Đề nghị tặng huân chương cho cán bộ dám đột phá

Chia sẻ Facebook
28/03/2022 21:39:47

Cần quy định tặng huân chương lao động cho cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung, đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề xuất.

Góp ý dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sáng 28/3, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa cho rằng cán bộ dám nghĩ dám làm là những người có tư duy sáng tạo, cách làm hay để giải quyết nút thắt trong cơ chế, chính sách, những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có nhưng không phù hợp với thực tiễn. Những giải pháp này mang lại giá trị và hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và nhân dân. Bà Hoa dẫn chứng Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc với quyết sách "khoán hộ" năm 1966. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành chính sách khoán 100 và khoán 10, làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp Việt Nam. Đó là nữ Anh hùng lao động Ba Thi với kỳ tích "cởi trói" cho hạt gạo tại TP HCM và đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1978, góp phần bỏ chế độ bao cấp gạo; hoặc trường hợp cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt với đường dây tải điện 500 KV...

Bộ Chính trị đã ban hành kết luận 14 ngày 22/9/2021 về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, trong đó yêu cầu biểu dương, khen thưởng xứng đáng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao, vì lợi ích chung. "Chủ trương này cần được thể chế hóa thành các văn bản pháp luật, nhất là trong bối cảnh hiện nay, một số cán bộ đảng viên đang có dấu hiệu chùng xuống, không dám làm gì chứ chưa nói đến dám chịu trách nhiệm", bà Hoa nói.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Mai Thị Phương Hoa. Ảnh: Media Quochoi

Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục) cũng cho rằng dự luật cần bổ sung đối tượng khen thưởng huân chương lao động, bằng khen của Thủ tướng, bằng khen của bộ, ban ngành. Đó là nông dân, công nhân, người trực tiếp lao động, sản xuất, công tác; doanh nhân, doanh nghiệp, trí thức, nhà khoa học, cá nhân, tập thể đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế xã hội; người ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công tác xã hội, từ thiện, nhân đạo.

Ông Sơn đánh giá, việc khen thưởng cho người lao động trực tiếp thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, chưa khích lệ tinh thần, vật chất với cá nhân có thành tích xuất sắc, tạo động lực để cá nhân cống hiến nhiều hơn, mang lại nhiều giá trị phát triển cho kinh tế xã hội đất nước.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan thì ủng hộ việc Nhà nước tiếp tục xem xét khen thưởng cho tổ chức, tập thể, cá nhân tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc vì "thể hiện chính sách nhân văn của Nhà nước". Tuy nhiên, quy định tại điều 95 của dự luật "thanh niên xung phong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, được tăng huân chương thanh niên xung phong vẻ vang phải có thời gian tại ngũ liên tục từ 2 năm trở lên, hoàn thành nhiệm vụ; thanh niên xung phong là liệt sĩ phải có thời gian tại ngũ một năm trở lên" là chưa phù hợp thực tiễn.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đỗ Thị Lan. Ảnh: Media Quochoi

Bà lấy ví dụ, 10 cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh, làm nhiệm vụ san lấp hố bom trong điều kiện chiến tranh ác liệt, nhưng chỉ từ tháng 4 đến 10/1968. Trong 214 ngày đêm, địch ném gần 50.000 quả bom xuống địa bàn, 10 cô gái đã làm việc suốt ngày đêm và hy sinh ngày 24/7/1968. "Lịch sử dân tộc đã ghi nhận 10 cô gái thanh niên xung phong đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Nhưng có người tham gia lực lượng thanh niên xung phong chưa đủ một năm như chị Trần Thị Dạ, tham gia ngày 3/11/1967", bà Lan nói.

Nữ đại biểu cho rằng thanh niên xung phong tham gia kháng chiến có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm như san lấp hố bom, tải đạn, vận chuyển vũ khí, cứu trợ hay trực tiếp tham gia các chiến dịch trên chiến trường, hy sinh anh dũng... Vì vậy, dự luật cần quy định linh hoạt về thời gian, điều kiện tặng, truy tặng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang để ghi nhận sự đóng góp của họ trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói, thi đua, khen thưởng là động lực nhằm phát triển kinh tế, xã hội và góp phần bảo vệ chế độ chính trị, xã hội. Đây cũng là công cụ quản lý quan trọng xây dựng con người mới, khơi dậy trách nhiệm, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào của cộng đồng và sức sáng tạo của tập thể, cá nhân. Việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng nhằm đảm bảo chính xác, kịp thời, minh bạch; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, biên giới, hải đảo; giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến...

Dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) sẽ được Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ ba, khai mạc tháng 5.


Hoàng Thùy - Sơn Hà

Chia sẻ Facebook