm túc thực hiện theo hướng dẫn đó là sẽ thấy kiến thức của mình được củng cố một cách vững chắc để có thể tự tin tham gia kì thi sắp tới.
Theo cô, các em nên kết hợp luyện đề, rèn kĩ năng làm bài thế nào để có được điểm cao với mỗi câu hỏi trong đề thi? Cô có thể lưu ý một số phần kiến thức trọng tâm không?
Trước hết, việc luyện đề, rèn kĩ năng chỉ hiệu quả khi các em đã nắm vững kiến thức cơ bản. Kiến thức mà vẫn còn lơ mơ thì việc tích cực luyện đề cũng không đem lại hiệu quả gì nhiều.
Việc luyện đề, rèn kĩ năng đòi hỏi các em phải có thầy cô hướng dẫn. Nếu chỉ làm theo cảm tính, các em sẽ khó được điểm cao vì biểu điểm thường chi tiết đến từng ý nhỏ.
Thêm nữa, đề bài thường có sự kết hợp của nhiều dạng câu hỏi, các em nên tuân thủ hướng dẫn của thầy cô về cách làm mỗi dạng bài. Trên cơ sở đó, các em có thể tự tìm đề để luyện tập thêm. Hãy chú ý làm đi làm lại những dạng bài mà mình còn chưa chắc chắn cho đến khi đạt kết quả thật tốt.
Phần văn học hiện đại (thơ và truyện hiện đại) là phần chiếm dung lượng nhiều nhất trong chương trình học của các em, nội dung các văn bản cũng rất gần gũi, thiết thực. Vì thế, các em cần tập trung nắm vững kiến thức ở phần này.
Bên cạnh đó, cũng đừng quên ôn lại các văn bản văn học trung đại, các văn bản nhật dụng, văn bản văn học nước ngoài,…
Một trong những phần thi được cho là “gỡ điểm” chính là câu hỏi nghị luận xã hội, theo cô với phần này thí sinh nên nhận dạng, trình bày thế nào để có điểm tối đa?
Theo tôi, phần nghị luận xã hội chưa hẳn là phần giúp học sinh gỡ điểm, vì các câu hỏi thường mang tính bất ngờ, khó dự đoán đối với học sinh. Vì thế, các em không nên chủ quan.
Để đạt điểm cao ở phần này, các em cần nắm chắc cách làm hai dạng bài: nghị luận về tư tưởng, đạo lí và nghị luận về một sự việc, hiện tượng trong đời sống, xã hội.
Trong khi làm bài, các em thường lúng túng trong phần đưa dẫn chứng. Nguyên nhân chủ yếu do “vốn” hiểu biết xã hội của nhiều em còn hạn chế.
Vì thế, vẫn là chưa muộn nếu các em tự lập cho mình một cuốn sổ tay ghi lại các dẫn chứng nghị luận (chia theo từng chủ đề cụ thể) mà các em thu thập được từ quá trình đọc báo, xem tin tức thời sự, đọc các sách lịch sử-danh nhân… Tin tôi nhé, nó sẽ giúp các em viết văn nghị luận một cách tự tin và hiệu quả hơn.
Một phần nữa mà học sinh thường bị mất điểm là phần liên hệ bản thân, rút ra bài học nhận thức và hành động. Các em cần chú ý tránh lối viết chung chung hoặc hô khẩu hiệu mà cần viết thật cụ thể, chân thành.
Quá trình làm bài thi, có những “bẫy” nào thí sinh cần tránh? Với môn văn, cách trình bày được đánh giá khá cao, vậy cô có lời khuyên nào với sĩ tử khi trình bày bài làm của mình?
“Bẫy” đầu tiên mà các em hay mắc phải là “bẫy” thời gian. Có nhiều em không biết chia thời gian làm bài cho 2 phần sao cho phù hợp, dẫn đến việc mất quá nhiều thời gian cho phần đầu mà thiếu thời gian để hoàn thiện phần bài còn lại. Vì thế, ngay khi nhận đề, cần xác định thời gian cần thiết cho từng phần, sau đó mới bắt tay làm bài.
“Bẫy” thứ hai là “bẫy” tâm lí mà các em tự tạo ra cho mình. Căng thẳng, lo lắng, cộng với việc thức quá khuya vào buổi đêm trước ngày thi có thể khiến các em thiếu sáng suốt trong phòng thi, để rồi làm thiếu câu hỏi hay lạc đề một cách tai hại. Chính vì vậy, các em không nên học khuya quá, cố gắng giữ tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái trước khi bước vào phòng thi. Có gì phải lo lắng đâu, khi các em đã có một sự ôn tập kĩ càng theo một lộ trình khoa học, phải không nào?
Bên cạnh đó, để tránh làm nhầm đề, không “trúng” yêu cầu đề, các em cần chú ý gạch chân các từ ngữ quan trọng khi đọc đề và phân tích đề. “Trong đoạn trích” hay “trong tác phẩm” rõ ràng là những phạm vi nghị luận khác nhau.
Câu hỏi “Theo tác giả, vì sao…?” hay “Theo em, vì sao…?” cũng là những câu hỏi đòi hỏi các em trả lời theo các hướng khác nhau. Nếu chú ý bám sát yêu cầu đề, chắc chắn các em sẽ “giương cung trúng đích”, đem chiến thắng về.
Ngoài ra, trình bày bài sạch sẽ, chữ viết ngay ngắn, rõ ràng sẽ tạo cảm tình cho người chấm. Các em đừng quên điều đó.
Ngoài bí quyết ôn thi, bí quyết làm bài thi để được điểm cao, cô còn muốn nhắn nhủ thêm điều gì với thí sinh không ạ?
Tôi chỉ muốn nhắn nhủ với các em rằng: Các thầy cô cũng như các bố mẹ đều rất hiểu và chia sẻ với những căng thẳng, lo lắng mà các em đang trải qua. Bởi lẽ, thầy cô và bố mẹ cũng từng là học sinh, cũng từng tham gia nhiều kì thi quan trọng trong cuộc đời. Thầy cô và bố mẹ chỉ mong sao các em thật sự chăm chỉ, nỗ lực trong giai đoạn nước rút này, đừng lơ là hay lười biếng để rồi phải hối tiếc.
Bất cứ kì thi nào cũng có người đỗ, người trượt. Đó là quy luật của cuộc sống. Nếu các em đỗ như mong ước, đó là điều đáng mừng. Nhưng nếu chẳng may, kết quả thi không được như ý, các em cũng đừng nản lòng, đừng chìm đắm trong những đau buồn, nuối tiếc.
Đó không phải là thất bại, đó chỉ là thành công bị trì hoãn mà thôi. “Cánh cửa này đóng lại, luôn có một cánh cửa khác mở ra”. Ta có thể học bằng nhiều cách, từ nhiều nguồn khác nhau. Điều quan trọng là các em không đánh mất niềm tin vào bản thân mình. Tôi tin rằng, một ngày nào đó, thành công sẽ mỉm cười với các em.
Xin cảm ơn cô về cuộc trò chuyện!
Hoàng Thanh