Đề thi học sinh giỏi văn lớp 9 ở TP.HCM bàn về sự thay đổi của tuổi 15

Chia sẻ Facebook
31/03/2022 16:08:18

Trưa 30-3, sau khi kết thúc thời gian làm bài ở kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM tổ chức, nhiều thí sinh cho biết đề thi môn văn năm nay rất thời sự, tạo cảm hứng khi làm bài.

Thí sinh dự thi học sinh giỏi môn văn sáng 30-3 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG


Đề thi môn văn học sinh giỏi lớp 9 ở TP.HCM năm nay bao gồm hai câu hỏi đều có chủ đề về "Sự thay đổi".


Câu 1 có nội dung như sau:

Viết cho tôi - tuổi 15 và cho các bạn cùng lứa tuổi với tôi!

Rất có thể bạn đang háo hức đón chờ sinh nhật tuổi 15 với biết bao thay đổi: thay đổi về thể chất và tâm sinh lí, thay đổi về ý thức trách nhiệm với chính mình và với mọi người…

Nhưng bạn có nghĩ rằng làm đứa trẻ vô lo, vô nghĩ sẽ thích hơn trở thành người lớn với biết bao ưu tư cho chuyện học hành, lựa chọn trường lớp và nghề nghiệp tương lai?

Rất có thể bạn đã quen với sự thay đổi của cuộc sống do đại dịch COVID-19 gây ra: thay đổi lối sống - đeo khẩu trang, hạn chế tập trung đông người...; thay đổi cách thức học tập - liên tục chuyển đổi giữa học trực tiếp và học trực tuyến...

Nhưng bạn có nghĩ rằng sự thay đổi như vậy là không cần thiết vì nó khiến chúng ta quá mệt mỏi, hơn nữa đại dịch cũng đâu có kéo dài mãi mãi?

Rất có thể bạn đang lo lắng về việc học hành để chuẩn bị cho tương lai khi nghe nói công nghệ 4.0 sẽ làm thay đổi cuộc sống, nhiều ngành nghề mới sẽ xuất hiện...

Nhưng bạn có nghĩ rằng việc chuẩn bị cho những thay đổi mà chúng ta chưa biết rõ là rất phí công sức và tốn thời gian?


Tại sao cuộc sống cứ vận động và thay đổi?


Mình ghét sự thay đổi.

Ước gì ngày mai, đừng ai tổ chức sinh nhật tuổi 15 cho mình! Mình muốn một ngày như bao ngày, không có gì thay đổi cả!


Cô bé đứng lặng yên bên đường!

Em có đồng ý với suy nghĩ của cô bé trên? Hãy viết bài văn để đối thoại với cô bé ấy".


ThS Trần Tiến Thành - chuyên viên môn văn Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM - cho biết: "Ban ra đề thi học sinh giỏi môn văn năm nay ở TP.HCM đã quyết định chọn chủ đề là sự thay đổi xuyên suốt đề thi bởi nhiều lý do. Không chỉ lứa tuổi 15 - tuổi của các thí sinh đang thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý, mà cuộc sống cũng đang thay đổi rất nhanh.

Đề thi tạo điều kiện để thí sinh phản biện vấn đề, để các em nhận thức rằng sự vận động và thay đổi là điều tất yếu, là quy luật của cuộc sống. Các em cần đối diện với sự thay đổi ấy, cần có sự chuẩn bị cho bản thân, để thích nghi, để không khó chịu, bực mình với những đổi thay".

Đề thi môn văn kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 tại TP.HCM năm học 2021-2022

Theo ông Thành: "Đi cùng với tốc độ phát triển sẽ là những hệ lụy xã hội, những bất ổn tâm lý, nhất là trong giai đoạn giao thời, khi con người chưa thích ứng kịp. Vì vậy, cô bé trong đề đã có những hoang mang, lo lắng khi nhìn sự chuyển mình của thế giới xung quanh.


Tuy nhiên dù sợ hãi đến mấy, con người vẫn cần phải đối mặt với sự thay đổi của đời sống một cách tích cực bởi vì việc từ chối sự thay đổi đồng nghĩa với việc giậm chân tại chỗ, không tạo ra động lực phát triển bản thân.


Về lâu dài, nếu nhiều cá nhân có suy nghĩ như cô bé trong đề thì họ sẽ góp phần kéo lùi cuộc sống của loài người, gây cản trở cho sự phát triển của đời sống xã hội. Nhất là giới trẻ, các em không thể đứng bên lề xã hội.

Chúng ta chấp nhận sự thay đổi không có nghĩa là chạy theo guồng quay hối hả của cuộc sống mà không biết trân trọng, gìn giữ những giá trị, thói quen… tốt đẹp trong hiện tại".

Học sinh đang làm thủ tục để vào phòng thi trong kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố sáng 30-3 tại TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 năm nay ở TP.HCM có 4.224 thí sinh tham gia với các môn thi toán, lý, hóa, sinh, tin học, văn, sử, địa, khoa học tự nhiên, công nghệ, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nhật, tiếng Trung.

Theo tin từ Sở Giáo dục và đào tạo TP.HCM, kỳ thi chọn học sinh giỏi lớp 9 và 12 năm học 2021-2022 sẽ giới hạn số lượng thí sinh đăng ký dự thi và tỉ lệ giải với mỗi môn thi.

Chia sẻ Facebook