Đề thi môn văn lớp 10 THPT Năng khiếu: Học sinh thích thú với 'Điều em muốn nói ở tuổi 15'
Hầu hết các thí sinh thi môn văn trong buổi thi cuối vào lớp 10 Trường THPT Năng khiếu - ĐH Quốc gia TP.HCM sáng 5-6 đều rất háo hức với câu nghị luận xã hội mở 'Điều em muốn nói ở tuổi 15'.
Ra sớm nhất tại điểm thi ĐH Bách khoa TP.HCM, Nguyễn Ngọc Vân Uyên - học sinh Trường THCS Lê Anh Xuân, một thí sinh thi vào lớp 10 Trường THPT Năng khiếu - cho hay: "Đề thi dễ lắm, em làm được hai tờ giấy (8 trang). Em thấy dễ vì em học chuyên văn".
Trong ba câu của đề 1, gồm: câu 1 - Phần đọc hiểu bằng hình thức trắc nghiệm, câu 2 - Điều em muốn nói ở tuổi 15 và câu 3 - Nghị luận về nói với con, Vân Uyên cho biết em thích nhất khi viết những dòng văn thể hiện suy nghĩ của bản thân về "điều muốn nói" ở tuổi 15. Vân Uyên đã viết nên những suy nghĩ của mình về việc cha mẹ nên để con theo đuổi ước mơ, hãy để con ước mơ và làm điều mình muốn thay vì điều ba mẹ muốn.
Cũng hân hoan với niềm vui làm được bài, Đinh Quảng - một thí sinh thi vào Trường THPT Năng khiếu - cho biết điểm mới trong đề 1 đề thi năm nay là phần đọc hiểu văn bản đã được chuyển thành phần thi trắc nghiệm.
"Dù vậy em không lạ lẫm với cách ra đề mới này. Chúng em cũng đã được thầy cô ở trường THCS dạy cách làm bài thi trắc nghiệm. Em thấy trắc nghiệm sẽ dễ hơn so với tự luận" - Đinh Quảng nhận xét.
Làm đề 1, Quảng cũng cho rằng phần nghị luận xã hội "Điều em muốn nói ở tuổi 15" là phần hay nhất và khiến ngòi bút văn chương của em cảm thấy hứng thú, viết "phóng bút" nhất.
"Một đề bài rất mở và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của chúng em. Em rất thích đề văn này" - Quảng nói và cho biết em dự kiến thi môn chuyên là môn hóa, nhưng đề văn này cũng không làm khó em. Ngược lại, đề văn với những ý như vậy khiến em cảm thấy thích thú khi làm bài.
Tương tự, Bùi Lê Anh Thư và Cung Trúc Như, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), cũng trao đổi sôi nổi với nhau sau giờ làm bài thi môn văn vì tâm đắc với "Điều em muốn nói ở tuổi 15".
"Em thấy đề thi văn này khiến học sinh nói lên được suy nghĩ của mình, và cảm thấy cánh cửa THPT sắp tới là một cánh cửa rộng lớn, nhưng chúng em có nơi để thể hiện mình" - Thư nói.
Nguyễn Ngọc Thảo Uyên - một thí sinh quận 1 - lại cho biết em chọn đề thi thứ 2. Đó là đề thi có câu nghị luận văn học mà em tâm đắc: Từ câu nói của một tác giả người Nhật, hãy dùng tác phẩm để làm rõ sự sâu sắc trong cảm nhận cuộc sống của một tác giả.
"Em đã chọn bài Sang thu của Hữu Thỉnh để làm rõ sự sâu sắc trong cảm nhận tinh tế của nhà thơ" - Uyên cho biết.
"Em thi môn chuyên là môn tiếng Anh. Đề thi văn vào Trường THPT Năng khiếu khiến em thấy thú vị khi làm bài và cũng không gặp áp lực gì. Em hy vọng mình có được điểm tốt trong môn này", Uyên nói.
Ngày 4-6, khoảng 2.300 học sinh lớp 9 ở nhiều tỉnh thành đã bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 Trường phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM).