Đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm với người đã nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo: Các bác sĩ nói gì?
VietTimes – Đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm với người bị bệnh hiểm nghèo đã nghỉ từ 6 tháng trở lên, đang gây tranh luận sau khi Quốc hội thảo luận về vấn đề này vào chiều 30/5.
Một nội dung quan trọng trong dự thảo Nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp lần này là điểm khác so Quy định 96-QĐ/TW của Bộ Chính trị: Đề nghị không lấy phiếu tín nhiệm với người bị bệnh hiểm nghèo đã không điều hành từ 6 tháng trở lên.
Nội dung này đang gây nên những ý kiến khác nhau, khi chưa đạt được sự thống nhất trong chính các đại biểu Quốc hội.
Tranh luận trên nghị trường
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc bổ sung quy định không lấy phiếu tín nhiệm đối với người nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo, không điều hành công tác từ 6 tháng trở lên là cần thiết, thể hiện tính nhân văn, phù hợp với thực tế là có lãnh đạo mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể tham gia điều hành công tác được. Song phải quy định rõ xác nhận cơ sở y tế của cấp nào, xã, huyện, hay bệnh viện trung ương.
Có đại biểu lại nêu ý kiến: theo quy định, các trường hợp thuộc diện lấy phiếu tín nhiệm phải gửi báo cáo cho các đại biểu trước 30 ngày. Nhưng thời điểm đó người thuộc diện lấy phiếu mới bị bệnh hiểm nghèo thì sao? Khi đã xác định bị bệnh hiểm nghèo rồi, tập trung vào điều trị thì làm gì có thời gian, sức lực để làm báo cáo?
Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng quy định "không lấy phiếu tín nhiệm đối với người chữa bệnh hiểm nghèo đã nghỉ công tác từ 6 tháng trở lên" là chưa thoả đáng. Vì khi đã mắc bệnh hiểm nghèo thì ai cũng phải chật vật chống chọi với bệnh tật. Do đó, không nên lấy phiếu tín nhiệm dù họ mới nghỉ 1 hay 3 tháng, chưa nói đến thời gian 6 tháng.
Có đại biểu còn đề nghị bổ sung trường hợp dù không mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn được bác sĩ chỉ định ở nhà điều trị 6 tháng, thì không phải lấy phiếu tín nhiệm.
Ngược lại, cũng có ý kiến đề nghị vẫn lấy phiếu tín nhiệm vì nhiều trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nhưng vẫn muốn lấy phiếu tín nhiệm. Với những lãnh đạo liêm chính, việc lấy phiếu tín nhiệm là thước đo lòng tin của nhân dân với họ. Do đó, nên quy định mở để các trường hợp này được thực hiện lấy phiếu như bình thường, vì là quyền cơ bản của con người.
Ý kiến các nhà chuyên môn
PGS.TS. Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương - cho rằng, cán bộ lãnh đạo phải đủ sức khỏe để đảm đương công việc, mà theo định nghĩa của WHO: “Sức khỏe là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hay ốm đau.”
Vì thế, phải có tâm hồn khoẻ mạnh trong cơ thể khoẻ mạnh hãy đảm nhiệm vị trí lãnh đạo. Những người đã mắc bệnh hiểm nghèo thì không thể đủ sức khỏe đảm đương công việc được giao nữa, nên “ốm tha, già thải”, không cần lấy phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, nếu họ phải chịu trách nhiệm về việc nào đó đã làm lúc còn khỏe mạnh, thì nên lấy phiếu tín nhiệm, tránh để vin cớ bệnh tật mà chạy tội.
“Nếu cán bộ lãnh đạo không phải chịu trách nhiệm về những gì mình gây ra bằng việc không lấy phiếu tín nhiệm, thì sao nhiều trường hợp về hưu rồi còn phải cắt chức “nguyên”?” - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương đặt vấn đề.
GS.TS. Trần Bình Giang - Chủ tịch Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức - nêu ý kiến: khi cán bộ đã nghỉ chữa bệnh hiểm nghèo thì nghỉ luôn để người khỏe thay làm việc sẽ tốt hơn, vì thế không cần lấy phiếu tín nhiệm.
Quan điểm của chuyên gia về sức khỏe tâm thần, TS. Nguyễn Doãn Phương - nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia: Cán bộ cứ ốm trên ba tháng là thôi không nên giao việc nữa. Khi đã ốm phải nghỉ làm việc do có bệnh lý bệnh mạn tính, là được nghỉ ngơi, không làm việc. Mà không làm việc lấy đâu có tín nhiệm? Khi có bệnh giống như đeo tảng đá trong người. Đã mắc bệnh mạn tính, khi lấy phiếu tín nhiệm mà kết quả thấp sẽ ảnh hưởng đến tinh thần người bệnh và khiến bệnh nặng lên. Theo tôi, khi cán bộ bị bệnh hiểm nghèo đã phải nghỉ làm thì nghỉ luôn.
Nêu ý kiến về vấn đề này, BSCKII. Nguyễn Tiến Lãng - Giám đốc Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Hưng Việt - cho rằng, khi cán bộ đã trở thành bệnh nhân, lại là bệnh hiểm nghèo, thì không cần lấy phiếu tín nhiệm, vì họ đã không thể tiếp tục làm việc được nữa.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Tiến Dũng- nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai: Anh muốn làm tốt nhiệm vụ được giao thì phải có sức khỏe! Nếu không khoẻ thì không làm được gì cho chính bản thân mình chứ đừng nói cho mọi người. Vì thế không có lý do gì phải đặt ra là có hay không bỏ phiếu tín nhiệm khi đang ốm đau cả./.