Để phát triển sông Sài Gòn quy củ, ổn định và khoa học
Theo chúng tôi, cần tập trung thực hiện ngay từ giờ những việc như sau:
1. Xây dựng bản đồ quy hoạch ven sông; xây dựng vành đai ven sông đảm bảo chống sạt lở, an toàn lâu dài:
Bản đồ quy hoạch cần nêu rõ các quy chế quản lý, sử dụng, khai thác hành lang bảo vệ sông Sài Gòn, từ đó dùng làm công cụ tổ chức thực hiện.
Chú ý nên tổ chức quy hoạch ven hai bên bờ sông Sài Gòn trước (gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng kèm theo kế hoạch thực hiện phù hợp từng giai đoạn). Khu vực ven sông này nên ưu tiên một cho không gian công cộng vì thành phố hiện còn rất thiếu, sau đó mới tính tới việc tổ chức khai thác các dịch vụ khác.
Với khoảng cách từ 100 - 200 mét tính từ mép bờ cao trở vào trong, dọc theo chiều dài sông Sài Gòn (khoảng 80km), nếu lập được quy hoạch vành đai hai bên bờ sông sẽ có từ 3.000 - 5.000ha đất.
Trừ bớt diện tích này cho công viên cây xanh (60%), diện tích đất cho giao thông và các dịch vụ, không gian mở công cộng (20%), thành phố sẽ còn khoảng 250 - 600ha để xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đa chức năng kết nối các tiện ích công cộng.
Quỹ đất hai bên bờ sông Sài Gòn rất thích hợp làm các dự án phục vụ cộng đồng, mở rộng không gian làm cảnh quan đẹp kết nối khu vực lân cận ở nội đô... Sau khi có được vành đai ven sông, tiếp tục xây dựng các tuyến đường ven sông.
2. Xây dựng tuyến đại lộ ven bờ sông:
Con đường có thể triển khai từ cầu Bến Súc (Củ Chi) về tới ngã ba Tôn Đức Thắng - Hàm Nghi (quận 1), ngang qua các huyện Hóc Môn, quận 12, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức.
Khi hoàn thành, tuyến này vừa là con đường giao thông huyết mạch vừa rút ngắn thời gian đi lại, vừa giúp giảm áp lực hạ tầng lên quốc lộ 22 đang quá tải và mang lại cho cư dân cảnh quan không gian sống lý tưởng, giúp thúc đẩy phát triển vùng đất đầy tiềm năng khu tây bắc TP.HCM
Cũng có thể thực hiện các tuyến đường hỗn hợp chạy dọc các dải đất, có chiều rộng mặt đường tương đối để xử lý kỹ thuật cục bộ tại các vị trí bị chia cắt bởi các dự án nhà ở.
Những tuyến đường này có thể dùng kết nối giao thông qua lại, giao thông đường thủy, phục vụ các phương tiện công cộng, kết hợp đường và vỉa hè dành cho người đi bộ và xe đạp.
3. Tổ chức lại du lịch đường sông:
Du lịch đường sông TP.HCM bấy nay chưa được như kỳ vọng là do thiếu quy hoạch, hạn chế trong tổ chức vô tình cản trở sự phát triển đô thị hai bên bờ sông. Vì vậy thành phố cần làm tốt công tác quản lý, quy hoạch, thiết kế đô thị hai bên bờ.
Hiện nay hệ thống đường thủy chưa phát triển mạnh tại TP.HCM, các phương tiện di chuyển không nhiều và các bến bãi cũng chưa đầy đủ.
Vì vậy cần nghiên cứu đầu tư và hoàn chỉnh hạ tầng, đặc biệt các bến đón trả khách hai bên bờ sông, xây dựng đa dạng vị trí điểm dừng cho người di chuyển, cần có thêm các bến tại khu công nghiệp, khu dân cư… tạo điều kiện để người dân đi lại thêm dễ dàng.
4. Xây dựng kết nối và đồng bộ hệ thống các cơ sở hạ tầng dọc bờ sông:
+ Với hệ thống sông kết nối là sông Đồng Nai cùng Soài Rạp và Lòng Tàu nếu được nạo vét thường xuyên, xây dựng, cải tạo đồng bộ luồng lạch sẽ phát huy vai trò chủ đạo trong vận chuyển hàng hóa cho hệ thống cảng biển không chỉ với TP.HCM mà cho cả vùng Đông Nam Bộ.
+ Ngoài hành lang bảo vệ hai bên bờ, sẽ còn rất nhiều mảnh đất dọc sông Sài Gòn thuận lợi cho việc tổ chức các công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, khu vực tổ chức sự kiện thể thao, văn hóa, du lịch, các dịch vụ ẩm thực, kinh doanh… tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người đến tận hưởng không gian hai bên bờ sông.
5. Quy hoạch tái thiết đô thị, khu dân cư ven sông Sài Gòn:
+ Tùy địa hình nghiên cứu quy hoạch tái thiết đô thị, xây dựng nhà ở tái định cư, công trình công cộng, phục vụ dân cư tại chỗ và khu vực nội đô bị giải tỏa (nếu có), khai thác quỹ đất cho nhà đầu tư.
+ Lưu ý việc tạo ra những khu dân cư, khu đô thị hiện đại, hoành tráng nếu sắp đặt không đúng vị trí cũng tai hại. Trên 90% nguồn nước sạch cung cấp cho sinh hoạt của người dân TP.HCM hiện lấy từ nguồn nước mặt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn.
Do đó cần hạn chế các khu dân cư và nhà cao tầng dọc hai bên bờ sông chính là biện pháp ngăn ngừa từ xa nhằm loại trừ việc xả nước thải chưa qua xử lý thẳng ra sông. Việc này cần chú trọng ngăn ngừa, bởi khi xảy ra ô nhiễm thì khắc phục vô cùng phức tạp và tốn kém, thậm chí khó phục hồi hiện trạng.
6. Huy động nguồn vốn:
Khuyến khích, hỗ trợ các tập đoàn trong và ngoài nước có năng lực, đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng xanh, đô thị mới gắn liền khai thác quỹ đất. Ưu tiên đầu tư tại những khu vực văn hóa lịch sử hiện hữu, có sức hút và tỉ trọng cao về kinh tế dịch vụ, nhằm kết nối hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan về sau này.
Thành phố nên dựa vào nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng từ giá trị hình thành do đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng cơ chế tài chính nhằm thu hút vốn từ các nguồn lực xã hội.
Có thể xã hội hóa kêu gọi đầu tư sao cho phù hợp chủ trương, định hướng phát triển liên vùng vì vừa rất khả thi vừa giúp giảm gánh nặng ngân sách, ngoài ra thành phố còn thu thuế nếu được nghiên cứu một cách thấu đáo, có những quyết sách phù hợp.
7. Những vấn đề khác:
Kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy, quản lý và phát triển đô thị cần đi liền với các chính sách "xanh".
Theo đó, cần xây dựng những chiến lược, chương trình định hướng phát triển đô thị xanh; xây dựng chính sách về kích thích khu vực tư nhân, quan hệ đối tác công - tư (PPP) và các sáng kiến sử dụng hoặc áp dụng giải pháp xanh, công nghệ xanh vào quy hoạch đô thị, thiết kế đô thị, thiết kế công trình, quy trình kiểm soát giám sát xây dựng đô thị bảo đảm không tạo nhiều chất thải ra môi trường.
Nghiên cứu và ban hành các chính sách khuyến khích nghiên cứu và áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, như năng lượng mặt trời, năng lượng gió và năng lượng sạch khác trong các công trình đô thị.
Quản lý đô thị rất cần đẩy mạnh gắn với ứng dụng công nghệ số. Hệ thống quản trị này sẽ hỗ trợ phương pháp phân tích khoa học đa tiêu chí, phân tích, đánh giá tổng hợp dựa trên 3 phương diện phát triển bền vững gồm kinh tế, xã hội và môi trường. Cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị.
Đặc biệt để thực hiện thành công chương trình chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh bền vững, thành phố cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ GIS (hệ thống thông tin địa lý) trong quản lý đô thị, kết hợp với công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI)… và các thiết bị thông minh tạo ra những ứng dụng đa dạng trong quản lý đô thị; hỗ trợ ra quyết định trong quy hoạch và phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đây cũng là một trong những giải pháp hiệu quả đưa vùng đất ven bờ sông Sài Gòn trở thành một đô thị sạch, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, thân thiện môi trường.
Sông Sài Gòn không chỉ có cảnh quan đẹp, nước chảy êm đềm mà còn phù hợp với việc quy hoạch một số công viên lớn nhỏ, điểm vui chơi giải trí, dạo bộ có những lối đi dọc ngang, sân chơi cho trẻ em, không gian thư giãn cho người trưởng thành.