Đề phòng rắn cắn vào mùa mưa

Chia sẻ Facebook
17/06/2022 01:27:50

Hàng năm, cứ vào mùa mưa, số bệnh nhân nhập viện cấp cứu do bị rắn độc cắn thường gia tăng.


Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận 1 trường hợp bị rắn cắn vào mu bàn tay. Khi vào viện, bàn tay người bệnh có vết rắn cắn sưng nề, rỉ máu, đau tê lan lên cẳng tay. Ở nhà bệnh nhân chưa xử trí gì, sau đó vào viện cấp cứu.

Theo các bác sĩ, với thời tiết ẩm ướt, nhất là tại các vùng đồng bằng, vùng núi cao, nơi thường xuyên xảy ra ngập lụt rất dễ xảy ra hiện tượng côn trùng, rắn vào nhà. Khi thời tiết mưa bão, cần đóng kín cửa, bịt các lỗ thông cửa nhằm tránh côn trùng và rắn vào nhà.

Trong nhà có thể trồng thêm các bụi sả, cây sắn dây, cây lưỡi hổ, đây là những loại cây gây khó chịu với loài rắn. Ngoài ra, nên nuôi chó mèo để giúp phát hiện những sinh vật bất thường. Dọn dẹp nhà thường xuyên để tránh các ổ rắn làm tổ hoặc đẻ trứng trong nhà.

Khi bị rắn độc cắn nếu sơ cứu không đúng cách, nạn nhân có nguy cơ bị hoại tử, nhiễm trùng máu, hay thậm chí là tử vong. Sơ cứu người bị rắn cắn nhằm mục đích làm chậm và hạn chế nọc độc xâm nhập vào cơ thể nạn nhân. Qua đó, ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm và nguy cơ gây hại cho tính mạng có thể xảy ra.

Khi bị rắn độc cắn, cần nhanh chóng gọi cấp cứu tại bệnh viện gần nhất để được truyền huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu. Trong thời gian chờ sự trợ giúp y tế, người thực hiện sơ cứu nên tuân theo các bước sau:

- Di chuyển nạn nhân xa ra khỏi tầm hoạt động của con rắn.

- Trấn an nạn nhân, hạn chế cử động, tốt nhất là bất động chi bị cắn bằng nẹp, để làm chậm sự lây lan của nọc độc.

- Tháo bỏ đồ trang sức và nới lỏng quần áo chật nhằm tránh gây chèn ép khiến vết thương bắt đầu sưng lên.

- Điều chỉnh tư thế sao cho vùng bị cắn nằm thấp hơn mức tim, chẳng hạn như nằm xuống, kể cả trong lúc được vận chuyển đến bệnh viện.

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng và nước muối sinh lý.

- Dùng một miếng gạc khô và sạch để băng kín vùng bị cắn.

Chia sẻ Facebook