Đề nghị giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản

Chia sẻ Facebook
23/05/2022 15:05:07

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Do đó, cần tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.

Sáng 25-5, tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, thực hiện phân công của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên cơ sở Báo cáo của Chính phủ, ý kiến các cơ quan của Quốc hội, các thành viên Ủy ban, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh thay mặt Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội báo cáo Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2022.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết năm 2021 là năm đối diện với nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có, dịch Covid-19 bùng phát trên toàn quốc, diễn biến nhanh, phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh và mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cùng với sự chuyển hướng từ chiến lược "phòng, chống dịch Covid-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19", kinh tế - xã hội có nhiều khởi sắc, GDP Quý IV tăng 5,22%, cả năm đạt 2,58%, nhờ đó, đã hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả; 7/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế vĩ mô ổn định, CPI bình quân cả năm chỉ tăng 1,84%, thu ngân sách nhà nước tăng 16,8% so với dự toán, bội chi, nợ công trong giới hạn cho phép, xuất siêu đạt hơn 4 tỉ USD thay vì ước tính nhập siêu 2 tỉ USD; mặt bằng lãi suất giảm, tín dụng tăng trưởng, an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động được triển khai tích cực, góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân, ổn định xã hội.

Bên cạnh kết quả đạt được, cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại, yếu kém cần khắc phục. Đó là 5 chỉ tiêu kinh tế - xã hội quan trọng không đạt mục tiêu (tăng thêm 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo), chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội chỉ đạt 4,71% so với mục tiêu 4,8%. Công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động, lúng túng; năng lực y tế, nhất là y tế cơ sở, còn bất cập, sai phạm về đấu thầu, mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phòng, chống dịch Covid-19 xảy ra nhiều vụ việc nghiêm trọng.

Thu ngân sách vượt dự toán nhưng chưa bền vững. Ước thu ngân sách nhà nước đã báo cáo với Quốc hội có chênh lệch rất lớn với số thu thực tế, làm ảnh hưởng lớn đến việc xây dựng dự toán năm sau, thể hiện năng lực dự báo, phân tích còn yếu, đặc biệt, tình trạng này đã kéo dài trong nhiều năm.

Cùng với đó việc phân bổ, giao dự toán chi chậm, kéo dài. Giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch, số vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa giải ngân của Trung ương là 71.600 tỉ đồng, trong đó có 16.000 tỉ đồng của các Chương trình mục tiêu quốc gia đều chưa được phân bổ, giải ngân trong năm 2021, phải chuyển nguồn sang năm 2022; giải ngân vốn ngoài nước chỉ đạt 32,85% dự toán; một số bộ, cơ quan trung ương giải ngân rất thấp, chỉ đạt dưới 20% kế hoạch.


Ủy ban Kinh tế cho rằng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc hoàn thiện quy định pháp luật về cổ phần hóa và sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công còn rất chậm, không hoàn thành mục tiêu. Thu từ cổ phần hóa đạt thấp, chỉ đạt 4.402 tỉ đồng/40.000 tỉ đồng, bằng 11% dự toán trong khi thị trường chứng khoán năm 2021 phát triển mạnh, là điều kiện thuận lợi để có thể thoái vốn.

"Kết quả trên cho thấy, chính sách tháo gỡ, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp rất hạn chế, tổ chức thực hiện chưa quyết liệt nhưng chưa có người đứng đầu nào bị xử lý trách nhiệm trong việc chậm trễ thực hiện nhiệm vụ này"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho hay.

Về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2022, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề: kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn còn tiềm ẩn rủi ro; giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, tỷ lệ giải ngân 4 tháng đầu năm chỉ đạt 16,36% (thấp hơn mức 17,04% so với cùng kỳ năm 2021) trong khi nhiệm vụ giải ngân năm 2022 rất nặng nề; các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội triển khai chậm; nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn.

"Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Trên thị trường cổ phiếu đã xuất hiện các hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi; một số cổ phiếu/nhóm cổ phiếu có biến động giá bất thường, không gắn với kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, gây tổn thất trực tiếp cho nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến tính ổn định và minh bạch của thị trường"- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói và đề nghị tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản, ban hành điều kiện, tiêu chí quản lý phát hành trái phiếu doanh nghiệp cùng với việc có giải pháp ổn định thị trường, tăng niềm tin của nhà đầu tư.

Ngoài ra, đề nghị lưu ý tới vấn đề lãng phí trong sử dụng đất đai ở một số nơi và tình trạng đẩy giá đất trong đấu giá đất đai để trục lợi; tình trạng ùn ứ phương tiện trong xuất, nhập khẩu nông sản qua các cửa khẩu phía Bắc; việc công khai, minh bạch thông tin, bảo đảm cung cấp thông tin ngay giữa các cơ quan nhà nước; việc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, vượt ra khỏi khuôn khổ pháp luật vì lợi ích chung.

Một số vấn đề về văn hóa, giáo dục, trẻ em, phòng chống tội phạm còn bất cập. Cần nhìn nhận, quan tâm thỏa đáng tới tình trạng sức khỏe tâm thần của học sinh, nhất là do ảnh hưởng do dịch Covid-19; áp lực học hành, thiếu các hoạt động vui chơi, giải trí, bệnh thành tích, kỳ vọng quá lớn của cha, mẹ, bạo hành gia đình, vấn đề thông tin mạng… là những nguyên nhân chính và cần có ưu tiên, giải pháp phòng ngừa. Ngoài ra, số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần tăng cao, năm 2016 là khoảng 500 ngàn, người đến năm 2021 tăng gần 2 lần, hơn 960 ngàn người, đã tác động không tốt đến hệ thống an sinh xã hội, mục tiêu mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị tăng cường công tác phòng, chống xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em. Triển khai hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển thị trường lao động; có giải pháp, phấn đấu giảm số đối tượng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tăng cường tuyên truyền làm rõ chủ trương, quan điểm của Việt Nam đối với tình hình Nga - Ukraine; theo dõi sát các vấn đề trong khu vực ASEAN để có giải pháp ngoại giao phù hợp.


Theo Văn Duẩn

Chia sẻ Facebook